Anh Nguyễn Minh Hiếu chủ vườn sầu riêng ở xã Phước Tín, thị xã Phước Long là người tiên phong sử dụng khoa học công nghệ trong sản xuất sầu riêng.
Khoảng 3 năm trở lại đây, anh Hiếu mua máy phun xịt thuốc, máy cắt cỏ, hệ thống tưới tự động cho 10 ha sầu riêng VietGAP đang trong độ tuổi thu hoạch.
Theo anh Nguyễn Minh Hiếu, trước đây, không có phương tiện cơ giới hóa hiện đại, chưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, anh và gia đình không thể quán xuyến công việc chăm sóc vườn cây. Vì vậy, anh đã mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ để chăm sóc vườn sầu riêng của gia đình.
Sầu riêng VietGAP ở xã Minh Hưng (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước). Ảnh: danviet.vn
Theo anh Nguyễn Minh Hiếu, việc đầu tư khoa học công nghệ đã giải phóng sức lao động, kiểm soát được nước tưới, phun thuốc cho cây trồng. Từ khi ứng dụng mô hình này, năng suất vườn sầu riêng tăng lên khoảng 30%. Đặc biệt, những quả sầu riêng được sản xuất ra mẫu mã đẹp, phát triển đều nhau, chất lượng sản phẩm cải thiện do chăm bón điều độ.
Việc ứng dụng cơ giới hóa, áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ đã giúp vườn cây của gia đình anh Hiếu nâng cao giá trị, đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu và tiêu thụ trong nước.
“Từ khi ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nhân công giảm khoảng 50%. Trước đây, để giải quyết công việc cho 5 ha đất, tôi phải mất hai ngày. Tuy nhiên, sau khi ứng dụng cơ giới hóa, thời gian thực hiện còn một buổi sáng. Việc phun xịt thuốc rất có ý nghĩa vì mỗi khi thời tiết chuyển biến bất lợi, như sương muối hoặc cơn mưa trái mùa lúc đó việc rửa trôi các nhân tố gây hại trên cây là điều kiện rất cần thiết và chỉ cần một thời gian ngắn để xử lý”, anh Nguyễn Minh Hiếu chia sẻ.
Anh Hiếu đang tiến tới đưa ứng dụng Internet kết nối vạn vật (IoT) vào sản xuất nhằm hạn chế tối thiểu lượng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giữ cân bằng hệ sinh thái vườn cây. Đây chính là hướng sản xuất ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Phước chủ trương hướng đến thời gian tới.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước Lê Thị Ánh Tuyết, mô hình trồng sầu riêng áp dụng khoa học kỹ thuật của anh Nguyễn Văn Hiếu là mô hình rất tiên tiến, đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc, theo quy trình sản xuất sạch và áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất. Đây là mô hình bà con có thể học tập để giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận sau thu hoạch.
Hiện nay, diện tích trồng cây sầu riêng trên địa bàn tỉnh Bình Phước là trên 3.000 ha. Năng suất bình quân trung bình tùy theo độ tuổi cây từ 15 đến 20 tấn/ha.
Bà Lê Thị Ánh Tuyết cho rằng, trái sầu riêng trồng tại Bình Phước có vị ngọt thanh, cơm dày, múi khô. Đây là những ưu điểm nâng thương hiệu sầu riêng Bình Phước.
Hiện nay, bà con canh tác sầu riêng tại tỉnh đã hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác sầu riêng. Tỉnh có khoảng 70 tổ hợp tác, hợp tác xã, câu lạc bộ trồng sầu riêng. Các hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ trồng sầu riêng sản xuất theo hướng liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm và canh tác theo tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, đảm bảo cho chất lượng sầu riêng xuất khẩu.
Bình Phước đã xây dựng đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sạch; xây dựng vùng nguyên liệu nông nghiệp công nghệ cao lợi thế về cạnh tranh cây ăn trái nói chung trên địa bàn tỉnh.
Ngoài việc xây dựng vùng nguyên liệu, thay đổi phương thức tổ chức sản xuất theo hướng liên kết bền vững, các hợp tác xã, công ty đã chủ động trong việc xây dựng cơ sở công nghệ cấp đông sầu riêng để đa dạng hóa sản phẩm, bà Lê Thị Ánh Tuyết chia sẻ thêm.
Hiện, Bình Phước có nhiều mô hình ứng dụng cơ giới hóa trong phun, xịt trong canh tác, bảo quản sầu riêng sau thu hoạch. Mô hình trồng sầu riêng của anh Nguyễn Minh Hiếu là một điển hình.
Đây là mô hình khởi nghiệp của thanh niên, đồng thời là thành viên của Hợp tác xã chuyển đổi số của Bình Phước tiên phong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cơ giới hóa, sử dụng công nghệ số vào sản xuất, bước đầu có thành công nhất định. Mô hình này sẽ được nhân rộng trên địa bàn tỉnh Bình Phước.