Mới đây, một phụ huynh đã vác dao đến Trường Tiểu học xã Sơn Lâm, Hương Sơn, Hà Tĩnh chửi bới, đe dọa nhiều giáo viên và lãnh đạo nhà trường gây chấn động. Được biết, nguyên nhân có thể bắt nguồn từ việc nhà trường có gọi tên một số học sinh, trong đó có 2 con của phụ huynh này đứng dậy vào buổi chào cờ đầu tuần vì không tham gia đóng bảo hiểm bắt buộc.
Trước đó, một phụ huynh khác cũng vác dao ra chém lực lượng công an ở Hải Dương vì con không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Phụ huynh này đến xin không xử lý vi phạm nhưng không được. Hay trường hợp khác, một phụ huynh đến tận trường đánh bé trai lớp ở Hòa Bình cũng vì bênh con khiến dư luận bức xúc, lên án.
Liên quan đến các vụ việc "bênh con" này, chia sẻ với PV báo Dân Việt, nhà văn Hoàng Anh Tú cho hay: "Cha mẹ thương con, sẵn sàng làm tất cả mọi điều để bảo vệ con thì đó cũng là lẽ thường tình. Nhưng trong những trường hợp như trên thì đó là một hành động không thể chấp nhận nổi.
Tôi phản đối bất kể lý do dẫn đến bạo lực là gì đi chăng nữa. Bởi chúng ta đang sống trong một xã hội có pháp luật. Mọi thứ cần được giải quyết dựa trên pháp luật chứ không thể chấp nhận những hành động kiểu "thế thiên hành đạo" như vậy.
Những người cha như thế đều là những người coi thường pháp luật và xứng đáng bị nghiêm trị. Không thể nhân danh thương con, bảo vệ con, bênh con mà tấn công người khác như vậy. Đó là hành vi đáng bị lên án và việc công an vào cuộc là cần thiết.
Tôi cũng đã chứng kiến nhiều người cha, người mẹ "hổ báo" như vậy. Sẵn sàng thượng cẳng chân hạ cẳng tay với bất cứ ai đụng vào con cái của họ. Như những vụ người cha tấn công bác sĩ vì chậm trễ khám cho con anh ta. Như những vụ va quệt ngoài đường, người cha sẵn sàng xông vào đánh kẻ gây ra tai nạn cho con của họ. Thoạt tiên, chúng ta đều nghĩ rằng những người cha, người mẹ đó đúng. Họ có sai thì cũng là bởi họ xót con họ quá. Nhưng nghĩ sâu xa hơn đi, nếu chúng ta dung túng cho những người cha, người mẹ như thế thì xã hội sẽ thế nào?
Một xã hội có pháp luật không cho phép bất cứ ai được hành xử coi thường pháp luật như thế. Không thể dùng nắm đấm để giải quyết bất cứ một mâu thuẫn nào, dù đó là vì bảo vệ con mình, trừ khi, đó là tự vệ trước sự tấn công của kẻ khác. Đến cả tự vệ, pháp luật cũng có khung hình phạt cho những hành động vượt quá sự tự vệ, như tiếp tục tấn công hoặc gây ra án mạng. Thế nên, trong những tình huống này, nó không được coi là tự vệ, nó là tấn công.
Điều đáng buồn hơn, nhiều người lại cho rằng những người cha, người mẹ như thế mới thật sự là thương con, yêu con. Nhiều bình luận trên mạng cho thấy những người đang làm cha, làm mẹ sẵn sàng "tất tay", "sống chết" với ai đụng vào con cái họ. Đó không phải là thương con, bảo vệ con. Đó là một sự thiếu hiểu biết về pháp luật, coi thường pháp luật và thật chẳng hay ho gì cả...
Một điều nữa mà nhiều cha mẹ khi "nổi cơn yêng hùng" quên nghĩ: Hệ lụy sau đó đến với con cái của mình. Không phải thầy cô sẽ trù dập chúng, nhưng tệ hơn cả sự trù dập là sự xa lánh... Và cuối cùng, thương tổn còn ám ảnh con bạn suốt đời. Nó sẽ không dám nói cho bạn biết nó bị xâm hại, bị đánh, bị bạo lực hay gặp bất kể chuyện gì. Vì chúng sợ. Chính bạn đã khiến cho con thu mình trong vỏ ốc và gặp thêm nhiều bất hạnh khác trong đời chúng. Bạn bảo vệ con, bạn thương con nhưng bạn đâu sống thay con, sống cuộc đời của con được?".
Nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ thêm: "Bênh sao cho chuẩn? Tôi cho rằng cha mẹ cần bình tĩnh và biết quản lý, kiểm soát cảm xúc của mình. Lắng nghe cả từ 2 phía. Đánh giá đúng sai một cách tỉnh táo. Là luôn cho con thấy bạn tin con nhưng đồng thời phải phân tích được với con việc con đã sai ở đâu, cần sửa điều gì. Nếu thầy cô sai, người lớn kia sai, bạn có thể bảo vệ con mình nhưng là bảo vệ quyền lợi chính đáng của con mình. Bằng việc đối thoại thay vì đối đầu.
Nếu đối thoại không được, hãy sử dụng những hỗ trợ. Như ban phụ huynh, như lên cấp cao hơn, ban giám hiệu, sở giáo dục, chính quyền sở tại. Chính cách mà chúng ta đang thực hiện sẽ là giáo trình dạy con cách xử lý vấn đề. Con sẽ học được từ cha mẹ cách bình tĩnh giải quyết vấn đề thay vì sử dụng nắm đấm để giải quyết vấn đề. Đừng biến con thành kẻ sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề. Thương con, bênh con thế nào cũng là cách để chúng ta muốn con thành người chứ không phải hóa thú dữ trong mắt con".
Cũng liên quan đến những vấn đề trên, chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên cho hay: "Ở đây là phụ huynh thiếu kiểm soát hành vi chứ ai cũng thương con, bênh con. Nếu chúng ta để cho cơn tức, cơn nóng giận lấn át sẽ ứng xử thiếu kiểm soát.
Ở xã hội thế kỷ 21 này, mọi người ít giao tiếp với nhau, nhiều áp lực cuộc sống... nên ảnh hưởng nhiều đến hành vi. Ngoài ra, những phụ huynh có hành động bạo lực này từ nhỏ đã không được thầy cô giáo dạy rằng: đứng trước một vấn đề mình có nhiều giải pháp để giải quyết và chúng ta cần biết cách lựa chọn giải pháp phù hợp. Chúng ta hiểu làm cách này sẽ để lại hậu quả gì thì sẽ đủ tỉnh táo, sáng suốt để không làm điều dại dột như vậy".
Theo chuyên gia Diễm Quyên: "Một thông điệp gửi tới phụ huynh là không bao giờ sử dụng bạo lực. Trong trường hợp này, ông bố nên gọi điện đến trường và có cuộc gặp 3 bên: nhà trường, giáo viên và một số phụ huynh chung bức xúc để được giải thích cũng như đưa ra giải pháp phù hợp".
Hà Tĩnh- Phụ huynh cầm dao xông vào trường dọa giáo viên vì bị mời lên làm việc. Clip: VTC Now