Cá chim vây vàng có tên khoa học là Trachinotus blochii, là loài cá nổi, ưa hoạt động, sống chủ yếu ở tầng giữa và tầng mặt, phân bố tự nhiên ở các rạn san hô dưới độ sâu 7m.
Cá chim vây vàng phân bố nhiều ở các nước thuộc khu vực Đông Nam Á như: Nhật Bản, Đài Loan, Indonesia, niềm nam Trung Quốc. Ở Việt Nam chúng tập trung nhiều ở vịnh Bắc Bộ, Trung và Nam Bộ.
Cá chim vây vàng lần đầu tiên xuất hiện tại thị trường Việt Nam vào khoảng giữa những năm 90 của thế kỷ XX. Ngay từ khi xuất hiện, cá chim vây vàng đã “khuấy đảo” nhu cầu thủy sản trong nước bởi độ thơm ngon, chắc thịt, ít xương dăm. Không ít chủ ao nuôi, trang trại thời bấy giờ đã tìm mọi cách để đưa giống cá về nước phát triển.
Về yếu tố văn hóa, lãnh đạo HTX Cần Giờ Tương Lai cho biết, cá chim vây vàng có tập tính ăn tạp dễ nuôi, có thể phát triển với quy mô công nghiệp với các hình thức nuôi lồng, trong ao đất, trong các thủy vực nước lợ và nước mặn.
“Cá có tốc độ tăng trưởng nhanh, sau 7-10 tháng nuôi cá đạt kích thước thương phẩm 600-800g/con, sản lượng thu hoạch ước khoảng 30 tấn/năm, đem lại giá trị kinh tế cao, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng”, lãnh đạo HTX Cần Giờ Tương Lai cho hay.
Lãnh đạo HTX Cần Giờ Tương Lai cho biết thêm, cá chim trắng vây vàng dần được người dân quan tâm đẩy mạnh nuôi trồng. Qua đó, giúp người dân nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm nghèo bền vững, góp phần vào việc giải quyết lao động nhàn rỗi tại địa phương; tăng thêm thu nhập cho người dân, đồng thời phát triển nền kinh tế huyện nhà theo hướng nông nghiệp đô thị.
Về yếu tố địa danh, huyện Cần Giờ là huyện ven biển của TP.HCM, phía Bắc giáp huyện Nhà Bè, phía Nam giáp biển Đông, phía Đông giáp huyện Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai, phía Tây Giáp huyện Cần Đước tỉnh Long An. Huyện Cần Giờ là cửa ngõ phía Nam của thành phố, được bao bọc bởi mạng lưới sông chằng chịt với hệ thống sông Lòng Tàu và sông Soài Rạp.
“Diện tích nuôi cá chim vây vàng trên ao khoảng 2ha tại xã Lý Nhơn. Nuôi lồng bè tại xã Tam Thôn Hiệp 0,3ha với 90 lồng và xã Thạnh An 0,05ha với 10 lồng. Rừng ngập mặn đan xen với hệ thống sông rạch dày đặc, chứa đựng các hệ sinh thái mang tính đa dạng sinh học cao với nhiều loài động thực vật đặc hữu của miền duyên hải Việt Nam. Khu vực 4 xã phía Bắc có nguồn nước tốt thích hợp cho việc nuôi trồng thủy sản nước lợ, ngọt đến mặn. Có đa dạng về hình thức nuôi như ao, hồ, nuôi đảm, nuôi lồng bè”, lãnh đạo HTX Cần Giờ Tương Lai cho biết.
Trong những năm qua, ngành nuôi trồng thủy sản của huyện Cần Giờ phát triển nhanh chóng, ngoài nuôi tôm, cá dứa và các loại hải sản như loài, ốc hương. Bên cạnh đó các giống mới, nhiều tiềm năng như cá chim vây vàng có giá trị kinh tế cao, cũng đang rất được quan tâm.
Để phấn đấu đưa sản phẩm khô cá chim một nắng đạt chuẩn OCOP, HTX Cần Giờ Tương Lai đảm bảo không sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất.
Bên cạnh đó các phế phẩm do quá trình sản xuất tạo ra cũng được HTX Cần Giờ Tương Lai xử lý triệt để. Đối với chất thải dạng rắn như: Xương, vây, ruột... là phế phẩm từ quá trình sơ chế, ước lượng khoảng 200g phế phẩm, khi sơ chế 1kg cá nguyên liệu.
Bên cạnh đó, bao bì thải hư hỏng trong quá trình đóng gói sản phẩm, ước lượng 5 bao bì hỏng trên 50kg sản phẩm đóng gói. Đối với những loại chất thải này, HTX tiến hành thu gom sau mỗi buổi sản xuất và cho vào thùng chứa rác phân loại được bố trí tại đúng nơi quy định. Sau đó giao cho Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công Ích huyện xử lý mỗi ngày (kèm hợp đồng thu gom rác).
Đối với chất thải dạng lỏng sản sinh trong quá trình rửa, sơ chế nguyên liệu, lượng nước ước đạt 8 lít cho 1kg sản phẩm. Với nước thải, HTX Cần Giờ Tương Lai có đầu tư xây dựng 5 hầm xử lý nước thải. Mỗi hầm trung bình chứa khoảng 20m3 nước, nước thải trong quá trình rửa, sơ chế được đưa đến các hầm xử lý này.
Tại các hầm, HTX sử dụng các loại chế phẩm sinh học, men vi sinh xử lý nước nhằm mục đích giảm thiểu vi khuẩn có hại, các khí độc (NH3, H2S,...) và mùi hôi tanh trong nước, đảm bảo đạt yêu cầu theo quy định của pháp luật. Sau đó, HTX sử dụng máy bơm để lấy nước đã qua xử lý tưới, bón cho cây trồng trong khuôn viên HTX. Đặc biệt không xả thải nước thải ra môi trường bên ngoài.
Đối với dạng khí (khói, khí thải) HTX Cần Giờ Tương Lai đảm bảo không phát sinh trong quá trình sản xuất. Do đó đây là giải pháp bảo vệ môi trường hữu hiệu, được HTX đề cao.
Về công đoạn làm khô sản phẩm, HTX Cần Giờ Tương Lai sử dụng giải pháp máy sấy năng lượng mặt trời trong quá trình sản xuất. HTX đầu tư 1 máy sấy sử dụng năng lượng mặt trời, với công suất tối đa 250kg/lần sấy.
“Máy sấy có hệ thống đèn cực tím giúp diệt các loại vi khuẩn, vi sinh vật có hại trong quá trình sấy. Sản phẩm làm ra vừa đạt chất lượng, thân thiện với môi trường, vừa đảm bảo các yếu tố vi sinh, vi khuẩn phù hợp theo quy định của cơ quan có thẩm quyền”, lãnh đạo HTX Cần Giờ Tương Lai cho biết.
"Trong tương lai HTX Cần Giờ Tương Lai sẽ chủ động tìm hiểu để tiếp cận những chính sách hỗ trợ cũng như phát huy nội lực, liên kết để phát triển sản xuất đồng bộ. Đẩy mạnh quảng bá và xây dựng thành thương hiệu. HTX sẽ tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, công bố tiêu chuẩn, chất lượng, mã số mã vạch, dán tem truy xuất nguồn gốc... đảm bảo theo quy định. Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục hoàn thiện và phấn đấu nâng cấp các sản phẩm đã đạt chứng nhận lên 5 sao và xây dựng chứng nhận OCOP cho các sản phẩm mới", ông Huỳnh Văn Thanh - Giám đốc HTX Cần Giờ Tương Lai cho biết.