Theo thống kê của Sở Du lịch TP.HCM, 9 tháng đầu năm 2022, ngành du lịch TP.HCM đón hơn 21,6 triệu lượt khách nội địa, hơn 2,1 triệu lượt khách quốc tế với doanh thu đạt hơn 92.300 tỷ đồng.
Kể từ khi mở cửa lại du lịch, TP.HCM luôn nằm trong nhóm các tỉnh thành dẫn đầu cả nước về số lượng khách cũng như doanh thu. Nhiều sản phẩm du lịch mới lạ, nhất sản phẩm trải nghiệm tại các huyện nông thôn mới Củ Chi, Cần Giờ, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè đã nhanh chóng được khai thác tốt.
Các địa phương bắt kịp xu hướng, hình thành nhiều tour, tuyến, chương trình xúc tiến du lịch, trong đó có giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện cũng như cả TP.HCM.
Nổi bật nhất phải kể đến Chương trình quảng bá du lịch "Củ Chi - Hương sắc vùng Đất Thép" và Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ. Các sản phẩm OCOP của TP.HCM như bột rau má, mật dừa nước, mật ong rừng, tổ yến, khô cá dứa, xoài cát Cần Giờ… đã được giới thiệu, quảng bá tới du khách. Trong không khí lễ hội, các sản phẩm đặc trưng nhất của TP.HCM đã đến gần du khách trong và ngoài nước.
Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM, đánh giá sản phẩm OCOP không chỉ là sản vật địa phương mà còn chứa đựng văn hóa vùng miền. Vì thế, sản phẩm OCOP không chỉ giúp địa phương phát triển kinh tế về mặt sản xuất kinh doanh mà còn phát triển về du lịch.
TP.HCM được xem là nơi có thị trường du lịch sôi động mà khách hàng là chính người dân TP, khách du lịch trong nước và bình quân 7-8 triệu lượt khách quốc tế mỗi năm (giai đoạn trước dịch Covid-19). Vì vậy, theo ông Hiệp, phát triển sản phẩm OCOP kết hợp với du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch trải nghiệm sản xuất nông nghiệp tại TP.HCM rất tiềm năng.
Lãnh đạo Sở NNPTNT TP.HCM cho biết để phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch, TP.HCM sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân, các tổ chức kinh tế xã hội thấy được lợi ích, giá trị kinh tế khi tham gia và thực hiện chương trình gắn với hoạt động du lịch.
TP.HCM cũng phát động phong trào khởi nghiệp du lịch nông thôn gắn với phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng các mô hình du lịch trải nghiệm tại nông thôn để người dân địa phương có thể học tập và nhân rộng.
"Riêng 5 huyện và 56 xã xây dựng nông thôn mới tại TP.HCM, TP sẽ chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng đến các điểm du lịch, chú trọng gắn kết tour, tuyến du lịch hiện có với các địa điểm sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP của địa phương", ông Hiệp nói.
Về quảng bá, TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với du lịch, đặc biệt quảng bá tại các sự kiện du lịch lớn của TP.HCM, tại hệ thống các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn.
Chương trình OCOP quốc gia 2021 - 2025 nhấn mạnh nhiệm vụ tập trung xây dựng hình thành các "điểm đến" về sản phẩm OCOP gắn với các trung tâm du lịch, các hoạt động văn hóa; nâng cao năng lực hệ thống logistic về nông sản và OCOP nhằm thúc đẩy thương mại, thị trường sản phẩm trong nước và xuất khẩu.
Tại hội nghị triển khai Chương trình OCOP và Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Bộ trưởng Bộ NTNTPT Lê Minh Hoan nhấn mạnh cần phải gắn chặt việc phát triển sản phẩm OCOP với du lịch nông thôn.
Theo Bộ trưởng, "di sản nông thôn" hình thành từ sự cộng hưởng này và các địa phương phải tư duy làm thế nào để có được những "di sản nông thôn" trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại Việt Nam.