Tại sao Hiệp định VPA/FLEGT Việt Nam ký với EU nhưng lại tác động đến xuất khẩu gỗ sang Mỹ?

K.Nguyên Thứ hai, ngày 17/10/2022 09:29 AM (GMT+7)
Nhờ thúc đẩy việc cam kết với quốc tế về minh bạch nguồn gốc gỗ, trong đó có cam kết với EU thông qua Hiệp định VPA/FLEGT, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam những năm qua liên tục tăng trưởng.
Bình luận 0

Xuất khẩu gỗ đã đạt 12,3 tỷ USD

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 9/2022 đạt 1,41 tỷ USD, giảm 21% so với tháng 8/2022, nhưng tăng 56,5% so với tháng 9/2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 734,8 triệu USD, giảm 17% so với tháng 8/2022, nhưng tăng 71,5% so với tháng 9/2021.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 12,3 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong tháng 9/2022 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới các thị trường đều có trị giá tăng mạnh so với tháng 9/2021, bởi sự gián đoạn của hoạt động sản xuất và xuất khẩu do tác động của dịch Covid-19 nên trị giá xuất khẩu trong tháng 9/2021 ở mức thấp.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Mỹ đạt 6,8 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Mỹ dự kiến sẽ khả quan hơn, điều này góp phần thúc đẩy ngành gỗ tăng trưởng tốt hơn trong những tháng cuối năm 2022.

Khơi thông thị trường xuất khẩu gỗ - Ảnh 1.

Chế biến gỗ tại Công ty Phú Tài (Quy Nhơn, Bình Định). Ảnh: Quỳnh Hương.

Khơi thông thị trường xuất khẩu gỗ - Ảnh 2.

Khả năng tăng nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Mỹ là nhờ những có những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế, cụ thể trong tháng 9/2022, chỉ số PMI (quản lý thu mua) đã tăng lên mức 52,0 từ mức 51,5 trong tháng 8/2022, cho thấy hoạt động sản xuất có cải thiện và thị trường việc làm vẫn khả quan; niềm tin tiêu dùng, doanh số bán nhà mới và đơn đặt hàng hóa lâu bền lõi (Core Durable Goods Orders) tăng.

Ngoài thị trường Mỹ, gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu sang các thị trường khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao trong 9 tháng đầu năm 2022, điều này góp phần thúc đẩy ngành gỗ của Việt Nam đạt được tốc độ như kỳ vọng trong năm 2022.

Kết quả từ việc hoàn thiện chính sách, cải cách hành chính

Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cũng đã có đánh giá sâu tác động của Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản VPA/FLEGT và Nghị định 102 đến chuỗi hoạt động sản xuất, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. 

Theo đó, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng rất mạnh trong 10 năm qua, với tốc độ tăng trưởng hàng năm 30-40%. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm phẩm gỗ đạt 14,72 tỷ USD, đưa Việt Nam vào top 5 trên thế giới sau Trung Quốc, Ba Lan, Đức và Ý.

Thạc sĩ Nguyễn Tường Vân - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam, nhận định, Hiệp định VPA/FLEGT chưa có tác động nhiều tới xuất khẩu gỗ vào EU, mà lại tác động mạnh ở xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường Mỹ. 

Theo đó, Mỹ cũng có đạo luật riêng đối với thương mại gỗ, nhưng khi thấy Việt Nam đàm phán và thực thi Hiệp định VPA với EU, Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ kiểm soát gỗ, ngăn chặn gỗ bất hợp pháp, nên Mỹ cũng coi đây như là "hộ chiếu" cho sản phẩm gỗ Việt xuất vào Mỹ. 

Đến nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào Mỹ chiếm 58% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam.

"Tác động rõ rệt nhất của Nghị định 102 về quản lý gỗ nhập khẩu là sự chuyển biến về thị trường nhập khẩu: Từ vùng địa lý không tích cực (rủi ro) sang vùng địa lý tích cực (Mỹ, EU, Úc). Số lượng nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ vùng địa lý tích cực tăng mạnh" - bà Vân nhấn mạnh.

Ông Lưu Tiến Đạt - đại diện Tổng cục Lâm nghiệp, khẳng định đến thời điểm này, hệ thống pháp luật Việt Nam đã đầy đủ các quy định để đảm bảo cho sản xuất và thương mại gỗ là hợp pháp và tương thích với EU, đồng thời Việt Nam đã triển khai giám sát chuỗi gỗ hợp pháp rất nghiêm ngặt. 

Vì vậy, phía EU và Việt Nam thống nhất xây dựng hệ thống phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ, nhằm giảm bớt gánh nặng hành chính cho cơ cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp. Đồng thời, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ pháp luật.

Theo đó, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ được phân thành 2 nhóm. Nhóm 1 là nhóm tuân thủ đầy đủ pháp luật của Việt Nam. Nhóm 2 là các doanh nghiệp chưa tuân thủ các quy định của pháp Luật Việt Nam. 

Doanh nghiệp có tên trong nhóm 1 sẽ không cần xác minh, mà doanh nghiệp sẽ được tự xác nhận vào Bảng kê lâm sản khi làm hồ sơ xuất khẩu. Với doanh nghiệp thuộc nhóm 2, sẽ phải xác minh trước khi xuất khẩu: Cơ quan kiểm lâm sở tại kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế tối thiểu 20% khối lượng của mỗi lô hàng xuất khẩu.

Công việc đánh giá xếp loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ đã triển khai từ tháng 5/2022. Tính đến ngày 10/10/2022, có 141 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ được xếp loại nhóm I. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem