Ông Nguyễn Thái ở xã Quảng Thành (huyện Quảng Điền), một trong những hộ tham gia mô hình nuôi cua gạch thương phẩm trên đầm phá Tam Giang rất vui khi lần đầu tiên mô hình được ứng dụng tại địa phương bước đầu thành công, mang lại hiệu quả như mong đợi. Với 4 vạn con cua giống thả nuôi trên 5.000m2, tỷ lệ sống trung bình đạt trên 66%, ước đạt 7,5 tạ cua gạch thương phẩm, hộ ông Thái lãi 55 triệu đồng.
Kiểm tra mô hình nuôi cua gạch thương phẩm trong đầm phá Tam Giang-Cầu Hai (TT-Huế), nông dân thu lời từ 1,5-2 lần so với nuôi cua thịt.
Ông Nguyễn Nam ở xã Quảng Thành, một trong những hộ tham gia mô hình chia sẻ, các quy trình kỹ thuật, chăm sóc nuôi cua gạch cơ bản giống với nuôi cua thịt thương phẩm. Thời gian sinh trưởng, chi phí con giống, thức ăn… tương đương nuôi cua thịt, nhưng lợi nhuận từ nuôi cua gạch cao gấp rưỡi đến gấp đôi.
Năng suất, sản lượng cua gạch tương đương, hoặc cao hơn không nhiều so với cua thịt, nhưng giá sản phẩm lại cao hơn nhiều và được thị trường ưa chuộng, tiêu thụ mạnh.
Bí thư Đảng ủy xã Quảng Thành, bà Nguyễn Thị Dạ Thảo đánh giá, mô hình nuôi cua gạch thương phẩm tại địa phương thật sự hiệu quả. Trong điều kiện môi trường, khí hậu ngày càng thay đổi, tôm, cá nuôi thường bị dịch bệnh thì nuôi cua, đặc biệt cua gạch thành công mở ra nhiều cơ hội, triển vọng trong nuôi trồng thủy sản trên đầm phá Tam Giang.
Ngoài hai hộ ông Thái, ông Nam chuẩn bị thả nuôi vụ mới sau mùa lũ năm nay, địa phương đang tiếp tục vận động, hỗ trợ và hướng dẫn người dân nhân rộng mô hình nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi, nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản.
Theo lãnh đạo xã Phú Hải (Phú Vang), qua mô hình thí điểm cho thấy, nuôi cua gạch thương phẩm thích ứng với điều kiện môi trường, khí hậu trên vùng đầm phá tại địa phương. Sản phẩm cua gạch đang được thị trường, nhiều người ưa chuộng.
Địa phương đang tiếp tục triển khai các giải pháp nhân rộng mô hình nuôi cua gạch gắn với tiêu thụ sản phẩm. Lợi thế lớn đối với người dân là hệ thống nhà hàng, quán ăn ven biển, đầm phá tại địa phương và các vùng lân cận đang có nhu cầu tiêu thụ một lượng lớn cua gạch và cua thương phẩm nói chung.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Châu Ngọc Phi thông tin, được sự hỗ trợ của TTKN Quốc gia, năm 2022, TTKN tỉnh tiếp tục triển khai mô hình nuôi cua gạch trong ao đầm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Mô hình được triển khai tại các xã Quảng Thành (Quảng Điền), Phú Hải, Vinh Xuân (Phú Vang), Giang Hải (Phú Lộc) với diện tích 4ha.
Đánh giá bước đầu cho thấy, tỷ lệ cua sống ước đạt trung bình trên 66%, trọng lượng bình quân 206g/con, một số đạt trọng lượng 300g/con, tỷ lệ lên gạch ước đạt bình quân 50%.
Dự kiến đến khi thu hoạch bình quân mỗi ha đạt năng suất trên 1,5 tấn, với giá bán cao gấp rưỡi đến gấp đôi cua thịt, mô hình nuôi cua gạch ước lãi 100-120 triệu đồng/ha.
Mô hình nuôi cua gạch còn giúp người dân chủ động nguồn giống từ việc sử dụng giống cua tự ươm từ cua khay; phân loại và chọn lọc cua cái đủ số lượng ngay từ giai đoạn ươm chuyển qua nuôi thương phẩm, tạo ra sản phẩm cua gạch chất lượng, có giá trị kinh tế cao.
TTKN tỉnh Thừa Thiên Huế đang phối hợp với các địa phương tổ chức khảo sát, nhân mô hình nuôi cua gạch tại các vùng nuôi có điều kiện môi trường phù hợp.
Cùng với việc nhân rộng mô hình, TTKN đề nghị các cấp, ban, ngành quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ các vùng nuôi được chứng nhận vùng nuôi cua an toàn, hoặc VietGAP; xây dựng thương hiệu sản phẩm, hướng đến tạo thành vùng nuôi chuyên cua, tạo ra sản phẩm có chỉ dẫn địa lý gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm một cách ổn định và bền vững.
Vùng đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai là hệ đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á, với diện tích gần 22 ngàn ha mặt nước, trải dài trên 68km từ huyện Phong Điền đến Phú Lộc.
Đây là tiềm năng lớn đối với các địa phương trong phát triển nuôi trồng thủy sản như tôm, cua, cá đặc sản. Hiệu quả của việc nuôi cua gạch thương phẩm mở ra triển vọng mới trong nuôi trồng thủy sản trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.