TP.HCM gắn Chương trình OCOP với xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn
TP.HCM gắn Chương trình OCOP với xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn
Hồng Phúc
Thứ bảy, ngày 22/10/2022 10:00 AM (GMT+7)
Nhiều địa phương thuộc các huyện nông thôn mới tại TP.HCM đang tích cực tìm kiếm các sản phẩm nông nghiệp để tham gia vào Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP).
Chương trình OCOP TP.HCM gắn liền và không thể tách rời với Chương trình xây dựng nông thôn mới, có quan hệ mật thiết với sự phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo tồn và giữ gìn các giá trị văn hóa nông thôn.
Xã nông thôn mới tìm sản phẩm OCOP tiềm năng
Xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh là đơn vị duy nhất của TP.HCM được nhận cờ thi đua của Chính phủ vì những thay đổi đặc biệt ấn tượng sau 10 năm xây dựng nông thôn mới (2010-2020). Các thay đổi phải kể đến tại xã nông thôn mới này là từ cơ sở hạ tầng, kinh tế nông thôn, mức thu nhập đến các công trình văn hóa phục vụ đời sống tinh thần của người dân.
Hai năm qua, xã Bình Lợi tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là về các mô hình sản xuất nông nghiệp. Bà Phan Thị Thanh Công - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh cho biết địa phương và các hộ sản xuất, tổ hợp tác, HTX trên địa bàn thời gian qua tích cực tìm kiếm các sản phẩm nông nghiệp để tham gia vào Chương trình OCOP.
Các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tại xã này hiện nay là hoa mai vàng, cá cảnh, chanh không hạt, dừa xiêm, nấm linh chi… Với các sản phẩm sinh vật cảnh, xã đang có kế hoạch kết nối đưa vào nhóm sản phẩm du lịch. Đồng thời, tiếp tục chuẩn hóa các sản phẩm còn lại để đăng ký đánh giá, xếp hạng OCOP.
Theo bà Công, địa phương nhận thức rất rõ tầm quan trọng của Chương trình OCOP cũng như giá trị sản phẩm nông nghiệp sẽ tăng cao khi được gắn sao OCOP, vì đây không phải là chương trình của riêng TP.HCM, mà còn là chương trình quốc gia. Việc phát triển sản phẩm đặc trưng cũng giúp phát triển kinh tế địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Lãnh đạo Hội Nông dân thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi cho biết qua rà soát, đánh giá những sản phẩm tiềm năng của Chương trình OCOP có trên địa bàn, Hội đã phối hợp với UBND thị trấn, phòng Kinh tế huyện hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục, hồ sơ gửi huyện đánh giá sản phẩm chả lụa Duyên.
Đây là sản phẩm của một cơ sở sản xuất uy tín trên địa bàn, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, thường xuyên có mặt trong các hội chợ, triển lãm sản phẩm nông nghiệp, thương mại trên địa bàn huyện Củ Chi. Hiện sản phẩm này đang chờ đánh giá, xếp hạng OCOP từ hội đồng cấp thành phố.
Phấn đấu 100% xã nông thôn mới đều có sản phẩm OCOP
Theo Đề án Chương trình OCOP TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025, mục tiêu của chương trình là phát triển sản phẩm OCOP góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ nông thôn nhằm phát triển kinh tế nông thôn trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và phát triển bền vững có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Phát triển sản phẩm OCOP cũng nhằm nâng cao thu nhập của người dân, bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững ở các địa phương.
Từ mục tiêu này có thể thấy, Chương trình OCOP TP.HCM là gắn liền và không thể tách rời với Chương trình nông thôn mới, có quan hệ mật thiết với sự phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo tồn và giữ gìn các giá trị văn hóa nông thôn.
Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM Đinh Minh Hiệp cho biết, mục tiêu đến năm 2025, 100% xã xây dựng nông thôn mới tại TP.HCM sẽ có sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên.
Đây là một trong các tiêu chí các xã cần hoàn thành trong xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ đã đưa ra chỉ tiêu: Có sản phẩm OCOP được xếp hạng đạt chuẩn hoặc tương đương còn thời hạn, là chỉ tiêu thuộc tiêu chí số 13 (tổ chức sản xuất) và là 1/19 tiêu chí các xã cần hoàn thành trong xây dựng nông thôn mới.
Để thực hiện mục tiêu này, TP.HCM hiện có nhiều chính sách ưu tiên các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh có các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tham gia Chương trình OCOP của Thành phố.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.