Làng Kênh đất Cỗ Lễ Nam Định với cây cầu cổ lợp lá bổi có một không hai ở Việt Nam

Thứ sáu, ngày 28/10/2022 05:37 AM (GMT+7)
Với những người dân thị trấn Cổ Lễ và huyện Trực Ninh (tỉnh Nam Định), cầu bổi làng Kênh là hình ảnh thân thương, biểu tượng thiết chế văn hóa cổ kính của làng quê xưa.
Bình luận 0

"Cây cầu mái lá cổ xưa/Bao năm qua vẫn nắng mưa dãi dầu/Dù ai đi đâu về đâu/Nhớ ghé Cổ Lễ, qua cầu ngắm kênh/Nét độc đáo huyện Trực Ninh/Cây cầu mái lá đậm tình quê hương/Đơn sơ mà rất lạ thường/Độc nhất vô nhị bốn phương khó tìm” - Đó là những câu thơ dân gian lưu truyền ở địa phương thể hiện niềm tự hào về công trình kiến trúc cổ độc đáo cầu bổi làng Kênh. 

Với những người dân thị trấn Cổ Lễ và huyện Trực Ninh (Nam Định), cầu bổi làng Kênh là hình ảnh thân thương, biểu tượng thiết chế văn hóa cổ kính của làng quê xưa.

Làng Kênh đất Cỗ Lễ Nam Định với cây cầu cổ lợp lá bổi có một không hai ở Việt Nam - Ảnh 1.

Cầu bổi làng Kênh (thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh (Nam Định) là cây cầu gỗ mái lợp bổi duy nhất ở Việt Nam với kiến trúc “Thượng gia hạ kiều”.

Cầu bổi làng Kênh là cây cầu gỗ mái lợp bổi duy nhất ở nước ta với kiến trúc “Thượng gia hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu); có 5 nhịp, dài 10m, rộng 4m, cao 3m, nối hai bờ sông Hải Ninh xưa - con sông nhỏ vốn là kênh dẫn nước từ sông Hồng vào trong đồng, là con đường độc đạo dẫn vào Chùa Cổ Lễ phục vụ người dân đi lại lễ chùa. 

Trải qua mấy trăm năm tồn tại, dầm mưa dãi nắng, bom đạn chiến tranh, cầu bổi làng Kênh từng được tu bổ nhiều lần với quy mô lớn. 

Cụ thể, vào các năm 1883 và 1904, sau khi đặt thượng lương, đều khắc ghi trên hệ thống vỉ cột bằng chữ Hán: “Kiến Phúc nguyên niên Giáp Thân mạnh hạ nguyệt thập nhị nhật lương thời thượng lương thụ trụ” (Đặt thượng lương vào giờ tốt ngày 12 tháng 4 năm Giáp Thân niên hiệu Kiến Phúc thứ nhất - 1884). 

“Thành Thái thập lục niên quý xuân nguyệt cát nhật lương thời thụ trụ thượng lương đại cát” (Đặt thượng lương vào giờ tốt, ngày tốt tháng 3 năm Thành Thái thứ 16-1904). Anh Nguyễn Huy Quốc, 45 tuổi, một người dân thị trấn Cổ Lễ cho biết: Khác với các cây cầu cùng phong cách “thượng gia hạ kiều” trên địa bàn tỉnh Nam Định được lợp ngói như cầu ngói chợ Thượng (Thượng Nông) xã Bình Minh (Nam Trực) hay cầu ngói chợ Lương xã Hải Anh (Hải Hậu), cầu làng Kênh được lợp bằng bổi (cây cói), do mái bổi nhẹ, xốp hơn, chịu được gió bão.

Hàng trăm năm qua, sau mỗi buổi làm đồng, những trưa hè oi ả, người dân dong trên, xóm dưới lại tụ về cầu Kênh, người góp tích chè tươi, người góp mẻ khoai lang nướng tém... xôm chuyện “tình làng, nghĩa xóm”. 

Thời kỳ chống Pháp, cầu bổi làng Kênh là một “chứng nhân lịch sử” chứng kiến bao đau thương cũng như những hành động, chiến công quả cảm thể hiện truyền thống yêu nước, tinh thần quật cường của đất và người nơi đây. 

Thời kỳ này, người dân làng Kênh đã che giấu, nuôi dưỡng nhiều cán bộ cách mạng hoạt động. Do vị trí độc đạo nên giặc Pháp đã phục kích, giết hại nhiều du kích, cán bộ hoạt động khi đi qua khu vực này, ngay tại chân cầu bổi làng Kênh. 

Nam Định hiện còn lưu giữ 3 cây cầu lợp mái cổ theo kiểu kiến trúc “Thượng gia hạ kiều”. Trong đó, cầu Ngói chợ Lương và cầu Thượng Nông đã được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. Hiện tại, với giá trị về lịch sử, kiến trúc và văn hóa, nhân dân địa phương mong muốn các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng tiến hành kiểm kê di tích, làm cơ sở khoa học tiến hành lập hồ sơ đề nghị Nhà nước công nhận cầu bổi làng Kênh là di tích lịch sử, văn hóa.

Việt Thắng (Báo Nam Định)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem