Theo phóng viên tìm hiểu, huyện Bình Tân có xuất phát điểm thấp, cụ thể là về giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, hộ nghèo, môi trường,...Tuy nhiên, sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, địa phương này đã có 9/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 3 xã đạt nông thôn mới nâng cao.
UBND huyện Bình Tân cho hay, địa phương được thành lập từ năm 2007 trên cơ sở được tách ra từ huyện Bình Minh (thị xã Bình Minh hiện nay), với diện tích tự nhiên hơn 15.000 ha với 10 đơn vị cấp xã (9 xã, 1 thị trấn). 3 năm sau khi được thành lập, huyện Bình Tân bắt tay vào xây dựng nông thôn mới.
"Lúc bấy giờ, do xuất phát điểm thấp nên thời gian đầu thực hiện, các xã xây dựng nông thôn mới chỉ đạt từ 3-5/19 tiêu chí. Rất may, nhờ sự đồng thuận cao của người dân và cố gắng của các đơn vị có liên quan nên qua hơn 10 năm thực hiện, các tiêu chí khó đều vượt qua" - ông Phạm Minh Hoàng - Bí thư Huyện ủy Bình Tân cho hay.
Huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long là vùng trồng khoai lang lớn nhất khu vực các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Khoai lang Bình Tân chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản...
Theo ông Hoàng, trong quá trình thực hiện, người dân các địa phương sẵn sàng hiến đất để làm đường và các công trình khác vì mục tiêu chung. Cũng vì vậy mà, hiện nay đường giao thông nối liền các xã, ấp thuận tiện rất thuận lợi cho người người dân đi lại.
Ông Cao Văn Chọn (68 tuổi, ngụ xã Tân Thành, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) chia sẻ: "Trước đây, con đường đi lại ở địa phương rất khó khăn nên chủ yếu chúng tôi đi bằng ghe, đâu được đi bằng đường lớn thông thoáng như bây giờ".
Cũng theo ông Chọn, gia đình đã hiến 2.000m2 đất (một số khu vực trên đất có trồng cây ăn trái) để chính quyền địa phương làm đường giao thông. "Khi chính quyền địa phương đến vận động hiến đất làm đường, tôi đồng ý ngay, không cần bồi thường gì hết" - ông Chọn nhớ lại.
Theo thống kê, trong 10 năm xây dựng nông thôn mới, huyện Bình Tân đã làm mới và mở rộng 107 tuyến đường giao thông nông thôn. Hiện tại ô tô đã đến được trung tâm các xã, cơ sở vật chất được đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và mua bán hàng hóa.
Do đường giao thông thuận lợi, nhiều xã ở huyện Bình Tân đã xuất hiện nhiều cơ sở, doanh nghiệp mua bán nông sản, đặc biệt là phục vụ cho việc sản xuất, kinh doanh khoai lang tím (huyện Bình Tân là nơi có vùng trồng khoai lớn nhất miền Tây, có thời điểm diện tích lên đến 14.000 ha).
Về tiêu chí thu nhập - tiêu chí quan trọng trong chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Hoàng cho biết, đây là tiêu chí được đánh giá khó thực hiện nhất vì năm 2011, thu nhập bình quân đầu người ở Bình Tân chỉ đạt khoảng 19,7 triệu đồng/người/năm.
Để đạt tiêu chí này, huyện Bình Tân đã phải kết hợp triển khai linh hoạt nhiều chương trình, dự án, các chính sách để thực hiện các mô hình kinh tế nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Ngoài ra, còn chú trọng đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn.
Từ đó, cơ cấu cây trồng vật nuôi chuyển dịch tích cực, nhiều hợp tác xã nông nghiệp được thành lập mới và dần đi vào hoạt động ổn định, có sự liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, một số sản phẩm nông nghiệp được phát triển theo hướng hàng hóa, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Bí thư Huyện ủy Bình Tân cho hay, đến cuối năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt trên 51 triệu đồng/người/năm. Hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của huyện chỉ còn 149 hộ chiếm 0,73%, giảm 2.040 hộ so với năm 2011.
Để phát huy kết quả trên, hàng năm, huyện Bình Tân đào tạo nghề cho gần 1.000 lao động (hiện nay số người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên đạt 98,42%), không ngừng nâng cao thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế,....
Đầu tháng 6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến, lễ công bố sẽ diễn ra vào dịp tỉnh Vĩnh Long tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922-23/11/2022).