Sản phẩm OCOP TP.HCM lên sàn thương mại điện tử, chinh phục người tiêu dùng

Hồng Phúc Thứ ba, ngày 25/10/2022 09:40 AM (GMT+7)
Nhiều sản phẩm OCOP của TP.HCM đã lên các sàn thương mại điện tử. Dù mới tiếp cận nhưng lượng khách hàng thông qua các kênh này được đánh giá khả quan và nhiều tiềm năng.
Bình luận 0

Đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử

Ghi nhận của Dân Việt cho thấy hiện trên nhiều sàn thương mại điện tử lớn như Lazada, Tiki, Shopee, Foodmap… các sản phẩm nông sản gắn nhãn OCOP 3-4 sao của TP.HCM xuất hiện khá nhiều. Thông qua lượt tương tác, đánh giá và bình luận, có thể thấy, một số sản phẩm như bột rau má Orama, mật dừa nước Vietnipa được người tiêu dùng đánh giá cao.

Sản phẩm OCOP TP.HCM lên sàn thương mại điện tử, chinh phục người tiêu dùng - Ảnh 1.

Sản phẩm bột chùm ngây của Công ty XNK Thiên Nhiệt Việt trên sàn Foodmap. Ảnh chụp màn hình

Chị Nguyễn Ngọc Hương - Giám đốc Công ty XNK Thiên Nhiên Việt (huyện Củ Chi) cho biết hệ thống phân phối hiện nay mở rộng khá nhiều so với giai đoạn trước. Ngoài kết nối đưa sản phẩm vào các siêu thị thì các sản phẩm OCOP 4 sao của công ty hiện nay gồm bột rau má không đường Orama, bột tía tô, bột diếp cá, bột lá sen và bột chùm ngây đã "lên sàn" thương mại điện tử.

Theo chị Hương, việc đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử khiến các khách hàng đã sử dụng các loại bột rau của công ty dễ dàng ngồi tại nhà, chọn mua và được giao tận nơi. Trong khi đó, nhờ sàn thương mại điện tử, công ty cũng tiếp cận được thêm nhiều khách hàng mới từ khắp các tỉnh thành trong cả nước.

Sản phẩm OCOP TP.HCM lên sàn thương mại điện tử, chinh phục người tiêu dùng - Ảnh 2.

Mật dừa nước của Công ty Phát triển dừa nước Việt Nam (Vietnipa) cũng đã lên hầu hết sàn thương mại điện tử. Ảnh: Hồng Phúc

Anh Phan Minh Tiến - Giám đốc Công ty Phát triển dừa nước Việt Nam (Vietnipa) cho biết: "Sản phẩm của chúng tôi hầu như đã phủ đầy đủ các sàn thương mại điện tử. Các sàn cũng hỗ trợ nhiệt tình các doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp với những sản phẩm chất lượng. Kênh thương mại điện tử giúp chúng tôi tiếp cận tệp khách hàng mới, nhất là khách hàng tại khu vực đô thị".

Trên sàn thương mại điện tử chuyên về nông sản Foodmap, sản phẩm mật dừa nước đạt chuẩn OCOP 4 sao và đường dừa nước (sản phẩm mới của Vietnipa) xuất hiện trong "khu vực" đặc sản vùng miền. Nhiều khách hàng để lại đánh giá tích cực về chất lượng mật dừa nước cũng như tốc độ giao hàng nhanh - một tiêu chí quan trọng, được khách hàng yêu thích khi mua sắm qua kênh thương mại điện tử.

Nhiều sản phẩm rục rịch lên sàn

Theo đánh giá của các công ty nghiên cứu thị trường, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng thay đổi sau dịch Covid-19. Trong các xu hướng thay đổi đó, đáng chú ý là sự lên ngôi của mua sắm qua các sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, người tiêu dùng đã tin tưởng các sàn hơn so với những năm trước đây.

Với "bảo chứng" đã được công nhận OCOP, tức sản phẩm đã được kiểm tra gắt gao các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn chất lượng và kỹ thuật, các sản phẩm OCOP được đánh giá sẽ có nhiều tiềm năng khi tiếp cận khách hàng qua các kênh thương mại điện tử.

Sản phẩm OCOP TP.HCM lên sàn thương mại điện tử, chinh phục người tiêu dùng - Ảnh 3.

Ngoài kênh phân phối truyền thống, nhiều sản phẩm OCOP TP.HCM rục rịch lên các sàn thương mại điện tử. Ảnh: Hồng Phúc

Tại hội thảo về chương trình bình ổn thị trường ở TP.HCM tổ chức hôm 21/10, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng đánh giá Covid-19 làm nổi lên nhiều thách thức, tồn tại, hạn chế cần khắc phục của ngành bán lẻ. Điển hình là chuỗi cung ứng hàng hóa nói chung, chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu nói riêng vẫn còn rời rạc, dễ bị đứt gãy. Theo bà Thắng, một cơ hội sau dịch mà các doanh nghiệp cần điều chỉnh, nắm bắt để phát triển sau dịch, đó là phải thích nghi, hòa vào dòng chảy của hoạt động thương mại điện tử.

Nhận thức về vai trò quan trọng của kênh thương mại điện tử, các chủ thể sản xuất OCOP đã lên sàn đang tiếp tục tăng cường các hoạt động quảng bá trực tuyến. 

Một số chủ thể sản xuất khác chuyên về nhóm sản phẩm đã qua chế biến như mật ong rừng, tổ yến chưng… cũng đang hoàn tất các thủ tục, quy trình đưa sản phẩm lên sàn, tiếp cận người tiêu dùng mới.

Theo đại diện Sở NNPTNT TP.HCM, để hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP, ngoài các hoạt động xúc tiến thương mại, Sở cũng hỗ trợ về thiết kế bao bì, mẫu mã sản phẩm, phát triển thương hiệu, ứng dụng thương mại điện tử trong việc mở rộng thị trường, gồm xây dựng website, tập huấn, đào tạo kỹ năng bán hàng trực tuyến, livestream và các nội dung ứng dụng thương mại điện tử khác có liên quan.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem