Dân Việt

Đề nghị đánh thuế, phí và đăng ký tài sản với biển số xe trúng đấu giá

PVKT 26/10/2022 11:31 GMT+7
Đại biểu Quốc hội cho rằng, phải có chính sách thu thuế, lệ phí và đăng ký tài sản với biển số xe trúng đấu giá.

Sáng nay (26/10), tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số xe ô tô thông qua đấu giá.

Đảm bảo minh bạch, công bằng, tránh dư luận không tốt

Về sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số ô tô thông qua đấu giá, đại biểu Quốc hội, Trung tướng Nguyễn Hải Trung – Giám đốc CA TP.Hà Nội cho rằng, việc này đã được nhiều nước trên thế giới như Anh, Úc… triển khai cách đây khá lâu.

Ở Việt Nam từ các năm 1993, 2008 đã đặt ra vấn đề này nhưng do thiếu cơ chế pháp lý nên chưa triển khai được. Việc đấu giá biển số xe đảm bảo ích nước lợi nhà, công khai minh bạch nên cần được thực hiện sớm trên phạm vi toàn quốc.

Theo Trung tướng Nguyễn Hải Trung, biển số xe sau khi trúng đấu giá là tài sản của dân nhưng cần làm rõ nhà nước sẽ quản lý ra sao, chống đầu cơ như thế nào. Hiện có ý kiến cho rằng phải có xe mới đăng ký tham gia đấu giá biển và có quyền sử dụng suốt đời biển số đó.

Về quy định chỉ tổ chức đấu giá với xe cá nhân, Trung tướng Nguyễn Hải Trung lý giải do hiện có 2 hệ thống xe ô tô Bộ Công an và Bộ Quốc phòng quản lý.

Đề nghị đánh thuế, lệ phí và đăng ký tài sản với biển số xe trúng đấu giá - Ảnh 1.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, mức giá khởi điểm là 40 triệu đồng. (Ảnh: TA)

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt (đoàn Hà Nội) cho rằng, việc tổ chức đấu giá biển số ô tô lẽ ra phải thực hiện từ lâu vì nó đảm bảo minh bạch, công bằng, tránh dư luận không tốt. Hơn nữa, thực tế có nhiều người mong muốn biển số "đẹp".

Vấn đề đặt ra là xe đã có biển nhưng chưa ưng ý nếu đấu giá được biển đẹp hơn thì có được thay? Điều này phải quy định rõ. Bên cạnh đó, nếu hết thời hạn thí điểm 3 năm người trúng đấu giá phải tiếp tục được sở hữu biển số này coi đó là tài sản tư.

Hình thức đấu giá trực tuyến, đảm bảo công khai minh bạch vì kho biển số lớn, số người đấu giá đông - đại biểu Duyệt nhấn mạnh.

Đề nghị giá khởi điểm 40 triệu đồng/biển số xe ô tô

Nhiều đại biểu cũng nêu nhiều ý kiến đóng góp liên quan đến giá khởi điểm trong thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số xe ô tô thông qua đấu giá.

Đại biểu Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho rằng, nên đưa ra mức giá khởi điểm là 40 triệu đồng trong phạm vi cả nước, đồng thời cần lưu ý việc đầu cơ. Nguồn thu từ việc đấu giá thì ngân sách địa phương được thụ hưởng.

Đại biểu Quốc hội, Trung tướng Nguyễn Hải Trung – Giám đốc CA TP.Hà Nội nhận định, giá khởi điểm rất quan trọng, nếu không đưa vào không thể thực hiện được. Mức giá 40 triệu đồng là ngang bằng với lệ phí trước bạ xe ô tô ở Hà Nội và TP.HCM, 20 triệu đồng là phí áp dụng ở các địa phương khác. Trường hợp chỉ quy định 1 mức giá chung thì nên để 40 triệu đồng là hợp lý.

Nêu góp ý, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang) cũng cho rằng, việc xác định giá khởi điểm theo vùng 1 (20 triệu), vùng 2 (40 triệu) sẽ không có ý nghĩa khi người tham gia đấu giá trên phạm vi toàn quốc, không giới hạn và phân biệt vùng 1, 2. Do đó, đề xuất chỉ cần thống nhất 1 mức giá khởi điểm khi triển khai.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị thống nhất chọn 1 giá khởi điểm là 40 triệu đồng/biển số xe ô tô (Chính phủ đưa ra 2 loại giá là 20 triệu đồng và 40 triệu đồng/biển số xe ô tô tùy theo địa phương). Đồng thời thống nhất nội dung: Tiền đặt trước bằng giá khởi điểm; đấu giá trực tuyến, trả giá lên nhưng trình tự, thủ tục đấu giá phải theo các quy định pháp luật về đấu giá.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng giá khởi điểm nên quy định ở văn bản khác vì nó thay đổi theo thời gian, cần để Chính phủ quy định.

Đề nghị đánh thuế, lệ phí và đăng ký tài sản với biển số xe trúng đấu giá - Ảnh 3.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang).

Tránh đầu cơ, nên đánh thuế phí với biển số xe trúng đấu giá

Cũng theo đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, đấu giá xong là phải gắn vào xe để đi chứ không phải "giữ khư khư" biển số đó. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu quy định giảm bớt thời gian kể từ ngày trúng đấu giá đến khi phải gắn vào xe là 3 tháng hoặc 6 tháng thay vì quy định 12 tháng như dự thảo nhằm tránh tình trạng đầu cơ biển số.

"Tâm lý những người trúng đấu giá là muốn gắn biển đi ra đường ngay, họ đã phải sẵn sàng có phương tiện hoặc có sẵn phương tiện rồi mới thực hiện đăng ký đấu giá. Vì vậy, rút ngắn thời gian từ khi trúng đấu giá đến khi gắn vào xe là để hạn chế dầu cơ", bà Hà nói.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) lưu ý, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng về vấn đề hạ tầng công nghệ thông tin để thực hiện những cuộc đấu giá. Theo đại biểu này, nên giao cho tập đoàn viễn thông của nhà nước tổ chức việc đấu giá biển số qua mạng. Bởi vì có thể có trường hợp có hàng triệu người truy cập vào để đấu giá biển số nếu không có hạ tầng tốt thì sẽ rất khó thực hiện.

Đại biểu Thịnh cũng cho rằng, cần có chính sách về thuế và đăng ký tài sản đối với biển số trúng đấu giá. Bởi sau này biển số sẽ xuất hiện trong tờ khai tài sản của cán bộ, công chức, viên chức nếu thuộc đối tượng phải kê khai.

"Vì vậy, chúng ta phải có chính sách thu thuế, lệ phí và đăng ký tài sản với biển số xe trúng đấu giá thì mới có dữ liệu để quản lý và cũng là để hạn chế tình trạng đầu cơ, và đảm bảo sự công bằng xã hội thì khi chuyển nhượng", ông Thịnh đề xuất.