Chiều 4/11, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực nội vụ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn báo cáo thêm về định mức biên chế của ngành giáo dục, về đôn đốc thực hiện 65.000 chỉ tiêu đến năm 2026 và việc thiếu nguồn để tuyển giáo viên ở các địa phương.
Theo đó, tham gia giải trình làm rõ hơn vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, vấn đề thiếu giáo viên đã được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho ý kiến tại các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin, tổng số giáo viên thiếu tính đến 2026 là 107.000 người, chỉ tiêu được duyệt hơn 65.000, ngành GDĐT cảm ơn Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ưu ái, bố trí được biên chế trong bối cảnh tinh giản biên chế.
"107.000 giáo viên thiếu, ngành GDĐT đang tính theo thực tế, các vùng miền núi điểm trường xa không theo chuẩn (lớp ít học sinh) nhưng vẫn phải duy trì các điểm trường; chênh lệch giữa nông thôn và đô thị", ông Sơn nói và nhấn mạnh, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, một trong các khâu cần làm ngay là rà soát, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông.
Thủ tướng đã chỉ đạo ráo riết việc này và Bộ đã chỉ đạo công tác trong 2 năm qua, có những kết quả khả quan. Tuy nhiên, mỗi địa phương có một kết quả rà soát khác nhau, có địa phương sắp xếp tương đối cơ giới, máy móc, cứng nhắc. Do đó, đề nghị tới đây việc sắp xếp cần đảm bảo khoa học, các học sinh có điều kiện học tập tốt thuận tiện nhất, giáo viên cũng không quá khó khăn trong việc dạy.
Đáng chú ý, người đứng đầu ngành giáo dục đào tạo nêu thực tế, từ nay đến 2026 tuy có 65.000 chỉ tiêu nhưng ở một số địa phương vẫn còn những chỉ tiêu cũ, như ĐBQH Thu Nguyệt (Đoàn Đắk Lắk) nêu ở tỉnh thiếu 1.700 giáo viên, nhưng theo con số Bộ trưởng có, hiện Đắk Lắk còn 2.358 biên chế chưa tuyển và phân bổ năm 2022 thêm 243 chỉ tiêu nữa. Nếu tỉnh tuyển hết số này sẽ giải quyết cơ bản việc thiếu giáo viên.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, một trong những giải pháp cần thực hiện là tiếp tục tuyển theo chỉ tiêu cũ, vừa khẩn trương tuyển theo chỉ tiêu mới.
"Bộ GDĐT đã đề xuất, tạm tuyển đối tượng giáo viên đạt được tiêu chuẩn cũ nhưng chưa đạt tiêu chuẩn mới, đồng thời đề ra lộ trình bồi dưỡng, nâng chuẩn cho các đối tượng này để đạt được tiêu chuẩn mới vào năm 2030", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin.
Về giải pháp để giảm số lượng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc đang diễn ra, ông Sơn cho biết, Bộ đang tiến hành nhiều giải pháp. Trong đó có giải pháp về rà soát văn bản quy phạm pháp luật, trong đó vấn đề tăng lương, tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non, tiểu học cần được thực hiện cấp bách. Bên cạnh đó cải thiện môi trường làm việc, hỗ trợ chuyên môn.
Ông nhấn mạnh, cần nâng cao năng lực của các trường Đại học Sư phạm; có lộ trình tăng lương cho giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, cải thiện môi trường làm việc, hỗ trợ về mặt chuyên môn cho giáo viên.
Trước đó, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) nêu thực trạng việc giao số lượng biên chế viên chức sự nghiệp của Bộ Nội vụ những năm qua đã làm cho nhiều địa phương không thể bố trí giáo viên theo đúng định mức, vị trí việc làm dẫn đến tình trạng nhiều điểm trường, điểm lớp ở vùng biên giới, biển đảo, vùng sâu, vùng xa thiếu giáo viên và bố trí giáo viên không đúng việc làm.
"Trước tình trạng này, Bộ trưởng có trách nhiệm như thế nào và Bộ Nội vụ có trách nhiệm ra sao để giải quyết thực trạng này", đại biểu Thu Nguyệt chất vấn.
Về nội dung này, trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thực chất việc giao biên chế viên chức hàng năm Bộ Nội vụ không có thẩm quyền; Bộ Nội vụ chỉ có đề xuất tham mưu cho Chính phủ bổ sung biên chế giáo viên đáp ứng yêu cầu có học sinh thì phải có giáo viên.
Tới đây, Bộ Nội vụ tiếp tục kiến nghị sửa đổi cho phù hợp hơn về nội dung này, đề nghị giao biên chế trên cơ sở định mức, các địa phương cũng cần sắp xếp lại quy mô hệ thống trường lớp, giảm bớt các điểm trường lẻ để giảm đầu mối, giảm biên chế giáo viên.