Dân Việt

Vụ họa sĩ Phạm Hồng Minh bị tố ký tên lên tranh nhái: Người trong cuộc nói gì?

Khánh Yến 07/11/2022 11:37 GMT+7
Việc họa sĩ trẻ Phạm Hồng Minh – người từng được coi là "phù thủy vẽ tranh trình diễn" bị tố chép tranh, thậm chí ký tên vào tranh của họa sĩ Lê Thế Anh đang gây xôn xao trong dư luận.

"Phạm Hồng Minh dường như đang không nhìn thẳng vào sự thật"

Mới đây, trên trang cá nhân, hoạ sĩ Lê Thế Anh đăng tải một chia sẻ dài về vụ việc anh bị chép tranh, thậm chí một hoạ sĩ trẻ nổi tiếng ký tên vào những bức tranh này và chia sẻ lên mạng xã hội. Bài viết của hoạ sĩ Lê Thế Anh ngay lập tức gây xôn xao trong dư luận, đặc biệt là tại cộng đồng những người yêu thích mỹ thuật. Hàng ngàn lượt bình luận, chia sẻ và đặt ra câu hỏi với sự việc này.

Vụ hoạ sĩ Phan Hồng Minh bị tố "đạo tranh": Những người trong cuộc nói gì? - Ảnh 1.

Bức tranh có tên "Cô gái Dao đỏ" của hoạ sĩ Lê Thế Anh, tranh bị chép lại, sau đó có hoạ sĩ Phạm Hồng Minh ký tên. (Ảnh: NVCC)

Vụ hoạ sĩ Phan Hồng Minh bị tố "đạo tranh": Những người trong cuộc nói gì? - Ảnh 2.

Bức tranh có tên "Lỳ xì nhé"của hoạ sĩ Lê Thế Anh bị sao chép lại, sau đó có chữ ký của hoạ sĩ Phạm Hồng Minh. (Các tranh gốc ở phía tay phải) (Ảnh: NVCC)

Trao đổi với PV Dân Việt về lý do phát hiện tranh chép, hoạ sĩ Lê Thế Anh cho biết: "Cách đây hai hôm, một sinh viên cũ của tôi đã gửi cho tôi những hình ảnh trên trang cá nhân của bạn Phạm Hồng Minh, trong đó có bức tranh chân dung em bé, được tôi sáng tác năm 2016, đã từng triển lãm tại Blue Galery (số 28, Tràng Tiền) và hiện đã có chủ sở hữu.

Khi biết vụ việc này, tôi không để tâm nhiều bởi từ trước tới giờ, rất nhiều bức tranh của tôi cũng đã bị chép. Chuyện ai đó nói rằng: "Tranh anh vừa bị chép đấy" với tôi khá bình thường và quen thuộc. Có nhiều người họ cũng có nhu cầu mưu sinh, họ không ký tên vào tác phẩm đó, và người mua cũng ngầm hiểu đó là tranh chép. Tôi thông cảm và chia sẻ với điều đó. 

Thế nhưng, việc Minh ký tên vào bức tranh chép từ tranh của tôi khiến tôi hơi khó hiểu. Tôi nhắn tin cho bạn với mục đích tìm hiểu nguyên nhân, nhưng không được trả lời.

Sau đó, khi bắt gặp nghệ sĩ Cát Tường chia sẻ một clip sáng tác của bạn Phạm Hồng Minh trên trang cá nhân, tôi có để lại bình luận ngắn gọn rằng: "Bạn ấy nổi tiếng như thế này mà lại chép tranh của tôi". Không ngờ rằng sự nổi tiếng của chị Cát Tường đã khiến bình luận của tôi rất được quan tâm. Khi đó, Phạm Hồng Minh mới chủ động nhắn tôi, tuy nhiên không phải lời xin lỗi, mà xin số điện thoại để "trao đổi" sự việc, nhằm… giải quyết "ôn hoà".

Phạm Hồng Minh giải thích đó là tranh mua của một người bạn, sau đó cậu ấy cao hứng ký tên vào. Tôi nghe vậy, liền gửi lại một nụ cười, trả lời lại rằng: "Hiếm có ai mua tranh về lại ký tên mình vào. Như vậy, em đang chiếm giá trị về mặt trí tuệ của người khác rồi. Nhưng thôi, em nên rút kinh nghiệm".

Khi đó, tôi đã xác định bỏ qua. Tuy vậy, hôm sau lại thấy các bạn sinh viên chia sẻ việc bị bạn Minh xúc phạm khi các bạn ấy bảo vệ thầy, tôi mới vào Facebook của Minh xem và "tá hoả" thấy một bức tranh khác của tôi cũng bị chép. Bức tranh này cũng có chữ ký của Phạm Hồng Minh, y như bức tranh trước đó.

Tôi có thể chấp nhận sự việc diễn ra lần 1, nhưng đến lần 2 vì tôi nghĩ, nếu mình còn im lặng thì sẽ tiếp tay cho một môi trường nghệ thuật không lành mạnh, nơi có những tác phẩm nhập nhèm về mặt chất lượng cũng như tác giả sáng tác. Không chỉ vậy, nó ảnh hưởng tới những người mua tranh của tôi, khi các bức tranh na ná nhau lại xuất hiện ở hai không gian, với hai chữ ký của hai tác giả".

Vụ hoạ sĩ Phan Hồng Minh bị tố "đạo tranh": Những người trong cuộc nói gì? - Ảnh 3.

Hoạ sĩ Lê Thế Anh. (Ảnh: NVCC)

Hoạ sĩ Thế Anh cho rằng, lời giải thích khách hàng có quyền ký tên lên tranh của hoạ sĩ Phạm Hồng Minh là không thoả đáng, bởi: "Một bức tranh của ông Bùi Xuân Phái có giá trị cao khác hẳn những bức tranh chép thông thường, bởi có chữ ký của ông ấy ở phần góc tranh. 

Chữ ký là giá trị về mặt thương hiệu của người nghệ sĩ, là giá trị tác quyền mà người vẽ đã đính vào tác phẩm. Khi bạn mua tranh, mà lại sẵn lòng ký lên một tác phẩm, bạn đã không tôn trọng quyền tác giả, cũng không hiểu giá trị của sáng tạo nghệ thuật. Hơn thế nữa, Phạm Hồng Minh lại là một nghệ sĩ khá có tiếng, giao thiệp nhiều. Nếu người khác nghĩ đây là tranh của Minh và mua với giá cao vì có chữ ký của cậu ấy, thì mọi việc sẽ còn nguy hiểm tới mức nào?.

Tôi cho rằng, Phạm Hồng Minh đang không nhìn thẳng vào sự thật và cố tình lấp liếm đi sự thật đó".

Hoạ sĩ Lê Thế Anh cũng khẳng định, việc không chép tranh mà chỉ ký tên vào thậm chí còn tệ hại hơn: "Những người chép tranh thông thường sẽ không bao giờ ký tên vào tác phẩm, sự tôn trọng tối thiểu với người hoạ sĩ đã sáng tạo ra bản gốc. Việc ký tên vào tác phẩm khi anh không làm gì, như cậu ấy nói là "không có thời gian", là sự thiếu tôn trọng tối đa đối với nghệ thuật. Với việc đó, cậu ấy khẳng định: Tôi có tiền thì tôi mua, mua xong tôi thích thì ký vào. Đây là một tư duy vô cùng "trọc phú" trong nghệ thuật".

Tôi xin lỗi vì những rắc rối đã và đang xảy ra

Trên trang cá nhân, hoạ sĩ Phạm Hồng Minh cho rằng, hoạ sĩ Lê Thế Anh đang cố tình gây hiểu lầm để tạo sự kích động: "Minh đã xin phép anh để được gặp trao đổi về vấn đề này một cách ôn hòa, nhưng anh đã từ chối".

Nghệ sĩ 9X cũng cho rằng, anh hoàn toàn có quyền mua tranh chép: "Ngoài công việc về nghệ thuật hội hoạ bởi khả năng và đam mê, công việc chính của Minh là một người kinh doanh với các cửa hàng cá nhân. Minh cần đa dạng mặt hàng. Và mỗi ngày Minh nhận đơn rất nhiều tranh hoạ từ rất nhiều tác giả, khách hàng gửi đến để đóng khung. Thị trường cầu thì Minh cung, đó là việc kinh tế". 

Vụ hoạ sĩ Phan Hồng Minh bị tố "đạo tranh": Những người trong cuộc nói gì? - Ảnh 3.

Hoạ sĩ trẻ Phạm Hồng Minh. (Ảnh: FBNV)

Khi được PV Dân Việt đưa ra câu hỏi: "Nhiều ý kiến cho rằng: Một hoạ sĩ trẻ, được coi là "phù thuỷ sáng tạo" lại mua tranh chép và ký tên vào các tác phẩm này là sai và có dấu hiệu đạo nhái. Anh nghĩ gì về những nhận định này? Anh cho rằng, việc ký tên anh vào một tác phẩm anh đã sở hữu là không sai, tuy vậy, điều này liệu có tạo nên sự nhập nhằng về chủ sở hữu và khiến bức tranh có giá cao hơn khi người mua cho anh - một hoạ sĩ nổi tiếng là người sáng tác?", hoạ sĩ Phạm Hồng Minh không trả lời trực tiếp mà cho biết: "Tôi rất xin lỗi vì các rắc rối đã và đang xảy ra! Ở thời điểm nhạy cảm về những rắc rối này dù tôi có phân trần nhận lỗi hay đính chính phản bác thì cũng vô nghĩa. Cuộc sống là những bộn bề lo toan. Tôi cần phải lo nhiều thứ, nhiều việc và các kế hoạch cần phải hoàn tất. Nếu tôi vi phạm pháp luật thì đã có chế tài".

Hiện tại, vụ việc vẫn đang được chia sẻ với tốc độ "chóng mặt" trên mạng xã hội và các diễn đàn nghệ thuật. Không ít người đặt dấu hỏi về cách giải thích của Phạm Hồng Minh, khi trước đó, anh cũng từng đăng đàn tố cáo một nghệ sĩ trẻ khác "đạo nhái".

Trao đổi với PV Dân Việt, một nhà thẩm định tranh nổi tiếng cho rằng, sự việc đã quá rõ ràng, không cần nói thêm nhiều về bên đúng bên sai. Trong khi đó, họa sĩ Bùi Văn Tuất, người cũng từng bị chép bức tranh "Một ngày như thế" khẳng định với Dân Việt: "Trước tiên, tôi rất đồng cảm với hoạ sĩ Lê Thế Anh, vì trước đó tôi cũng đã xảy ra chuyện tương tự. Quan điểm của tôi về vấn đề này là cần lên án những hành động sao chép, ăn cắp bản quyền cụ thể như Phạm Hồng Minh, không thì hệ luỵ của nó để lại sẽ rất nguy hiểm. Hoạ sĩ Lê Thế Anh đưa sự việc ra ánh sáng như thế này là rất kịp thời và đúng đắn".