Dân Việt

Trồng cây cảnh, có một cây khách trả tiền giá trị ngang chiếc ô tô mà ông nông dân Thái Nguyên không bán

Hà Thanh - Kiều Hải 30/10/2022 19:28 GMT+7
Gần nửa đời người gắn bó với nghề trồng cây cảnh, trồng hoa, ông Đỗ Ngọc Phùng (xóm Gò Móc, xã Quyết Thắng, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) chưa khi nào nguôi đam mê với cái nghề được coi là duyên nợ này...

Nghệ nhân cây cảnh Đỗ Ngọc Phùng chia sẻ về đam mê với công việc này (Clip: Hà Thanh)

Nghệ nhân gần 80 tuổi dành nửa đời người tạo thế cây cảnh

Đến xã Quyết Thắng, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, không ai là không biết lão nông Đỗ Ngọc Phùng - Chủ tịch Hội sinh vật cảnh, Trưởng Ban quản lý làng nghề xã Quyết Thắng.

Lão nông gần 80 tuổi này đã dành nửa đời người để tạo dáng cho cây cảnh, biến chúng trở thành những kiệt tác nghệ thuật để đời.

Chúng tôi gặp nghệ nhân cây cảnh Đỗ Ngọc Phùng trong một buổi chiều cuối tháng 10 đầy nắng. Ấn tượng của chúng tôi là mái tóc bạc phơ và giọng nói trầm ấm của nghệ nhân này.

Trò chuyện với ông, chúng tôi thêm hiểu hơn về cơ duyên và niềm đam mê của ông khi đến với công việc làm đẹp cho đời này. Với đôi bàn tay khéo léo của mình, ông đã tạo ra hàng nghìn, hàng vạn những "kiệt tác nghệ thuật".

Thái Nguyên: Lão nông dành gần nửa đời người thổi hồn vào những kiệt tác nghệ thuật - Ảnh 2.

Ông Phùng cho biết, gia đình ông bắt đầu nghề trồng hoa, cây cảnh từ những năm 1980, 1981 (Ảnh: Hà Thanh)

Ông Đỗ Ngọc Phùng cho biết, trước đây gia đình ông và những hộ dân trong xóm chủ yếu trồng chè trên diện tích đất vườn, đồi. Tuy nhiên sau một thời gian nhận thấy giá trị từ cây chè mang lại không cao, ông đã đi tham khảo và tìm hiểu nhu cầu thị trường. Thấy hoa, cây cảnh được nhiều người ưa chuộng và mang lại thu nhập lớn nên ông đã quyết định chuyển đổi sang mô hình trồng hoa, cây cảnh và tạo thế cho cây.

Theo ông Phùng, ông bắt tay vào nghề trồng hoa, cây cảnh từ những năm 80, 81 của thế kỷ trước. Đến nay, con cháu của ông vẫn gắn bó và tiếp nối với nghề truyền thống này.

Đến nay, tổng diện tích trồng hoa, cây cảnh của gia đình ông khoảng gần 10.000m2. Trên diện tích đó, ông vừa trồng cây bóng mát, vừa trồng bonsai, cây hoa, cây tạo thế.

Thái Nguyên: Lão nông dành gần nửa đời người thổi hồn vào những kiệt tác nghệ thuật - Ảnh 3.

Hiện, tổng diện tích trồng hoa, cây cảnh của gia đình ông Phùng khoảng gần 10.000m2 với các loại cây bóng mát, cây bonsai, cây hoa, cây tạo thế (Ảnh: Hà Thanh)

Vừa đưa tay tỉ mỉ cắt tỉa cho cây bonsai, ông Phùng vừa chậm rãi chia sẻ: "Để có được một tác phẩm nghệ thuật đẹp từ những cây xanh, trước hết nghệ nhân phải tìm và lựa chọn những cây dễ chăm sóc và dễ tạo thế, những cây có bộ gốc rễ và thân đẹp. Bên cạnh đó, cần lựa chọn những cây có lá nhỏ để không bị che mất phần đẹp của cây và không phải chăm sóc nhiều. Ngoài ra, những cây lá nhỏ sẽ chịu được thời tiết khắc nghiệt và có sức sống bền bỉ hơn."

Thái Nguyên: Lão nông dành gần nửa đời người thổi hồn vào những kiệt tác nghệ thuật - Ảnh 4.

Để có được một tác phẩm nghệ thuật đẹp thì việc lựa chọn cây là vô cùng quan trọng (Ảnh: Hà Thanh)

Sau khi đã lựa chọn được cây ưng ý, nghệ nhân sẽ uốn thân, cành, tỉa tán, tạo thế và dáng để làm sao cho cây mềm mại, tự nhiên và đẹp mắt. Đây là công đoạn mất nhiều thời gian nhất và đòi hỏi sự kỳ công, tỉ mỉ của nghệ nhân.

Trong quá trình chăm sóc, cần đảm bảo việc bón phân, làm đất tơi xốp cho cây phát triển tốt. Lưu ý, đối với cây cảnh, cây thế, cây bonsai thì tuyệt đối không bón phân đạm.

Thông thường, nên lựa chọn thời điểm mát mẻ không có nắng, không mưa để tỉa cắt lá cây cảnh. Như vậy sẽ không làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển và thẩm mỹ của cây.

Thái Nguyên: Lão nông dành gần nửa đời người thổi hồn vào những kiệt tác nghệ thuật - Ảnh 5.

Để làm ra được một tác phẩm nghệ thuật thế này đòi hỏi nghệ nhân phải kiên trì, đam mê và tỉ mỉ (Ảnh: Hà Thanh)

Việc chăm sóc cây bonsai chủ yếu mất thời gian ở giai đoạn ban đầu, còn sau khi đã tạo thế, tạo dáng thì công chăm sóc sẽ không quá vất vả.

Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc cần chú ý yếu tố ánh nắng mặt trời gây ảnh hưởng đến thân và vỏ của cây. Để làm được điều đó, cần lựa chọn hướng nắng chiếu vào thân cây cho phù hợp. Nếu lựa chọn sai hướng, cây rất dễ bị cháy nắng và hỏng vỏ.

Hiện nay, trong vườn của gia đình ông Phùng có đa dạng các loại hoa, cây cảnh với đủ các thể, dáng lạ mắt khác nhau. Những người chơi và mê cây cảnh có dịp đến thăm vườn của ông, ai cũng phải trầm trồ thán phục, không thể rời mắt.

Thái Nguyên: Lão nông dành gần nửa đời người thổi hồn vào những kiệt tác nghệ thuật - Ảnh 6.

Rất nhiều loại cây bonsai với thế, dáng đa dạng và lạ mắt (Ảnh: Hà Thanh)

Mong muốn tạo ra những kiệt tác từ tạo thế cây cảnh

Trong suốt quá trình làm nghề của mình, niềm hạnh phúc nhất của ông Phùng có lẽ chính là việc tạo ra giá trị và vẻ đẹp cho cây cảnh.

Ông còn nhớ một kỷ niệm vào năm 2007, khi đó có một vị khách đam mê cây cảnh đã trả giá một cây bonsai khoảng 30 tuổi của ông với giá trị tương đương một chiếc xe ô tô lúc bấy giờ. Tuy nhiên ông không bán, ông muốn giữ lại làm kỷ niệm cho bản thân và con cháu sau này. Ông cho rằng giá trị của nghệ thuật không thể định giá bằng tiền.

Thái Nguyên: Lão nông dành gần nửa đời người thổi hồn vào những kiệt tác nghệ thuật - Ảnh 7.

Hạnh phúc của ông Phùng là tạo ra giá trị cho cây và để lại cho đời những tác phẩm đẹp (Ảnh: Hà Thanh)

Ông Phùng chia sẻ thêm, ông chưa khi nào có suy nghĩ sẽ từ bỏ đam mê. Ông mong muốn con cháu mai sau sẽ gìn giữ công việc này, bởi công việc này không chỉ tạo cảnh quan môi trường giúp làm đẹp cho đời mà còn giúp cho bầu không khí trở nên trong lành.