Dân Việt

Khung hình phạt dành cho nhóm đối tượng mua tài khoản ngân hàng bán cho tội phạm ở Campuchia

Quang Trung 29/10/2022 16:17 GMT+7
Lường Khắc Công cùng đồng phạm bị cáo buộc mua tài khoản ngân hàng của người dân rồi bán lại cho nhóm tội phạm ở Campuchia, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng. Với hành vi này, các đối tượng có thể đối mặt khung hình phạt nào?

Mua tài khoản ngân hàng bán cho tội phạm ở Campuchia

Công an TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) vừa khởi tố, bắt tạm giam Lường Khắc Công, 25 tuổi; Nguyễn Thanh Bình; Nguyễn Hữu Vũ; Lê Nhật Nam, đều 17 tuổi; Nguyễn Hữu Hoàng, 18 tuổi, cùng trú huyện Cẩm Xuyên về tội "Mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng" theo Điều 291 Bộ luật hình sự 2015.

Nhóm đối tượng mua tài khoản ngân hàng bán cho tội phạm ở Campuchia có thể bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Công (đứng giữa) cùng 4 đồng phạm tại cơ quan điều tra. Ảnh: Công an cung cấp.

Theo điều tra, năm 2021, nhóm Công liên hệ với nhiều người dân ở Hà Tĩnh và một số tỉnh thành, thuyết phục họ ra ngân hàng mở tài khoản cá nhân, sau đó thỏa thuận mua lại với giá 1,5-2 triệu đồng một trường hợp.

Khi có đủ thông tin, Công liên lạc với nhiều đối tác người Việt Nam đang làm việc tại các sòng bài ở Campuchia, bán lại một tài khoản ngân hàng giá 2-3 triệu đồng. Số tiền lời nhóm Công rút ra chia nhau tiêu xài.

Đầu tháng 9, Công an TP Hà Tĩnh phát hiện ra manh mối vi phạm, xác định từ cuối năm 2021 đến giữa năm 2022 nhóm Công đã mua 230 thông tin tài khoản ngân hàng của người dân tại Hà Tĩnh và nhiều địa phương khác, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.

Theo cảnh sát, nhóm tội phạm ở Campuchia khi mua thông tin tài khoản ngân hàng từ Công sẽ sử dụng để thực hiện các hành vi như lừa đảo qua mạng, cá độ, đánh bạc, rửa tiền... Thời điểm triệt phá đường dây, cảnh sát ghi nhận có một tài khoản trong 3 tháng phát sinh giao dịch bất chính gần 90 tỷ đồng.

Đối mặt khung hình phạt tù từ 2 đến 7 năm?

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép tài khoản ngân hàng là hành vi vi phạm quy định của pháp luật.

Đa phần các đối tượng mua lại các tài khoản ngân hàng sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi lừa đảo và chuyển tiền chiếm đoạt qua các tài khoản này.

Có thể nói, loại hình tội phạm này ngày càng có biểu hiện gia tăng do nhu cầu sử dụng các loại hình thanh toán tín dụng của các tổ chức, cá nhân trong thực hiện giao dịch dân sự.

Hành vi mua bán trái phép tài khoản ngân hàng nếu có đủ căn cứ, đối tượng thực hiện hành vi sẽ bị xử lý về tội tội "Mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng" theo Điều 291 Bộ luật hình sự 2015.

Theo luật sư Hòe, tội phạm xâm phạm trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, tài chính ngân hàng.

Mặt khách quan của tội phạm này là hực hiện hành vi mua bán trái phép thông tin về tài khoản của người khác.

Hành vi này biểu hiện rõ ở việc trao đổi, thỏa thuận với nhau về các thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác bằng nhiều hình thức, phương tiện khác nhau nhằm thu lợi bất chính.

Căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi nói trên là việc mua bán thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 20 tài khoản hoặc thu lợi bất chính từ 20 triệu đồng.

Về hình phạt, luật sư Hòe cho biết, khoản 3, Điều 291 quy định người phạm tội sẽ bị phạt tiền từ 200 đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 2 đến 7 năm nếu thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng 200 tài khoản trở lên hoặc thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên.

"Theo thông tin ban đầu, nhóm đối tượng đã mua bán 230 thông tin tài khoản ngân hàng của người khác, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng. Như vậy, nếu bị chứng minh có tội, tùy tính chất mức độ mà có thể đối mặt với khung hình phạt nêu trên" – vị luật sư nêu quan điểm.