Dân Việt

Báu vật dòng gốm thương mại thành công nhất của Vương quốc Champa qua bộ sưu tập "ông bình vôi" ở Bình Định

Nguyễn Viết Tuấn 29/10/2022 05:14 GMT+7
Ngoài các sản phẩm gốm Champa khá phổ biến như bát, đĩa, chén, bình kendi, hũ…, ở Bình Định còn có một loại hình gốm khá đặc biệt - những chiếc bình vôi. Loại hình gốm này được phát hiện khá nhiều tại khu lò gốm Gò Cây Me.

Trong di sản văn hóa Champa đã phát lộ trên đất Bình Định phải kể đến 6 khu lò gốm cổ Gò Sành. Sản phẩm đồ gốm phát hiện tại 6 khu lò này rất phong phú về loại hình sản phẩm, chất liệu, men, hoa văn trang trí…

Gốm cổ Gò Sành là một thương hiệu gốm riêng của người Chăm có niên đại khoảng thế kỷ XIV - XV. Đây được xem là một dòng gốm thương mại thành công nhất của vương quốc Champa khi vươn đến nhiều thị trường xa ở các nước khu vực Đông Nam, và cả các nước Đông Bắc Á, Trung Đông…

Báu vật dòng gốm thương mại thành công nhất của Vương quốc Champa qua bộ sưu tập "ông bình vôi" ở Bình Định - Ảnh 1.

Sưu tập bình vôi bằng gốm Champa của Bảo tàng tỉnh Bình Định. Ảnh:  N.V.T

Trong số 6 khu lò gốm nói trên thì khu lò gốm Gò Cây Me ở Nhơn Mỹ, TX An Nhơn là khu lò sản xuất gốm tráng men Champa có hoa văn trang trí phong phú và độc đáo nhất. 

Qua 2 cuộc khai quật tại đây vào các năm 2016 và 2017, các nhà khoa học đã thu được một lượng lớn hiện vật đồ gốm tráng men khá đa dạng, màu sắc và chất lượng men đạt đến độ tinh xảo.

Ngoài các sản phẩm khá phổ biến như bát, đĩa, chén, bình kendi, hũ… còn có một loại hình gốm khá đặc biệt - những chiếc bình vôi. Loại hình gốm này được phát hiện khá nhiều tại khu lò gốm Gò Cây Me.

Đa số những bình vôi phát hiện tại khu lò gốm Gò Cây Me đều được tráng men khá đẹp, cá biệt có một số bình vôi được tráng men nhưng do quá trình nung bị sống men (chưa đạt đến độ hoàn nguyên của men) nên không đạt được độ bóng theo yêu cầu. 

Bình vôi phát hiện tại đây có nhiều kích cỡ từ nhỏ đến lớn, hầu hết đều là loại bình vôi có quai nhưng phần lớn đều đã bị gãy mất quai. Chúng có hình dáng khá giống nhau với phần thân phình to và thắt lại ở gần đáy. 

Chân đế bình vôi choãi ra, mặt dưới đế phẳng, tạo sự vững chãi cho bình vôi khi đặt trên một bề mặt phẳng. 

Tại một điểm ở gần ngoài cùng của vai bình vuông góc với quai, thường khoét một lỗ tròn thông với phần rỗng bên trong của bình để bỏ vôi vào và lấy vôi ra qua lỗ tròn này.

Hoa văn trang trí bình vôi cũng khá đa dạng, chủ yếu tập trung ở phần phía trên. 

Hoa văn phổ biến nhất là hình những bông hoa 4 cánh và 5 cánh khắc chìm dưới men, bên cạnh đó là hoa văn những đường zíc zắc đắp nổi, hoa văn tam giác lồng khắc chìm dưới men…

Việc Bảo tàng tỉnh Bình Định phát hiện và sưu tầm được những chiếc bình vôi khá phong phú này cho thấy sự đa dạng trong việc chế tác các loại hình đồ gốm tráng men của cư dân Champa xưa.