Vườn bưởi da xanh quy mô 6ha của ông Vũ Đình Tứ (xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh) từ trước đến nay được tiêu thụ tốt trên thị trường. Sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao tại TP.HCM, bưởi da danh của ông Tứ càng bán chạy và được giá hơn. Theo ông Tứ, đây là lợi thế lớn của những sản phẩm nông sản địa phương được gắn sao OCOP.
Tuy nhiên, để phát huy thế mạnh vốn có cũng như nắm bắt được những tín hiệu tốt từ thị trường, ông Tứ cho rằng các chủ thể sản xuất OCOP hiện rất cần chính sách hỗ trợ về quỹ đất canh tác, vốn vay để đầu tư, nâng cấp thiết bị sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Chị Nguyễn Ngọc Hương - Giám đốc Công ty XNK Thiên Nhiên Việt (xã Tân An Hội, huyện Củ Chi) cho biết chị khởi nghiệp làm bột rau sấy lạnh, bắt đầu từ rau má, sau này phát triển thêm bột diếp cá, tía tô, chùm ngây, lá sen. Các sản phẩm này đã được công nhận OCOP 4 sao tại TP.HCM. Ngoài việc tiêu thụ trong nước, sản phẩm cũng đang xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới.
"Chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khó khăn về vốn. Đây dường như là vấn đề người trẻ khởi nghiệp nào cũng gặp phải", chị Hương nói và cho biết, trải qua giai đoạn cho người dùng làm quen, đây là thời điểm doanh nghiệp càng cần vốn hơn nữa để đẩy mạnh sản xuất, đưa hàng ra thị trường.
Chị Hương kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ vốn vay, lãi suất ưu đãi dành cho doanh nghiệp sản xuất OCOP để các doanh nghiệp, HTX mạnh dạn đầu tư, phát huy hết giá trị tiềm năng của sản phẩm OCOP.
Việc được hỗ trợ về vốn, lãi suất vay vốn, đặc biệt là sự hướng dẫn của địa phương có vai trò rất quan trọng giúp các cơ sở sản xuất kinh doanh tại TP.HCM, nhất là tại các huyện nông thôn mới mạnh dạn nâng cấp quy trình sản xuất, nâng tầm sản phẩm theo hướng đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm, hướng tới đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM, cho biết TP.HCM đang có nhiều chính sách hỗ trợ các chủ thể sản xuất OCOP, trong đó có chính sách hỗ trợ vốn. Các chủ thể tham gia phát triển sản phẩm OCOP được hưởng chính sách hỗ trợ vốn, tín dụng ưu đãi theo chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của TP.HCM.
Chính sách hỗ trợ về vốn, tín dụng đầu tư phát triển sản phẩm OCOP tập trung vào phát triển 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP.HCM, gồm rau, hoa kiểng, cá kiểng, bò sữa, heo, tôm nước lợ và các sản phẩm OCOP mang tính chất đặc trưng vùng miền của TP.
Cụ thể, ngân sách TP hỗ trợ 100% lãi suất cho đầu tư xây dựng cơ bản, mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP của TP.HCM (thời hạn hỗ trợ lãi vay không vượt quá 5 năm/phương án).
Ngân sách TP hỗ trợ 60-80% lãi suất đầu tư mua giống, vật tư, nhiên liệu, thức ăn chăn nuôi, trả công cho người lao động phục vụ sản xuất các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP của TP.HCM (thời hạn hỗ trợ lãi vay không vượt quá 36 tháng/phương án).
Ngân sách TP hỗ trợ 60% lãi suất để thực hiện ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thuộc chương trình OCOP của TP.HCM (thời hạn hỗ trợ lãi vay không vượt quá 36 tháng/phương án).
Lãnh đạo Sở NNPTNT TP.HCM cho biết thêm TP còn có chính sách hỗ trợ các HTX sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP.
Các hỗ trợ tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng công trình gồm xây dựng nhà kho, xưởng phân loại và đóng gói sản phẩm, xưởng sơ chế, chế biến và mua sắm trang thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm mang lại lợi ích cho cộng đồng thành viên; xây dựng công trình thủy lợi, giao thông nội đồng trong lĩnh vực trồng trọt; xây dựng công trình kết cấu hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản, hải sản. Các hỗ trợ này được thực hiện theo QĐ 3065/QĐ-UBND của UBND TP về ban hành kế hoạch triển khai của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2025.
"Hiện nay, Sở NNPTNT TP.HCM đang phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu UBND TP ban hành chính sách kích cầu đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có kích cầu đầu tư phát triển sản phẩm OCOP giai đoạn 2022-2025", ông Hiệp thông tin.