Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Một trong những dấu tích về nữ doanh nhân tài ba, giàu có, chăm làm việc thiện là lăng mộ của bà ở cánh đồng Vông, thôn Đông Phong (xã Bình Lãng, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương).
Trải qua thời gian, khu lăng mộ nay đã xuống cấp cần sớm được tu bổ, mở rộng để tương xứng với tài danh của người được thờ phụng và giá trị của di tích.
Tìm hiểu về gốc tích của doanh nhân Bổi Lạng, chúng tôi được bà con thôn Đông Phong chỉ đến gặp ông Nguyễn Tá Triền, hậu duệ đời thứ 17.
Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng lăng mộ, ông Triền cho biết cụ Bổi Lạng sinh giữa thế kỷ XVII. Thuở nhỏ, cụ có tên là Thuyết, khi trưởng thành đổi tên là Trị.
Xuất thân trong gia đình nghèo khó, bố mất sớm, song cụ rất chịu thương chịu khó. Ngoài 20 tuổi, cụ kết hôn với ông Sái Đắc Lộc, quê ở Hà Tĩnh.
Xung quanh cuộc đời và sự giàu có của doanh nhân Bổi Lạng có rất nhiều câu chuyện ly kỳ mà đến nay người dân ở Bình Lãng vẫn thường kể cho nhau nghe.
Thuở hàn vi, bà thường ra sông mò hến bán. Một buổi chiều, trong lúc mò hến, bà tìm được rất nhiều vàng bạc, châu báu. Bà mang về nhà lấy vốn làm ăn.
Bà Bổi Lạng chọn nghề buôn bán lúa gạo và chăn nuôi gia súc để lập nghiệp. Thời gian sau bà trở thành người giàu có nhất vùng, ruộng có nghìn mẫu, tiền có trên vạn xâu, thóc lúa, gia súc nhiều vô kể.
Phần mái lăng mộ bà Bổi Lạn (người được xem như giàu thứ 2 thời xưa ) đã bị vỡ một số chỗ
Là người nhân đức nên bà Bổi Lạng thường bỏ tiền ra giúp đỡ dân nghèo. Bà mở đường, xây cầu đá cho người dân quanh vùng.
Có những năm mất mùa, thóc gạo đắt như vàng bạc nhưng bà đã quyết bán gia sản lấy tiền trợ cấp cho người nghèo. Sự giàu có và những việc thiện của doanh nhân Bổi Lạng đã đến tai chúa Trịnh Sâm. Để tìm hiểu thực hư, chúa đã dẫn quan quân đi đường thủy về Bình Lãng.
Đến đoạn sông quê bà, thấy bụi bay mù mịt, vua sai người đi tìm hiểu thì được biết bụi bay là do người làm trong nhà bà Bổi Lạng xay giã gạo.
Bà Bổi Lạng thấy mình phận nhỏ ở chốn thôn quê mà được chúa đến thăm bèn xin phép khao quân 3 ngày để tỏ lòng biết ơn. Suốt 3 ngày tiệc tùng linh đình, nhà chúa bái phục phong cho bà “Phú gia địch quốc” (người giàu có nhất thiên hạ) hay “Thạc nhân” (người đàn bà vĩ đại). Từ “Thạc nhân” đã được khắc trên lăng mộ của bà.
Phần mái của lăng mộ bà Bổi Lạng ở cánh đồng Vông nhiều chỗ đã bị vỡ. Phần sập đá đế rộng đã bị lún sâu. Mặt sập bị sứt mẻ và hoa văn đã mờ.
Bà Nguyễn Thị Huệ ngoài 70 tuổi, nhà gần khu lăng mộ của bà Bổi Lạng kể, gần đây đôi nghê đá đã bị trộm đào mang ra đến đường cái thì bị phát hiện bỏ lại. Người dân trong làng và dòng họ phải đem chôn lại.
Hội Doanh nghiệp trẻ huyện Tứ Kỳ tài trợ để làm đường vào khu lăng mộ bà Bối Lạng rộng hơn
Những năm trước, kẻ trộm còn tưởng dưới lăng của bà giấu vàng bạc, châu báu nên cũng tìm cách đào ruỗng chân, làm lăng sụt lún. Sau này dòng họ phải sửa sang lại. "Khu lăng mộ này cần sớm được trùng tu, bảo vệ", bà Huệ nói.
Sách "Hải Dương phong vật chí" có ghi, ở xã Bình Lãng có một ngôi mộ cổ cao 9 thước, dài 7 thước, rộng 5 thước; toàn bằng đá xanh nhẵn bóng như bôi mỡ, phía trước có giường và thú bằng đá; phía trái có bia bằng đá khắc bài văn do Từ Thiên tiên sinh, tước Liên quận công, Thám hoa triều Lê soạn.
Di tích lăng bà Bổi Lạng có kiến trúc độc đáo, được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh từ năm 2016. Di tích có giá trị cả về kiến trúc, lịch sử nên rất cần được nghiên cứu kỹ và trùng tu, tôn tạo kịp thời.
Theo tài liệu của Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Tứ Kỳ, bà Bổi Lạng cho dựng lăng và soạn văn bia vào năm 1720 trước khi mất một năm.
Từ đó đến nay, hơn 300 năm khu lăng mộ của bà chưa một lần được tu sửa hoàn chỉnh. Khu lăng mộ có diện tích nhỏ hẹp nằm giữa cánh đồng Vông, khá xa khu dân cư nên việc bảo vệ di tích gặp nhiều khó khăn.
Bia đá hình tứ trụ có niên đại Vĩnh Thịnh thập lục niên (1720) cao gần 2 m, rộng trên 0,6m trên có chữ Nho đã mờ ghi chép về cuộc đời của nữ doanh nhân Bổi Lạng
Thực hiện Đề án “Xây dựng và phát triển du lịch huyện Tứ Kỳ giai đoạn 2021-2025”, cuối tháng 8 vừa qua, UBND huyện đã quyết định tu bổ, tôn tạo và mở rộng diện tích khu lăng mộ.
Chị Trần Thị Minh, công chức văn hóa-xã hội xã Bình Lãng cho biết: “Việc tu bổ, nâng cấp, nhất là mở rộng diện tích khu lăng mộ bà Bổi Lạng rất cần thiết để ghi nhớ công lao của bà. Sau khi được nâng cấp, mở rộng nơi đây sẽ trở thành điểm du lịch gắn kết với nhiều địa điểm khác của huyện”.
Đầu năm 2022, UBND xã Bình Lãng đã tổ chức hội nghị điều chỉnh, khoanh vùng bảo vệ di tích lăng mộ bà Bổi Lạng. Theo đó, diện tích khu lăng mộ được điều chỉnh từ 1.197 m2 lên 24.100 m2. Phần lớn người dân trong xã đều đồng thuận với chủ trương này.
Ông Triền cho biết ngoài phần tường bao và nền khu lăng mộ được các hộ trong dòng họ đóng góp tôn tạo từ nhiều năm trước thì hiện nay Hội Doanh nghiệp trẻ huyện đã công đức để mở rộng đường vào lăng. Dự kiến, con đường hoàn thành vào cuối tháng 10 này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.