Sau khi dọn sạch cây lục bình, tạo dòng nước chảy,...nhóm từ 4-5 người mới chia nhau dùng máy bơm công suất lớn để hút cạn nước. Có nơi tát bằng thùng, có nơi tát bằng gàu dai tùy mương lớn nhỏ. Không khí thật rôm rả…
Ông Nguyễn Văn Khôi (quê thị trấn Hà Trung, huyện Hà Trung) cho biết: "Để bắt được nhiều cá lóc, rô đồng chúng tôi thường chọn những khúc mương có cây lục bình, cỏ ở đó là "ngôi nhà" các loại cá thích ẩn nấp. Anh, em chúng tôi nhóm 4-5 người đã dùng máy bơm hút nước đoạn mương dài khoảng 40-50 mét để bắt cá đồng".
"Do khúc mương này dài, nước sâu, lại có nhiều cây cỏ, bùn nên tôi đặt máy hút nước từ tối hôm trước. Mặt trời vừa lên khỏi ngọn cau, mực nước đã rút hơn phân nửa, cá bắt đầu động đậy khiến ai nấy đều vui mừng. Khi mực nước cạn dần, nhiều con cá lóc "khủng" cứ trườn qua, trườn lại rồi lóc lên chỗ nước lắp xắp để tìm đường thoát thân", ông Khôi nói thêm.
Theo quan sát của phóng viên Dân Việt, hai bên bờ mương, trẻ con đứng vây quanh, mỗi lần nhìn thấy con cá lóc, cá rô đồng "khủng" nổi đầu là cất tiếng reo hò vang dội như bắt được vàng.
Dưới mương, mạnh ai nấy mò, cá bắt được cho vào giỏ, chậu, bao bì...Ngoài cá lóc, cá trê, rô "khủng" còn có con lươn, cua, ốc.
Do khúc mương này bùn lún, để bắt được nhiều cá, tránh mất sức, ông Dương (trong nhóm người bắt cá) đã dùng một cây sào dài 3-4 mét, đặt xuống mặt bùn và di chuyển nhẹ nhàng trên đó.
Hấp dẫn nhất là khi chọn ra những con cá lóc to để nướng than, mùi vị cá nướng bốc lên thơm phức. Xong xuôi, tất cả quây quần, vừa ăn vừa nói cười rôm rả.
Cuộc sống nông thôn ngày nay đã có nhiều đổi thay. Cá lóc, rô đồng cũng càng ít đi, đa số đều là cá nuôi ao, ít nơi nào tổ chức tát mương để bắt cá tự nhiên nữa, ngoại trừ một số hộ nông dân ở gần sông, gần rạch còn nhiều con cá, tôm…