Thị trường gỗ trong nước tháng 10/2022 ghi nhận có nhiều biến động, trong đó, thật bất ngờ, giá một loại phế phẩm là mùn cưa lại tăng nhẹ.
Bản tin của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NNPTNT) cho thấy, do ảnh hưởng mưa nhiều từ tháng 8-9/2022 và các đơn hàng năm nay không nhiều nên các xưởng cưa hạn chế nhập số lượng lớn.
Giá gỗ trong nước hầu hết giảm nhẹ, cụ thể tại miền Trung, với giá gỗ keo xẻ bóc và gỗ cao su giảm 10.000 đồng/tấn so với hồi đầu tháng.
Trong khi đó, tại miền Bắc giá mùn cưa tăng nhẹ do các nhà máy xẻ dùng hoạt động khiến nguồn cung giảm, ván MDF giảm nhẹ do nhà máy ván ép lớn tại Nam Định dừng thu mua, công nợ tại nhà máy lớn và các công trình xây dựng nhà mới ưu tiên dùng đô nhôm kính hơn đồ gỗ.
Mùn cưa vốn là thứ phế phẩm của các nhà máy xẻ, xưởng xẻ gỗ, trước phần lớn chúng được bỏ đi, nhưng hiện tại mùn cưa có thể là nguyên liệu trồng nấm và làm thành viên nén, do xuất khẩu viên nén đang tăng cao nên nhu cầu thu mua mùn cưa, dăm gỗ làm nguyên liệu của các doanh nghiệp rất lớn.
Trong khi đó, thị trường miền Nam nguyên liệu cao su khan hiếm, các đơn vị khai thác ít hoạt động.
Theo số liệu thống kê, ước giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 10 năm 2022 đạt 1,2 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ 10 tháng đầu năm 2022 đạt 13,48 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2022, chiếm 80,1% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng mạnh nhất tại thị trường Trung Quốc (+44,3%); giảm mạnh nhất tại thị trường Hà Lan (-8,8%).
Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, do áp lực lạm phát nên thị trường xuất khẩu gỗ tụt giảm, các đơn hàng từ doanh nghiệp lớn trong nước giảm ở mức 30 - 50% so với năm ngoái.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, với tình hình thị trường như hiện nay, nguồn thu của doanh nghiệp sẽ giảm khoảng 44% trong cả năm 2022.
Các chuyên gia về thị trường đánh giá tình hình lạm phát trên toàn thế giới về cuối năm vẫn chưa hạ nhiệt, nên nhu cầu về mua sắm trang trí nhà cửa sẽ hạn chế, do vậy thị trường gỗ có thể sẽ ảm đạm hơn năm trước.
Mặc dù thị trường xuất khẩu giảm nhưng các doanh nghiệp đã tiếp cận, mở rộng thị trường trong nước rất nhanh chóng. Theo khảo sát nhu cầu tiêu dùng trong nước mới đây cho thấy 64% số người được hỏi sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho các vận dụng có chất lượng bền, tốt cho sức khỏe và thân thiện với môi trường.
"Do vậy các hãng sản xuất đồ nội thất Việt Nam hiện nay có thể nâng cao chất lượng sản phẩm để phù hợp với mẫu mã, tầng lớp khách hàng tại thị trường nội địa để bù đắp cho việc sụt giảm đơn hàng xuất khẩu", Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn khuyến cáo.