Hỏi:
Vừa qua, có một số tài xế sau khi gây TNGT, lợi dụng lúc đường vắng vẻ đã lái xe bỏ trốn để mặc người bị nạn tại hiện trường. Tôi muốn hỏi, hành vi bỏ trốn của lái xe sau khi gây TNGT sẽ bị xử lý như thế nào?
Nguyễn Văn Phong (quận Lê Chân, Hải Phòng)
Luật sư Bùi Văn Huy (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) trả lời:
Luật Giao thông đường bộ nghiêm cấm bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm.
Tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP cũng quy định, người điều khiển xe thực hiện hành vi "Gây TNGT không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn" sẽ bị xử phạt.
Cụ thể, người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô bị phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng; tước quyền sử dụng GPLX từ 5 - 7 tháng.
Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, bị phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng; tước quyền sử dụng GPLX từ 3 - 5 tháng.
Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng, bị phạt tiền từ 10 - 12 triệu đồng; tước quyền sử dụng GPLX (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 5 - 7 tháng.
Đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác, bị phạt tiền từ 400 - 600 nghìn đồng.
Ngoài ra, người đó còn bị xử lý về hành vi gây tai nạn. Theo đó, căn cứ trên mức độ nghiêm trọng của vụ tai nạn gây ra, người gây tai nạn sẽ bị xử lý xử phạt hành chính; trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng phải chịu trách nhiệm hình sự.