Thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng ở Việt Nam chỉ bằng 1/2 so với Trung Quốc

An Linh Chủ nhật, ngày 25/09/2022 10:02 AM (GMT+7)
Tỷ trọng thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng các loại của Việt Nam chỉ dao động 7-10% tuỳ loại, theo Bộ Tài chính, mức này chỉ bằng 1/2 với Trung Quốc (15,6%).
Bình luận 0

Mức thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng ở Việt Nam thấp nhất khu vực

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng dẫn chứng tỷ trọng thuế xăng của Thái Lan, Singapore, Lào, Campuchia cao hơn so với Việt Nam và khẳng định, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với xăng các loại của Việt Nam hiện thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Thuế tiêu thụ đặc biệt trong xăng ở Việt Nam chỉ bằng 1/2 so với Trung Quốc - Ảnh 1.

Bộ Tài chính cho biết, thuế tiêu thụ đặc biệt trong xăng của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước. (Ảnh QT)

Cụ thể, trong dự thảo Nghị quyết Quốc hội ban hành về việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu các loại tại Kỳ họp thư IV, Quốc hội khoá XV sẽ cho ý kiến, trước khi thông qua vào tháng 10/2022, Bộ Tài chính đưa ra những phân tích cụ thể về tỷ lệ thuế đối với xăng dầu tại Việt Nam.

Theo Bộ Tài chính, hiện theo Luật thuế TTĐB, Việt Nam chỉ đánh vào xăng, không đánh vào các loại dầu. Mức thuế suất là 10% đối với xăng khoáng, 8% đối với xăng sinh học E5 (tỷ lệ pha chế 5% ethanol) và 7% đối với xăng sinh học E10.

Hiện nay, các nước trên thế giới đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng như sau, Pháp là 0,6629 Euro/ lít đối với xăng E10, 0,6829 Euro/ lít đối với xăng khoáng; Ý là 0,4748 Euro/ lít; Anh là 0,5295 Bảng/ lít; Đức là 0,345 Euro/ lít; Hàn Quốc 311 Won/ lít thuế tuyệt đối và thuế tỷ lệ là 15%); Úc 0,221 đô la Úc/ lít.

Thuế TTĐB đối với xăng các loại của các nước trong khu vực ASEAN hoặc nước có chung đường biên giới như Thái lan đang áp dụng là 6,5 Bath/ lít đối với xăng khoáng và 5,85 Bath/ lít đối với xăng 95 E85, 2,99 Bath/ lít đối với dầu diesel; Singapore là 0,41 Đô la Singapore/ lít; Trung Quốc là 1,52 Nhân dân tệ/ lít, tỷ lệ 15,6%; Campuchia 15%, Lào 16%…

Như vậy, theo Bộ Tài chính, thuế suất thuế TTĐB của Việt Nam áp dụng đối với xăng hiện nay là trung bình thấp so với các nước, đặc biệt thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới như Lào, Campuchia, Trung Quốc.

Giảm thuế TTĐB 50% đối với xăng và giảm 20% thuế VAT đối với xăng dầu các loại, Bộ Tài chính cho biết, nếu thời gian áp dụng trong vòng 6 tháng (bắt đầu từ ngày 1/11/2022), giúp làm giảm CPI năm 2022 giảm 0,1%. Tuy nhiên, tác động này còn tuỳ thuộc vào biến động của mức giá bán lẻ xăng dầu tại mỗi kỳ điều chỉnh.

Tác động đến tăng trưởng kinh tế, theo Bộ Tài chính việc giảm thuế TTĐB và thuế VAT sẽ tác động trực tiếp làm giảm giá bán xăng dầu, góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước. Qua đó thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2022 và năm 2023.

Bộ Tài chính, khi giá xăng dầu tăng 10% tăng trưởng sẽ bị ảnh giảm 0,5. Trong khi đó, trong tổng chi phí sản xuất toàn nền kịnh tế, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52%.

Với phương án giảm 50% thuế TTĐB và VAT, theo tính toán của Bộ Tài chính, CPI có thể giảm đến 0,15%.

Trong báo cáo đánh giá tác động của giám thuế VAT và TTĐB đối với xăng dầu, Bộ Tài chính đưa ra hai phương án giảm thuế phí đồng thời đưa ra thời gian áp dụng 06 tháng, kể từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết giảm thuế.

Tại phương án 01, Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng và 20% thuế VAT đối với xăng dầu. Theo đó, xăng khoáng các loại giảm thuế TTĐB từ 10% xuống 5%, xăng E5 từ 8% xuống 4% và xăng E10 từ 7% xuống 3%. Giảm 20% thuế VAT từ mức 10% xuống còn 8% đối với các loại xăng dầu các loại.

Bộ Tài chính ước tính, phương án 1 khiến ngân sách giảm thu khoảng 1.239 tỷ đồng/tháng; cộng cả với thuế bảo vệ môi trường giảm hiện hành, ước mỗi tháng ngân sách nhà nước giảm thu hơn 5.432 tỷ đồng.

Ngược lại, tác động tăng thu ngân sách do giá dầu thô tăng, giá xăng dầu thành phẩm tăng, khiến ngân sách tăng thu hơn 3.962 tỷ đồng. Như vậy, nếu đồng ý giảm các loại thuế trên, tổng thu ngân sách giảm khoảng 1.470 tỷ đồng/tháng.

Nếu áp dụng trong 6 tháng, ước ngân sách giảm thu do giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuê VAT, thuế bảo vệ môi trường trong xăng dầu là khoảng 40.890 tỷ đồng. Riêng hai loại thuế VAT và TTĐB đã làm giảm thu ngân sách hơn 7.434 tỷ đồng.

Giá xăng dầu bán lẻ sẽ giảm tương ứng, xăng E5 giảm 1.113 đồng/lít, RON 95 là 1.300 đồng, dầu giảm gần 439 đồng/ lít.

Trong phương án 2, Bộ Tài chính đề nghị giảm 50% thuế TTĐB đối với xăng và giảm 50% thuế VAT đối với tất cả xăng dầu.

Ước tính, thu ngân sách sẽ giảm 2.262 tỷ đồng/tháng, nếu thời gian thực hiện giảm các sắc thuế trên trong 6 tháng, thu ngân sách sẽ giảm khoảng 45.600 tỷ đồng. Tác động đến giá bán lẻ xăng dầu, trong đó xăng E5 sẽ giảm 1.700 đồng/ lít, xăng RON 95 là 1.900 đồng/ lít, còn dầu giảm 1.099 đồng/ lít.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem