LTS: Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) từ ngày 30/10 đến ngày 2/11/2022.
"Đưa quan hệ láng giềng hữu nghị và đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc lên một tầm cao mới, ổn định, lành mạnh, bền vững, đáp ứng lợi ích căn bản, lâu dài của hai đảng, hai nước và nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực và trên thế giới" - nội dung trong điện mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình ngay sau thành công của Đại hội 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề cập đến nội hàm cũng như mục tiêu của mối quan hệ Việt - Trung.
Nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư, Dân Việt xin giới thiệu với bạn đọc loạt bài đi sâu vào phân tích, đánh giá lịch sử hợp tác nhiều mặt của 2 Đảng và 2 Nhà nước; nhận định của các chuyên gia về tầm nhìn và hợp tác chiến lược của 2 Đảng, 2 nước trong mục tiêu nói trên.
Từ chỗ chỉ là bạn hàng, đứng ngoài top 10 các nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, hiện nay dòng vốn đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Các nhà đầu tư Trung Quốc đã lọt vào 7/10 đối tác đầu tư lớn của Việt Nam, sản xuất và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng giá trị của doanh nghiệp Việt.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2021 kim ngạch thương mại Việt Nam – Trung Quốc đạt 165,8 tỷ USD, tăng 24,6% so với năm trước, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.
Ngược lại, Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới sau các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Australia.
Nhiều nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Trong đó, lớn nhất là điện thoại và linh kiện.
Đáng chú ý, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nhiều hàng nông sản của Việt Nam như: Thủy sản; rau quả; hạt điều; cà phê; chè; gạo; sắn và sản phẩm sắn; cao su, sản phẩm từ cao su… Trong đó, rau quả và cao su là 2 nhóm hàng đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD.
Vì sao Trung Quốc lại trở thành đối tác thương mại lớn của Việt Nam? PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với học giả, GS.TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, xung quanh mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam - Trung Quốc.
Theo ông Võ Đại Lược, toàn cầu hoá buộc các nền kinh tế gia tăng sự phụ thuộc, liên kết với nhau từ chuỗi sản xuất, nguyên nhiên liệu, đến xuất nhập khẩu. Việt Nam nằm kế bên Trung Quốc, công xưởng của thế giới, là cơ hội cho chúng ta tận dụng nguồn nguyên liệu, linh phụ kiện sẵn có và dồi dào phục vụ sản xuất, xuất khẩu.
Thưa GS, trong 10 năm qua, quan hệ thương mại Việt - Trung ngày càng phát triển, quy mô đã lên đến hơn trăm tỷ USD. Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và Việt Nam được xem là cửa ngõ để Trung Quốc hướng đến Đông Nam Á. Ông có nhận định gì về sự hợp tác kinh tế này giữa hai nước?
- GS.TS Võ Đại Lược: Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn là quan trọng, thậm chí quan trọng nhất. Tổng lượng hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc luôn chiếm từ 1/4 -1/3 kim ngạch, cho thấy đây là đối tác thương mại số một, hàng đầu của Việt Nam.
Tuy nhiên, thương mại Việt Nam với Trung Quốc vẫn có vấn đề là Việt Nam nhập siêu lớn từ nước này. Một điều dễ nhận ra là nhiều hàng hoá từ đại công xưởng Trung Quốc, Việt Nam chưa sản xuất được, trong đó có nhiều loại hàng hoá linh phụ kiện để lắp ráp và xuất khẩu ra nhiều nước khác.
Nhiều tập đoàn xuyên quốc gia như Samsung, Apple khi có mặt tại Việt Nam đã nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều loại linh phụ kiện vào Việt Nam để sản xuất, lắp ráp nhằm tận dụng giá nhân công rẻ.
Đây cũng là lý do Việt Nam đang trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn nước ngoài với chính sách Trung Quốc + 1 hoặc Trung Quốc + 2 nhằm tận dụng lao động giá rẻ, tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTAs) để lắp ráp, xuất khẩu đi thế giới.
Vấn đề nhập siêu từ Trung Quốc luôn được phía Việt Nam đặt ra để tìm cách giải bài toán. Nhưng khắc phục sẽ khó khăn và chậm, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thực chất là các sản phẩm, linh phụ kiện của công ty con của các tập đoàn xuyên quốc gia có mặt tại Việt Nam. Đó là vấn đề của toàn cầu hoá và chuỗi sản xuất, xuất khẩu của thế giới mà chúng ta không thể tránh được.
Theo ông, đâu là bản chất của nhập siêu từ Trung Quốc, chúng ta có nên lo ngại về vấn đề này?
- GS.TS Võ Đại Lược: Chúng ta cần để ý và khái quát rõ để có cách nhìn và đánh giá đúng đắn. Nếu trước đây chúng ta nhập đồ ăn, rau quả, thực phẩm, đồ may mặc... từ Trung Quốc, thì nay chúng ta nhập nhiều linh phụ kiện, máy móc, thiết bị… đa số để phục vụ cho sản xuất, gia công và xuất khẩu trở lại hoặc Trung Quốc hoặc nước thứ 3.
Gia tăng nhập siêu cũng lo đấy, nhưng gia tăng do chúng ta nhập nhiều linh kiện thì là để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và do chuỗi sản xuất định hình như vậy. Chúng ta cũng đã tăng trưởng xuất khẩu cao hơn sang Trung Quốc qua các năm, rõ ràng có sự phát triển đi lên.
Việt Nam là một trong những nước có điều kiện ổn định nhất cho chính sách Trung Quốc + của các hãng, tập đoàn xuyên quốc gia. Việt Nam có chính trị ổn định, nền kinh tế phát triển nhanh và lao động dồi dào… Đây được xem là lợi thế cho Việt Nam.
Nhiều người thường nói vui, sống gần với công xưởng của thế giới, cái gì cũng có, chúng ta nên cảm thấy vui hơn và cũng cố gắng tận dụng để làm giàu. Giàu không được là do lỗi của chúng ta!
Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, nhưng vẫn chưa trở thành đối tác đầu tư hàng đầu. Đây là nỗi trăn trở và cũng là bài toán cần sớm có giải pháp, thưa ông?
- GS.TS Võ Đại Lược: Vấn đề hiện nay là cạnh tranh, các nhà đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam không có cạnh tranh thì không hấp dẫn. Các nhà đầu tư Trung Quốc sang Việt Nam thời gian qua một phần là vốn nước ngoài theo chính sách Trung Quốc + 1, Trung Quốc + 2…
Công ty Trung Quốc vào Việt Nam có lợi thế là hiểu Việt Nam hơn so với các công ty châu Âu. Tuy nhiên, nếu so với vị thế và tầm vóc của nền kinh tế hàng đầu thế giới, rõ ràng vốn đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam rất khiêm tốn.
Tôi đã từng cùng một số học giả của Trung Quốc bàn luận về việc vai trò và vị thế của Trung Quốc đối với Việt Nam và rút ra được những kết luận. Quan hệ thương mại Việt - Trung phát triển cực tốt, nhưng Trung Quốc chưa trở thành nhà đầu tư lớn vào Việt Nam được, đó là sự chưa thành công trong quan hệ kinh tế giữa hai nước.
Chúng ta thấy Trung Quốc có nhiều dự án ở Việt Nam từ xi măng, sắt thép, đạm… nhưng số dự án để lại ấn tượng tốt đẹp chưa nhiều. Trong các kiến nghị của các học giả Việt Nam với giới học giả Trung Quốc, vấn đề nâng chất lượng dòng vốn Trung Quốc, nâng chất lượng khoa học công nghệ, chuyển giao máy móc hiện đại là tiêu chuẩn hàng đầu để tạo dựng niềm tin giữa hai nước.
Như vậy, làm gì để khơi thông dòng vốn lớn từ Trung Quốc tại Việt Nam? Thời gian vừa qua, có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư Trung Quốc vào VN bằng đường mua cổ phần, cổ phiếu doanh nghiệp rất lớn. Điều này phải chăng là sự chuẩn bị để tham gia sâu vào kinh tế Việt Nam của thương nhân, doanh nghiệp Trung Quốc?
- GS.TS Võ Đại Lược: Tôi cho rằng, những vết gợn trong đầu tư vốn nước ngoài ở lĩnh vực nào cũng có, song đối với vốn Trung Quốc vào Việt Nam thường bị cái nhìn khắt khe nhất. Chính vì thế, cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề chất lượng, hiệu quả luồng vốn để nâng tầm hợp tác giữa hai bên.
Nhưng cũng phải khách quan nhìn nhận, mặc dù bản thân Trung Quốc có nền khoa học kỹ thuật hàng đầu thế giới, có lượng vốn rất lớn, nhưng nước này chưa phải là nhà đầu tư tư bản lớn của thế giới. Năng lực của một nền kinh tế đầu tư ra nước ngoài cần phải được tính luỹ nhiều năm và cần trải qua một quá trình, chúng ta không thể đòi hỏi Trung Quốc (vào thời điểm này) có thể sánh ngang với Nhật, Hàn hoặc EU (về chất lượng dòng vốn đầu tư) được.
Hơn nữa, lâu nay một số dự án có liên quan đến vốn, công nghệ của Trung Quốc vào Việt Nam gây nợ, chất lượng kém, hiệu quả thấp đã khiến dư luận phản ứng. Trong thời gian tới, khi Việt Nam ở một vị thế mới, việc đàm phán, hợp tác với Trung Quốc về công nghệ, vốn, hiệu quả dự án cũng cần đặc biệt lưu tâm để vừa "gạn đục", vừa "khơi trong" các nhà đầu tư có chất lượng.
Bản thân Trung Quốc xây dựng đường sá, cầu cống, tàu điện ngầm đều quy mô và chất lượng hàng đầu thế giới. Với Việt Nam, chúng ta hiện nay ở một vị thế mới, không quá cần kíp các dự án đầu tư, hợp tác thông thường mà cần có những dự án lớn, chiến lược. Chúng ta cần đặt đầu bài, yêu cầu nhà đầu tư thực hiện, phục vụ thoả mãn các yêu cầu của chúng ta. Chúng ta vừa hợp tác vừa phải cạnh tranh, không còn cách nào khác được.
Gần đây hàng Việt gặp khó khi vào Trung Quốc bởi thị trường này ngày càng khó tính và khắt khe hơn. Giải pháp là phải nâng chất cho hàng Việt thông qua bao bì, nhãn mác và sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng nhiều hơn thay vì xuất thô; hợp đồng thương mại cần theo chính ngạch, có nghiên cứu đưa vào các siêu thị, trung tâm thương mại để khai thác tốt sức mua của thị trường 1,4 tỷ dân. Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?
- GS.TS Võ Đại Lược: Khi nghiên cứu kinh tế Trung Quốc, ai cũng biết rõ điểm mạnh của nước này là quy mô sản xuất lớn và một thị trường mà tất cả các nền kinh tế khác mơ ước. Một thị trường có sức mua lớn như vậy, không chỉ là cơ hội mà còn là quyết định thành công đối với các ngành lĩnh vực sản xuất.
Với Việt Nam, ở bên cạnh Trung Quốc, chúng ta có những sản vật ngon. Có thể thấy rõ khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam luôn trầm trồ vì đồ ăn, về thực phẩm. Nếu ví Trung Quốc là đại công xưởng thì thế giới cũng xem VN như bếp ăn của thế giới. Chúng ta cần tìm hiểu thị trường Trung Quốc để đưa hàng vào siêu thị, nơi có doanh số cao hơn và tiêu thụ tốt hơn thay vì bán nguyên liệu cho thương lái Trung Quốc.
Ta thích xuất khẩu đi Mỹ, EU… bởi đây là thị trường có lợi do đồng tiền có tỷ giá hối đoái cao. Nhưng chính chúng ta cũng phải xác định lại là Trung Quốc đang có sức tiêu dùng rất lớn, thị trường mà số lượng người giàu đang lớn nhất thế giới, sẵn sàng chi trả nhiều tiền hơn cho nông sản, thủy hải sản ngon.
Việt Nam có lợi thế với những loại nông sản, vật nuôi, thuỷ sản song xuất sang Trung Quốc chủ yếu qua đường tiểu ngạch, thương lái Trung Quốc mua gom hoặc ký kết với đối tác Việt Nam để mua dạng nguyên liệu thô sau đó chế biến, đưa đi tiêu thụ. Sự hiện diện của hàng chế biến, hàng thành phẩm "Made in Vietnam" trong các siêu thị, trung tâm thương mại dù có song rất hãn hữu.
- Xin trân trọng cảm ơn GS.TS Võ Đại Lược về cuộc trò chuyện này!
(Còn nữa)