Hiệu trưởng yêu cầu "Các em học sinh có vấn đề về giới tính bố trí ngồi riêng" gây bức xúc

Tào Nga Thứ ba, ngày 01/11/2022 20:00 PM (GMT+7)
Mới đây, mạng xã hội chia sẻ một đoạn nội dung về những yêu cầu của lãnh đạo Trường THPT Dương Văn Thì, phường Tăng Nhơn Phú A, TP. Thủ Đức, TP.HCM dành cho các giáo viên chủ nhiệm. Tuy nhiên, trong một loạt các điều cần lưu ý thì có một yêu cầu "lạ".
Bình luận 0

Cụ thể, nội dung tin nhắn cho hay: "Không được bố trí nam nữ ngồi chung bàn, đặc biệt các em nam/nữ có vấn đề về giới tính (đồng tính nữ/nam) cần được bố trí ngồi riêng".

Ngay sau khi đoạn nội dung này được đăng tải trên mạng xã hội đã lập tức trở thành tâm điểm chú ý của dân mạng, đặc biệt là phụ huynh và học sinh. Nhiều người cho rằng đây là yêu cầu mang tính kỳ thị giới tính, nhưng cũng có không ít người cho rằng đây là sự cần thiết để nhà trường quản lý, ngăn chặn tình trạng yêu đương, lệch lạc giới tính...

Hiệu trưởng yêu cầu "Các em học sinh có vấn đề về giới tính bố trí ngồi riêng" gây bức xúc - Ảnh 1.

Tin nhắn của hiệu trưởng gây tranh cãi. Ảnh: CMH

Liên quan đến vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì cho hay, mục đích tin nhắn nhằm để nhắc nhở, điều chỉnh những học sinh có quan hệ trên mức bạn bè. Nữ hiệu trưởng khẳng định không kỳ thị giới tính, đã từng nhiều lần tâm sự với học sinh và chăm chút, yêu thương các con bằng tất cả tâm huyết của nhà giáo. Trường cũng không kỳ thị giới tính theo kiểu cực đoan mà muốn học sinh ngồi riêng cho thoải mái.  

Có nên tách học sinh ngồi riêng?

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, anh Huỳnh Minh Thảo, nhà vận động quyền LGBTQ+ Việt Nam cho hay: "Trước hết nhà trường phải xem lại lý do vì đâu mà phải tách học sinh nam-nữ ngồi riêng. Nếu là vì nam nữ phát sinh tình cảm thì giờ nam nam, nữ nữ cũng có thể. Việc làm này chưa thấy lợi ích gì mà đã gây ra sự phân biệt giữa các em với nhau".

Theo anh Thảo, giới tính được hiểu là giới tính sinh học (biological sex), trong đó bao gồm 2 khái niệm khác là "giới" và "tính dục". Giới (gender), trong đó có bảng dạng giới (gender identity) là việc một người nhận dạng mình thuộc nhóm nào, ví dụ nam, nữ hoặc ngoài nhị nguyên... Tính (hay tính dục, sexuality), trong đó có xu hướng tính dục (sexual orientation) là việc một người bị hấp dẫn với một giới nào, ví dụ dị tính, đồng tính, song tính, toàn tính, vô tính... Tuy nhiên, khoa học cũng không gọi đó là "có vấn đề về giới tính".

"Có vấn đề về..." là mệnh đề thường được dùng để nói về những việc không tốt, cần chấn chỉnh. Tuy nhiên, giới tính, giới và tính dục đều là những phát triển tự nhiên của một người. Chính Bộ Y Tế cũng đã đưa ra khuyến cáo rõ ràng rằng, "đồng tính không phải là bệnh, không được chữa". Tôi nghĩ, thầy cô giáo nên hiểu đúng và có sự chia sẻ, hỗ trợ chân thành với cộng đồng LGBTQ+.

Thay vì nói "các học sinh có vấn đề về giới tính" thì hãy nói "các học sinh thuộc cộng đồng LGBT" hoặc "LGBTQ+". Thay vì nói "công khai giới tính" hãy nói "công khai xu hướng tính dục" hoặc "công khai bản dạng giới". 

"Về việc nghĩ rằng nên tách các em LGBT ra ngồi riêng, đây không chỉ là phản giáo dục mà còn là hình thức khắc sâu thêm định kiến với các em trong môi trường lẽ ra được xem là có sự thấu hiểu và khoan dung như trường học. Thay vào đó, các thầy cô chủ nhiệm có thêm giờ sinh hoạt lớp, hướng dẫn các kỹ năng để thầy cô hiểu hơn về tâm lý, tình cảm của học sinh, từ đó trở thành 1 người bạn của các em.

Tôi tin tình cảm tuổi học trò là một việc không thể tránh được. Vấn đề là cần làm sao để tình cảm đó được trong sáng, đẹp đẽ, thay vì gây ra thêm những ức chế, cực đoan như cấm cản, chia cắt... mà đặc biệt là chia cắt vì xu hướng tính dục. Nhà trường giáo dục cho các em những bài học về sự đồng thuận, tôn trọng sự đa dạng, biết tự bảo vệ mình... có lẽ sẽ đủ sức mạnh để các em có thể ứng xử trước những tình huống khác nhau trong cuộc sống, học tập", anh Thảo nêu ý kiến. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem