Ngày 29/10, Công an TP Thủ Đức, TP.HCM đang lấy lời khai H.N.Q.T (20 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) để điều tra về hành vi dùng súng bắn ông N.Q.K. (58 tuổi, cha ruột T.).
Tại cơ quan điều tra, bước đầu T. khai nhận xảy ra mâu thuẫn với ông K. Nghi phạm sau đó lên mạng, đặt mua khẩu súng cao su.
Tối 28/10, T. cầm súng bắn cha ruột bị thương. Nạn nhân được người dân đưa đến bệnh viện cấp cứu. Sau khi gây án, nghi phạm bị hàng xóm giữ lại và bàn giao cho công an.
Bước đầu, cảnh sát xác định T. không sử dụng ma túy. Lực lượng chức năng đang giám định thương tích đối với ông K. để củng cố hồ sơ, xử lý nghi phạm theo quy định pháp luật.
Khám nghiệm hiện trường, cảnh sát thu giữ đầu đạn cao su và khẩu súng T. dùng gây án.
Theo cảnh sát, T. mới từ Mỹ về Việt Nam từ tháng 9. Do mâu thuẫn, nghi phạm dùng súng cao su bắn cha ruột.
Trao đổi với PV Dân Việt dưới góc độ pháp lý, luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi của đối tượng dùng súng bắn cha ruột dù xuất phát từ nguyên nhân gì cũng không để chấp nhận được.
Nên ngoài việc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đối tượng sẽ phải đối diện với bản án lương tâm khi ra tay với chính người cha của mình.
Theo vị luật sư, hành vi của đối tượng có dấu hiệu cấu thành tội "Giết người" quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự 2015. Việc nạn không thiệt mạng có thể nằm ngoài ý muốn chủ quan của đối tượng.
Vì vậy, nếu bị chứng minh và bị truy tố về tội giết người, đối tượng có thể phải đối diện với tình tiết định khung tăng nặng là "Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình".
Ngoài ra, luật sư Khuyên cho biết, cơ quan chức năng sẽ điều tra nguồn gốc khẩu súng đối tượng dùng bắn cha mình, đối tượng lấy ở đâu, qua mua bán hay mượn, tặng cho… từ ai.
Đồng thời xác định tính năng sử dụng, tính năng gây sát thương. Nếu là vũ khí quân dụng hoặc tính năng tương tự, rất có thể đối tượng sẽ bị xử lý thêm về "Tội tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng" quy định tại Điều 304 Bộ luật hình sự 2015.
Theo luật sư, giết người là hành vi cố ý gây ra cái chết cho người khác một cách trái pháp luật, do người có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 14 tuổi trở lên thực hiện.
Khách thể của tội giết người là quan hệ nhân thân mà nội dung của nó là quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người.
Trong số các quyền nhân thân, quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người là quyền tự nhiên, thiêng liêng và cao quý nhất, không một quyền nào có thể so sánh được.
Bởi lẽ, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Khi quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người bị xâm phạm, mục tiêu phấn đấu của con người sẽ trở nên vô nghĩa, động lực phát triển của xã hội sẽ bị triệt tiêu.