Tình cảm đặc biệt
Chuyến thăm của Thái tử sẽ tập trung vào việc thúc đẩy đầu tư của Đan Mạch vào Việt Nam trong lihx vực năng lượng tái tạo, cụ thể là điện gió, và sử dụng năng lượng hiệu quả - Đại sứ Prytz nói.
Cùng đi với Thái tử có đoàn doanh nghiệp Đan Mạch 36 công ty, trong đó có một số công ty lớn nhất thế giới trong lĩnh vực của họ như công ty vận chuyển tàu biển lớn nhất thế giới, công ty sản xuất tuabin gió lớn nhất thế giới, các công ty sở hữu kỹ thuật hàng đầu trong lĩnh vực điện gió, sử dụng năng lượng hiệu quả.
Thái tử sẽ chào xã giao các nhà lãnh đạo Việt Nam, khai mạc diễn đàn phát triển năng lượng bền vững giữa hai nước, thăm các dự án điện gió ở Hải Phòng và dự án tiết kiệm năng lượng hiệu quả ở Hà Nam, thăm các công ty Đan Mạch tại Việt Nam.
Ngày 3/11, Thái tử Đan Mạch và lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam cùng với tập đoàn Lego sẽ làm lễ khởi công nhà máy Lego tại Bình Dương, mọi việc hoàn toàn theo kế hoạch và 2024 Lego sẽ sản xuất ra những viên gạch đầu tiên – theo Tham tán Thương mại Troel Jakobsen.
Thái tử Frederik có mối liên hệ đặc biệt với Việt Nam. Cha của Thái tử - Hoàng thân Henrik, đã sống ở Hà Nội những năm đầu đời vào những năm 1930, bởi vì ông nội của Thái tử là một là một nhà doanh nghiệp Pháp sang Việt Nam lập nghiệp. Hoàng thân Henrik rất gắn bó với Hà Nội, dành nhiều tình cảm yêu quý với những người giúp việc người Việt Nam của gia đình. Sau đó ông về Pháp rồi quay lại học cấp 3 ở Việt Nam. Ông đã xuất bản cuốn hồi ký "Mệnh Giời bắt thế", trong đó có những chương nói về tình cảm với Việt Nam.
"Vì thế Việt Nam giữ vị trí đặc biệt trong trái tim và tình cảm của Hoàng thân" – Phó Đại sứ Đan Mạch Carsten Balzer Rode nói. "Bằng cách nào đó tình cảm đó đã được truyền lại cho Thái tử. Hoàng thân và Thái tử đã nhiều lần sang thăm Việt Nam".
Điểm đến đúng cho đầu tư
Về quan hệ hai nước, Đại sứ Nikolai Prytz cho biết: Đan Mạch từng là một là một trong những nước cung cấp viện trợ phát triển chính thức ODA lớn nhất cho Việt Nam cho Việt Nam. Chúng tôi tự hào đã góp phần giúp Việt Nam thoát khỏi đói nghèo trở thành một đất nước như ngày nay.
Việt Nam đã dần lớn mạnh và trở thành một đối tác bình đẳng với Đan Mạch. Sự hợp tác chính giữa hai bên ngày nay là trên cơ sở bình đẳng, công bằng, đôi bên cùng có lợi, hợp tác giữa chính phủ với chính phủ.
(Đại sứ Đan Mạch Nikolai Prytz)
Hai bên hợp tác trên nhiều lĩnh vực: Năng lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, nông nghiệp, y tế, giáo dục… và đặc biệt chú trọng phát triển hợp tác kinh tế, thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam.
"Giờ không chỉ phụ thuộc vào chính phủ để đưa Việt Nam lên tầm cao mới mà cả các nhà đầu tư, các doanh nghiệp để đưa Việt Nam lên một vị thế mới" – Đại sứ Prytz nói.
Đại sứ cho biết: 135 công ty Đan Mạch đã mở văn phòng ở Việt Nam. Họ tuân theo 3 nguyên tắc mấu chốt khi làm ăn ở đây: Mang lại lợi nhuận và tăng trưởng, bền vững, quan tâm đến quyền lợi của lao động và công nhân.
"Việt Nam về nhiều lý do là một điểm đến thú vị với các nhà đầu tư Đan Mạch trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đó là sự khích lệ với chúng tôi trong thúc đẩy đầu tư" – Đại sứ nói.
Trong năm qua, với dự án đầu tư của công ty đồ chơi Lego, Đan Mạch đã vươn lên trở thành nhà đầu tư lớn thứ ba ở Việt Nam. Trả lời câu hỏi của Dân Việt liên quan đến đầu tư của Lego, Tham tán Thương mại Troel Jakobsen tiết lộ: "ĐSQ đã làm việc với Lego nhiều năm và chúng tôi giúp tìm địa điểm đầu tư của Lego. Việt Nam đã phải cạnh tranh với một số nước khác ở Đông Nam Á. Nhưng tôi không ngạc nhiên khi Việt Nam được chọn, Việt Nam là điểm đến đúng đắn để đầu tư. Và tôi rất hạnh phúc khi Việt Nam được chọn".
Ông Jakobsen cho biết, hoàn toàn đúng khi nói rằng Lego đầu tư vào Việt Nam là cú hích với các công ty Đan Mạch khác: "Chúng tôi đang làm việc với các công ty Đan Mạch khác về việc tìm các nhà cung cấp và dự án khác ở Việt Nam. Sau Lego, nhà sản xuất trang sức hàng đầu thế giới của Đan Mạch là Pandora đã quyết định xây dựng nhà máy ở Việt Nam, ngay cạnh nhà máy của Lego ở Bình Dương.
Đầu tư có chất lượng
Tại cuộc họp báo, Đại sứ Prytz cho rằng: "Vấn đề của Việt Nam không phải làm thế nào thu hút đầu tư nước ngoài, vì Việt Nam vốn đã có địa thế tốt, chính trị ổn đinh, mà làm thế nào thu hút đầu tư có chất lượng, bền vững".
Đại sứ Prytz nhấn mạnh rằng đầu tư theo hướng bền vững vốn đã nằm trong DNA của các công ty Đan Mạch và điều đó rất phù hợp với Việt Nam.
Ông cho biết: Đan Mạch nhiều kinh nghiệm trong nhiều thập kỷ về phát triển năng lượng tái tạo. Năm 1970 đã xảy ra khủng hoảng dầu mỏ, khiến đất nước Đan Mạch giật mình vì phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ và cần thoát khỏi sự phụ thuộc đó.
"Tuy Đan Mạch và Việt Nam có những đặc điểm khác nhau, vị trí khác nhau, nhưng chia sẻ việc cùng đi một con đường, cùng một mục tiêu: Tiến tới trung hòa carbon vào năm 2050".
(Đại sứ Nikolai Prytz)
Vì thế đã có những quyết định tầm cao nhất của lãnh đạo thời đó, đưa ra tầm nhìn trong nhiều năm nhằm phát triển các nguồn cung cấp năng lượng để giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch. Ngày nay Đan Mạch có lĩnh vực năng lượng gió ngoài khơi và gần bờ lớn nhất thế giới.
Theo tham tán thương mại Troels Jakobsen, Trong lĩnh vực năng lượng 2 nước có dư địa hợp tác chặt chẽ và mạnh mẽ hơn nữa vì 2 nước có mục tiêu chung.
Đan Mạch đã ký hợp tác chiến lược xanh với một số nước trên thế giới, và đang bàn bạc với lãnh đạo của Việt Nam sẵn sàng ký một hiệp định đối tác xanh như vậy với Việt Nam. Đây sẽ là một hiệp định với nhiều dự án và lộ trình để mang lại nhiều kết quả dẫn tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.