Bắt đầu từ chiều nay (4/11), Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà về lĩnh vực nội vụ.
Đây là lĩnh vực được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và cử tri cả nước rất quan tâm, kỳ vọng Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà sẽ đưa ra được những giải pháp căn cơ giữ chân cán bộ trong khu vực nhà nước.
Trao đổi với PV Dân Việt bên hành lang Quốc hội, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên nhìn nhận, trong 2 ngày thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt của các ĐBQH đối với lĩnh vực y tế, giáo dục, trong đó có câu chuyện cán bộ trong những ngành này xin thôi việc.
"Với sự tham gia trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, câu chuyện này chắc chắn sẽ có lời giải đáp", ông Nghĩa nói.
Cho biết, sẽ nhấn nút để chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ĐBQH tỉnh Phú Yên quan tâm đến các vấn đề thuộc quản lý của ngành Nội vụ, nhất là tình trạng công chức, viên chức bỏ việc, nghỉ việc phản ánh vấn đề gì và trách nhiệm của ngành Nội vụ nói riêng và của Chính phủ đến đâu trong việc thu hút nhân lực chất lượng cao vào làm việc tại khu vực nhà nước.
Đại biểu mong muốn Bộ trưởng Bộ Nội vụ phân tích rõ cơ cấu, tính chất của tình trạng nghỉ việc của công chức, viên chức thời gian qua.
"Nhân lực là trụ cột, vì thế câu chuyện công chức nghỉ việc không thể nói một cách đơn thuần chỉ là sự chuyển dịch, mà cần phân tích rõ cơ cấu, tính chất của câu chuyện đó, vì sao họ phải rời đi… và vấn đề gì cần phải khắc phục, đó là trách nhiệm của ngành nội vụ", ông Nghĩa nói và nhấn mạnh, trách nhiệm của ngành nội vụ không chỉ đơn thuần là thống kê số liệu cán bộ, công chức, viên chức chuyển việc mà cần làm rõ vì sao công chức, viên chức trong đó có nhiều người có kinh nghiệm rời bỏ khu vực công.
Cùng với đó là giải pháp mà ngành nội vụ đề ra trong thời gian tới, trách nhiệm của ngành hỗ trợ khắc phục sự thiếu hụt nhân lực trong hai ngành then chốt là y tế, giáo dục để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc cho tương lai và chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Cùng nói về kỳ vọng trong phiên chất vấn Bộ trưởng sắp diễn ra, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cũng bày tỏ đặc biệt quan tâm đến các chính sách cho đội ngũ công chức, viên chức, tình trạng công chức, viên chức bỏ việc, chính sách cho đội ngũ cấp xã, đặc biệt là những công chức kiêm nhiệm "phải làm rất nhiều việc, nhưng lại là con nuôi chứ không phải con đẻ".
Còn đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, vấn đề công chức viên chức bỏ việc, di chuyển từ khu vực công sang khu vực tư… đây là vấn đề rất nhức nhối.
"Vì thế, tôi cũng hy vọng qua phiên chất vấn, các ĐBQH sẽ chất vấn đúng, trúng vấn đề và nêu được những khó khăn, nút thắt để làm sao các Bộ trưởng có giải pháp, còn Bộ trưởng sẽ có những giải pháp thiết thực, kịp thời trả lời thẳng vào các vấn đề để khó khăn sẽ được giải quyết. Đặc biệt, là sau phiên chất vấn chúng ta sẽ có những chuyển biến như thế nào", bà Nga nói.
Quan tâm đến chế độ chính sách, biên chế trong lĩnh vực giáo dục, y tế nói riêng và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung, đại biểu Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, Chính phủ trình Quốc hội phương án tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023.
Tuy nhiên cá nhân đại biểu và nhiều ĐBQH đã đề xuất áp dụng thực hiện từ ngày 1/1/ 2023. Song ông Hòa đề xuất thêm, việc tăng mức lương cơ sở nhưng không thực hiện cào bằng mà quy định rạch ròi, cụ thể từng đối tượng nâng lương.
Đại biểu nêu thí dụ những sinh viên mới ra trường làm việc tại các cơ quan trong khu vực nhà nước có mức lương mới khởi điểm là 2,34 và chỉ hưởng 85% mức lương này, vì vậy việc tuyển dụng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là tuyển dụng nhân tài vào làm việc tại các cơ quan nhà nước.
Đại biểu phân tích, với đối tượng này cần có quy định riêng. Nếu thực hiện tăng lương theo kiểu "cào bằng" thì những người có hệ số lương cao, hệ số phụ cấp chức vụ cao sẽ tăng nhiều còn người có hệ số lương thấp không tăng bao nhiêu.
Như vậy, cuộc sống công chức, viên chức vẫn còn khó khăn. Cho nên phải cần phải có tính toán kỹ, làm sao đảm bảo anh nói là làm là nâng nương thì để đảm bảo cho cuộc sống của công chức, viên chức, người lao động có một cuộc sống ổn định, lâu dài thì tương đối thêm một luồng, nó đảm bảo cuộc sống.
"Tôi kỳ vọng Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Tra sẽ trả lời thẳng thắn, trúng, đúng trọng tâm những câu hỏi mà các đại biểu Quốc hội đặt ra, đáp ứng sự mong mỏi của cử tri", ĐBQH tỉnh Đồng Tháp mong muốn.
Cũng quan tâm đến vấn đề tiền lương, đại biểu Trần Đức Thuận – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ Anh nhấn mạnh, nhiều cử tri cũng như các đại biểu rất quan tâm đến việc thực hiện tăng lương cơ sở từ 1/7/2023, điều đó cho thấy chính sách tiền lương là rất quan trọng, nếu tăng đúng thời điểm sẽ kiềm chế được lạm phát cũng như cải thiện được đời sống người lao động. Việc tăng lương cần tính toán thật phù hợp để đạt được cả 2 mục tiêu trên.
Đại biểu nhìn nhận, thực tế mỗi vùng miền có mức chi phí sinh hoạt khác nhau, do đó Chính phủ có thể xem xét phương án tăng lương cơ sở theo các mức các nhau tùy từng vùng, giống như mức lương tối thiểu vùng ở khu vực ngoài nhà nước hiện nay.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cũng bày tỏ kỳ vọng vào nội dung chất vấn đối với Bộ trưởng Nội vụ nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn về hỗ trợ chính sách tiền lương cho người lao động, công chức, viên chức.
Đại biểu tỉnh Trà Vinh mong rằng, Bộ Nội vụ sẽ có kế hoạch dài hạn để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp đáp ứng được yêu cầu mới của đất nước, đặc biệt đạt mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra đó là xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia tự cường, độc lập, phát triển vào năm 2045.
Báo cáo gửi đến Quốc hội trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, giai đoạn 2020 - 2022 (tính đến tháng 6/2022), các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tuyển dụng 18.867 công chức và 125.104 viên chức (trong đó, 74.495 viên chức giáo dục và 38.147 viên chức y tế).
Ở khía cạnh khác, tính từ ngày 1/1/2020 đến 30/6/2022, số lượng cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người, chiếm 1,94% tổng số biên chế được giao.
Trong đó, ở bộ, ngành có 7.102 người, chiếm 17,96% (công chức là 1.505 người, chiếm 21,19%; viên chức là 5.597 người, chiếm 78,81%). Ở địa phương có 32.450 người, chiếm 82,04% (công chức là 2.524 người, chiếm 7,78%; viên chức là 29.926 người, chiếm 92,22%).
Tính theo trình độ đào tạo, trong số cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc, thôi việc thì có 653 tiến sĩ (chiếm 1,65%); bác sĩ chuyên khoa II có 133 người (0,33%); thạc sĩ có 4.018 người (10,16%); bác sĩ chuyên khoa I có 1.066 người (2,70%); đại học có 19.637 người (chiếm 49,65%).
Tỷ lệ nghỉ việc ở địa phương lớn hơn ở bộ, ngành và tỷ lệ nghỉ việc, thôi việc của viên chức chiếm tỉ lệ lớn (89,8%) tập trung ở hai lĩnh vực giáo dục và y tế.
Cụ thể, với giáo dục có 16.427 người nghỉ việc, chiếm 41,53% (ở bộ, ngành là 2.087 người và địa phương là 14.340 người). Y tế có 12.198 người nghỉ việc, chiếm tỉ lệ 30,84% (ở bộ, ngành là 1.015 người và địa phương là 11.183 người).