Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 24/10 nói rằng cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới sẽ là “một trong những cuộc bầu cử quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta”.
Trở lại năm 2018, mục sư Franklin Graham - nhân vật có ảnh hưởng chính trị rất lớn tại Mỹ - thậm chí còn đi xa hơn, lập luận rằng cuộc bầu cử giữa kỳ của năm đó sẽ “quyết định tương lai cho con cháu bạn”.
Nhà báo Eugene Robinson của Washington Post đồng ý, nói rằng một lý do khiến các chính trị gia đặt cược lớn vào các cuộc bầu cử giữa kỳ là họ mong đợi những thay đổi chính sách đáng kể.
Đồng ý với các nhận định trên, ông Kenneth Kollman - giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Michigan - nhấn mạnh với Zing: “Cuộc bầu cử này sẽ quyết định số phận các mục tiêu chính sách của Tổng thống Joe Biden trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ tổng thống (đầu tiên) của ông”.
Khẳng định với Zing về mức độ quan trọng và những tác động sự kiện năm nay có thể mang lại, giáo sư Kollman nói: “Nó cực kỳ quan trọng trong định hướng chính sách của đất nước trong hai năm tới”.
Cuộc bầu cử Mỹ vào ngày 8/11 sẽ có tác động to lớn đến đường hướng của quốc gia, cũng như số phận của đảng cầm quyền trong Nhà Trắng. Cuộc đua sẽ quyết định ai sẽ là người kiểm soát Quốc hội Mỹ, cũng như các cơ quan lập pháp tiểu bang và văn phòng thống đốc, theo BBC.
Trong một bài báo ngày 11/10, CBS News nhận định cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022 có thể là quan trọng nhất trong nhiều năm, có khả năng thách thức lịch sử chính trị và thiết lập lại các chuẩn mực chính trị hiện đại.
Tại Quốc hội Mỹ, toàn bộ 435 ghế trong Hạ viện đều được bầu lại, cũng như 34 ghế Thượng viện. Ngoài ra, nước Mỹ cũng sẽ bầu 36 ghế thống đốc trong đợt bầu cử này.
Một số cuộc đua khác cho tổng thư ký bang, tổng chưởng lý hoặc quyền kiểm soát các cơ quan lập pháp tiểu bang cũng có thể có ảnh hưởng rộng rãi đến việc quản lý cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, cộng với các vấn đề nóng như quyền phá thai, biến đổi khí hậu và chăm sóc sức khỏe.
Tại Washington, đảng Dân chủ vẫn đang ở trong tình thế có đủ số ghế trong Quốc hội Mỹ để nắm quyền kiểm soát cả hai viện, theo CBS News Battleground Tracker, nhưng cách biệt giữa hai đảng rất nhỏ.
Người dân Mỹ sẽ đi bầu chủ mới cho tất cả 435 ghế Hạ viện vào ngày 8/11 này nhưng phần lớn số ghế này không có tính cạnh tranh, tức chúng an toàn nằm trong tay một đảng. Theo phân tích của CBS News, Hạ viện Mỹ chỉ có 81 "ghế cạnh tranh", tức vị trí mà hai đảng có khả năng chiến thắng cách nhau từ 5 điểm % trở xuống.
Một đảng cần ít nhất 218 ghế để giành quyền kiểm soát Hạ viện. Sau một chuỗi kết quả bầu cử đặc biệt (cuộc bầu cử bất thường để lấp đầy các ghế đột nhiên trống) vào mùa hè này, đảng Cộng hòa hiện nắm 212 ghế trong khi đảng Dân chủ nắm 221 ghế.
Ngoài ra, Hạ viện Mỹ hiện còn hai ghế trống sẽ được tổ chức bầu cử đặc biệt cùng trong tháng 11 này ở những bang mà các ứng viên đảng Cộng hòa có khả năng giành chiến thắng cao.
Như vậy, đảng Cộng hòa chỉ cần giành thêm 5 ghế để đoạt quyền kiểm soát Hạ viện. Đây là điều đảng này hoàn toàn có thể làm được.
Tại Thượng viện Mỹ, mỗi đảng hiện cùng nắm 50 ghế nhưng đảng Dân chủ có lợi thế vì Phó tổng thống Kamala Harris - người có quyền bỏ phiếu quyết định khi số ghế hai đảng cân bằng tại Thượng viện - là đảng viên Dân chủ.
Các cuộc bỏ phiếu được mở cho 34 ghế, bao gồm 14 ghế đang do Dân chủ nắm giữ và 20 ghế đang do Cộng hòa nắm giữ. Đảng Cộng hòa chỉ cần thắng một ghế của đảng Dân chủ sẽ có thể nắm quyền kiểm soát Thượng viện.
CBS News phân loại 10 trong số 34 cuộc đua Thượng viện là các cuộc đua then chốt, gồm: 4 cuộc đua được coi là vẫn chưa ngã ngũ (Arizona, Georgia, Nevada và Wisconsin); 3 cuộc đua nghiêng về ứng cử viên đảng Cộng hòa (Florida, Bắc Carolina và Ohio); và 3 cuộc đua đang nghiêng về đảng Dân chủ (Colorado, Pennsylvania và New Hampshire).
Theo giáo sư Kollman, sự khác biệt chính là “bóng ma của sự nghi ngờ mà một số người, đặc biệt là phe Cộng hòa, đã phủ lên tính toàn vẹn của cuộc bầu cử”.
Nhận định của giáo sư đề cập tới việc cựu Tổng thống Donald Trump và những người ủng hộ ông liên tục lặp lại các cáo buộc gian lận vô căn cứ trong cuộc bầu cử 2021.
Theo AP, đây là lần đầu tiên từ năm 1932, nước Mỹ chứng kiến một người tiền nhiệm không ngừng đối đầu với đương kim tổng thống để tìm cách nắm quyền trở lại sau 2 năm bị đánh bại.
“Không có trường hợp nào như vậy. Kể từ thời kỳ Đại suy thoái, chúng tôi không có cựu tổng thống nào tin rằng họ vẫn có một sự nghiệp chính trị vững chãi phía trước”, Jeffrey Engel, Giám đốc Trung tâm Lịch sử Tổng thống tại Đại học Southern Methodist, nói, theo AP.
Ông đề cập đến cựu Tổng thống Herbert Hoover của đảng Cộng hòa đã cố vạch ra con đường nắm quyền lực trở lại dù thất bại trước đối thủ Dân chủ Franklin Delano Roosevelt vào năm 1932.
Ông Mitchell Brown - giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Auburn - bổ sung rằng cuộc bầu cử giữa kỳ lần này khác biệt ở chỗ đây cũng là “một cuộc trưng cầu dân ý về việc ông Trump phủ nhận kết quả bầu cử”.
“Vì vậy, cuộc bầu cử này cũng được coi là một bài kiểm tra cơ bản về việc liệu một cuộc tái tranh cử của ông Trump vào năm 2024 có khả thi hay không”, ông nói với Zing.
Tổng thống tất nhiên không có tên trên lá phiếu, nhưng cuộc bầu cử này sẽ cho cử tri cơ hội gián tiếp bày tỏ quan điểm về tổng thống đương nhiệm và đường hướng hiện tại của đất nước.
“Thông thường trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, tình cảm của công chúng về tổng thống đương nhiệm được phản ánh qua kết quả cuộc bỏ phiếu diễn ra tại Quốc hội Mỹ và liệu có sự thay đổi trong ban lãnh đạo đảng ở đó hay không”, theo giáo sư Brown.
Đồng quan điểm, giáo sư Kollman cho rằng: “Đảng của các tổng thống thường mất ghế vào giữa nhiệm kỳ. Trong bối cảnh kỳ vọng thấp cùng với tình trạng hiện tại của nền kinh tế Mỹ (đặc biệt là lạm phát), đảng Dân chủ đang gặp khó khăn khi muốn giữ được các viện của Quốc hội”.
“Xếp hạng ủng hộ của ông Biden hiện tại có thể không ảnh hưởng đến vị trí của ông, nhưng chúng là dấu hiệu của sự không hài lòng đối với nền kinh tế mà ông đang điều hành”, vị chuyên gia nói rõ.
Với nền kinh tế Mỹ đang gặp khó khăn và cử tri lo ngại về tội phạm và nhập cư không có giấy tờ, kết quả sau ngày 8/11 có thể là "phán quyết" đối với tổng thống đương nhiệm.
Hơn nữa, kết quả sẽ ảnh hưởng đến sân chơi cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024 và đặc biệt là khả năng ông Donald Trump tái tranh cử, theo BBC.
Cuộc thăm dò gần đây của CBS News cho thấy những vấn đề sau đây được hầu hết cử tri coi là "rất quan trọng".
Nền kinh tế và lạm phát là những vấn đề được quan tâm hàng đầu trong cuộc thăm dò. Hơn một nửa số cử tri nói rằng họ đã thấy giá xăng - một chỉ số lạm phát chính - giảm trong khu vực của họ, nhưng đa số cử tri (43%) dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong năm tới.
Trong khi ông Biden đã có được những thắng lợi về chính sách gần đây với việc thông qua luật khí hậu, sức khỏe và thuế mới cũng như đạo luật về chip và khoa học, chỉ 40% tán thành cách ông vận hành nền kinh tế.
Chính sách tội phạm và súng gây tranh cãi với việc đảng Dân chủ muốn siết chặt hơn luật kiểm soát súng, trong khi đảng Cộng hòa phản đối, nói rằng việc kiểm soát và xử lý nghiêm tội phạm mới là vấn đề cần được nêu bật để giảm thiểu các vụ xả súng.
Về vấn đề quyền phá thai, với quyết định của Tòa Tối cao Mỹ lật ngược phán quyết Roe v. Wade, các chiến dịch tranh cử và các siêu ủy ban hành động chính trị (PAC) của đảng Dân chủ nói với CBS News rằng họ đã nhận thấy sự quan tâm ngày càng tăng từ các cử tri.
Dữ liệu cũng cho thấy quyết định của Tòa Tối cao Mỹ đang thúc đẩy thêm nhiều cử tri muốn bỏ phiếu cho đảng Dân chủ - đảng ủng hộ quyền phá thai, đặc biệt là ở những phụ nữ trẻ.