Dân Việt

Chủ tịch Hà Nội: Đừng chê tỉnh nghèo không có tiền, Đắk Lắk số lượng xe "xịn" nhiều hơn Đà Nẵng

L.Thúy - T.An 26/10/2022 14:24 GMT+7
"Nên giao cho HĐND tỉnh quyết chứ đừng chê tỉnh nghèo không có tiền. Nhà nước có thể nghèo chứ một số người dân không nghèo đâu. Như ở Đắk Lắk, số lượng xe "xịn" còn nhiều hơn ở Đà Nẵng"...

Đó là ý kiến của đại biểu Quốc hội Trần Sỹ Thanh – Chủ tịch UBND TP.Hà Nội tại phiên thảo luận tổ về thảo Nghị quyết thí điểm đấu giá biển số xe ô tô.

Đừng chê tỉnh nghèo không có tiền, ở Đắk Lắk, số lượng xe "xịn" còn nhiều hơn ở Đà Nẵng

Nêu ý kiến, Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh bày tỏ băn khoăn khi dự thảo nghị quyết đưa ra 2 mức giá 40 triệu đối với vùng 1 (Hà Nội, TP.HCM) và 20 triệu đồng đối với vùng 2 là các địa phương khác.

Ông Thanh cho rằng, để 2 mức 20 triệu đồng và 40 triệu đồng như dự thảo "sẽ loạn cào cào", do đó dự thảo nghị quyết chỉ nên đưa ra mức sàn của giá tối thiểu, còn giao lại cho HĐND tỉnh, thành phố quyết mức giá khởi điểm, bước giá.

"Nên giao cho HĐND tỉnh quyết chứ đừng chê tỉnh nghèo không có tiền. Nhà nước có thể nghèo chứ một số người dân không nghèo đâu. Như ở Đắk Lắk, số lượng xe 'xịn" còn nhiều hơn ở Đà Nẵng", Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh.

Chủ tịch Hà Nội: Đừng chê tỉnh nghèo không có tiền, Đắk Lắk số lượng xe xịn nhiều hơn Đà Nẵng - Ảnh 1.

Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh. (Ảnh: Thành An)

Cũng theo Chủ tịch Hà Nội, ngân sách nên giao về cho địa phương.

"Đấu giá chung thì tiền thu để đâu? Tất nhiên là ngân sách rồi, nhưng chưa rõ. Cái này ngân sách địa phương được hưởng chứ không phải ngân sách T.Ư, hay Bộ Công an. Tốt nhất là vẫn nên đưa về cho địa phương. Mà cái này Bộ Công an giữ cũng chẳng để làm gì cả. Bộ Công an cần tiền thì nhà nước cấp", ông Thanh phân tích.

Về bước giá, ông Thanh cho hay ở Hà Nội mà bước giá đấu giá biển số quy định 5 triệu "thì phải mấy ngày mới ra được giá thật".

"Hà Nội bước giá phải 20, 40, 50 triệu thì đấu giá mới nhanh, có khi 10 phút xong", ông Thanh đề nghị.

Đại biểu Quốc hội Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng lưu ý, trong quá trình tổ chức đấu giá biển số xe theo nhu cầu sẽ phát sinh tình huống người đã có ôtô, xe đã có biển số nay muốn đấu giá lấy biển số mới để đổi biển cũ thì có được phép? Từ đó, đại biểu cho rằng, nên cho phép đấu giá biển mới trả biển cũ.

Số ngẫu nhiên không bao giờ thiếu

Góp ý vào dự thảo, đại biểu Vũ Huy Khánh (đoàn Bình Dương) - đã lý giải vấn đề biển số nào sẽ nằm trong danh mục để đưa ra đấu giá. Theo tần suất, lưu lượng đăng ký tại từng địa phương, ông Khánh lấy ví dụ như tại Hà Nội, từ 1/1/2023, đăng ký biển số xe ô tô sẽ sang đầu số M thì trước 45 ngày, cơ quan đăng ký sẽ thông báo công khai dãy số đầu "M" bao gồm có bao nhiêu số được đưa vào đăng ký từ thời điểm này để người dân quan tâm lựa chọn.

"Ví dụ trong một vạn số, có khoảng 3.000 người quan tâm từ 66,88 hay 1111… (theo sở thích). Nếu một số nào bắt đầu xuất hiện nhu cầu của một người lựa chọn trở lên thì đưa vào danh sách để đấu giá. Nếu có một người duy nhất đấu giá sẽ rơi vào trường hợp một người đăng ký, một người tham gia đấu giá, một người trả giá. Từ 2 người trở lên sẽ đấu giá như phổ thông bình thường", ông Khánh cho biết.

Nếu hết thời gian thông báo 45 ngày, số còn lại sẽ đưa vào kho để người dân không có nhu cầu đấu giá để bấm ngẫu nhiên. Ông Khánh khẳng định số ngẫu nhiên để người dân không có nhu cầu đấu giá sẽ không bao giờ thiếu.

Về vấn đề, một người có được đấu giá nhiều biển số xe không, ông Khánh cho biết dự thảo không giới hạn nhu cầu đấu giá, có tiền cứ đấu. Tuy nhiên sau khi sở hữu biển số xe qua đấu giá thì trong giai đoạn thí điểm chưa cho người đó đấu giá bán lại.