Chủ tịch Hà Nội nói gì về việc Viettel "dọa" cắt dịch vụ công trực tuyến?

T.An Thứ sáu, ngày 03/07/2020 16:43 PM (GMT+7)
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết Hà Nội và Viettel đã thống nhất nhau về cách thức giải quyết và vận hành, vì thế sẽ không có chuyện dừng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Hà Nội.
Bình luận 0

Đại diện Công ty TNHH Viettel - CHT (Viettel IDC, thuộc Tập đoàn Viettel) - đơn vị cung cấp trung tâm dữ liệu cho hệ thống dịch vụ công trực tuyến của UBND TP.Hà Nội cho biết, trong 4 năm qua, Tập đoàn Viettel và Viettel IDC đã rất nỗ lực duy trì dịch vụ, nhiều lần trì hoãn việc ngừng cung cấp dịch vụ để TP.Hà Nội có thời gian giải quyết tồn đọng, phòng chống dịch bệnh.

Từ tháng 4/2018 đến nay, dù sử dụng hạ tầng do Viettel cung cấp nhưng UBND TP.Hà Nội không ký hợp đồng cũng như không thanh toán dịch vụ với số tiền lũy kế 200 tỷ đồng.

TP.Hà Nội từng cam kết hoàn tất thủ tục đấu thầu để thanh toán công nợ cho Viettel IDC trước ngày 30/6. Tuy nhiên, đến thời hạn thanh toán, phía Hà Nội chưa đưa ra bất kỳ kết quả nào về việc thực hiện thủ tục thanh toán công nợ.

Theo đó, Viettel IDC sẽ buộc phải ngừng cung cấp dịch vụ cho UBND TP.Hà Nội từ 0 giờ ngày 4/7. Dịch vụ sẽ được cung cấp trở lại khi Viettel IDC nhận được thanh toán công nợ đang tồn đọng.

Trong thời gian từ 30/6 đến hết ngày 3/7, công ty có văn bản đề nghị UBND TP.Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện sao lưu dữ liệu trước khi ngừng dịch vụ, chủ động triển khai các phương án đảm bảo hệ thống hành chính công của TP.Hà Nội không bị gián đoạn. Sau ngày 3/7, đơn vị sẽ không chịu trách nhiệm về dữ liệu của Hà Nội khi ngừng dịch vụ.

Chủ tịch Hà Nội nói gì về việc Viettel "dọa" cắt dịch vụ công trực tuyến? - Ảnh 2.

Hệ thống dịch vụ công của TP.Hà Nội.

Trước sự việc trên, bà Nguyễn Thị Mai Hương - Phó giám đốc Sở TTTT TP.Hà Nội lý giải, việc chậm thanh toán với Viettel IDC vì vướng một số cơ chế chính sách đấu thầu, Sở TTTT đang tích cực phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành để có phương án tháo gỡ; tránh làm gián đoạn các thủ tục hành chính công trực tuyến.

Theo Phó Giám đốc Sở TTTT Hà Nội, hiện phần lớn các thủ tục hành chính Hà Nội triển khai trên dịch vụ công trực tuyến, nhất là trong lĩnh vực giáo dục (2.444 trường) đang được triển khai rộng rãi. Sắp tới là những kỳ thi vào các cấp của học sinh, chính vì vậy việc dừng cổng dịch vụ công trực tuyến sẽ ảnh hưởng không nhỏ.

Bà Hương khẳng định, TP đã giao Sở TTTT phối hợp chặt chẽ với các sở ban ngành để tập trung tháo gỡ những vấn đề này, không để ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp.

Hiện nay các bên vẫn đang tiếp tục trao đổi, phối hợp với nhau để tháo gỡ từng phần. "Bên Viettel rất thiện chí và bên TP cũng rất nỗ lực. Quan điểm của TP cũng là lắng nghe ý kiến từ phía doanh nghiệp và giải quyết vướng mắc. Song việc này phải tháo gỡ từ từ, không thể giải quyết trong ngày một ngày hai" - bà Hương cho hay.

Trao đổi với báo chí, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: Không có chuyện dừng dịch vụ công của TP, vì hai bên (Hà Nội và Viettel) đã "giải quyết xong hết", thống nhất với nhau về cách thức giải quyết và vận hành.

Trước đó, tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Hà Nội ngày 22/4, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nhắc nhở lãnh đạo Sở TTTT về việc chậm trễ trong đấu thầu, thanh toán khoản nợ cho Viettel.

Ông Nguyễn Ngọc Kỳ - Giám đốc Sở TTTT lý giải do cơ quan này đang xác định các đơn vị cần thuê server cũng như ý kiến của Sở Tài chính về phân bổ kinh phí cho các hoạt động CNTT để báo cáo TP, song phần trả lời này bị người đứng đầu chính quyền Hà Nội cho rằng "đùn đẩy trách nhiệm, vòng vo".

Đáng chú ý, ngày 18/6, ông Nguyễn Ngọc Kỳ đã được điều chuyển từ vị trí Giám đốc Sở TTTT sang làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội. Hiện Sở TTTT Hà Nội đang khuyết vị trí Giám đốc.

Theo hợp đồng ban đầu, Viettel IDC sẽ triển khai 2 giai đoạn: giai đoạn 1 bắt đầu từ tháng 6/2016 đến nay, tuy nhiên Hà Nội mới thanh toán chi phí đến hết năm 2018 và từ đầu năm 2019 đến nay vẫn chưa thanh toán các chi phí thuê.

Giai đoạn 2 bắt đầu triển khai từ tháng 10.2017 với chi phí thuê mỗi năm khoảng 60 tỷ đồng/tháng nhưng Viettel IDC cũng chưa được thanh toán.

Tính tổng 2 giai đoạn, nợ của Hà Nội với Viettel IDC đến nay đã lên tới hơn 200 tỷ đồng. "Chúng tôi đã xin ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp về việc cắt dịch vụ nếu không được thanh toán. Các khoản nợ này rất lớn, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, ngay cả đề nghị Hà Nội tạm ứng để tiếp tục hoạt động nhưng đến nay Hà Nội vẫn chưa thanh toán cũng như chưa hoàn tất được thủ tục" - đại diện Viettel IDC nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem