Tranh của họa sĩ Bùi Văn Tuất bị đạo: "Để chơi tranh, rất cần phải học"
Tranh của họa sĩ Bùi Văn Tuất bị đạo: "Để chơi tranh, rất cần phải học"
Yến Linh
Chủ nhật, ngày 05/06/2022 11:13 AM (GMT+7)
Bức tranh "Một ngày như thế" của họa sĩ Bùi Văn Tuất bị chép lại và rao bán ngang nhiên tại Hà Nội, trong khi nó đã thuộc sở hữu của một nhà sưu tập tranh khác trước đó.
Họa sĩ Bùi Văn Tuất mong phía đạo tranh kiện mình để tung bằng chứng
Mới đây, họa sĩ Bùi Văn Tuất đã đăng đàn trên trang cá nhân về việc anh bị đạo tranh. Theo đó, từ người quen, anh được biết có một giao dịch mua bán tác phẩm hội họa đã diễn ra tại Hà Nội. Tác phẩm được giao dịch là một bức tranh sơn mài khổ lớn (1m2x2m35, 3 tấm ghép), không rõ tác giả. Theo giới thiệu, bức tranh này được cho là “đồ cổ”, có tuổi thọ "đã lâu", với bằng chứng là những vết nứt vỡ trên vóc.
Bức tranh sơn mài này có bố cục nội dung rất giống với một bức tranh khác của họa sĩ Bùi Văn Tuất. Tranh có tên "Một ngày như thế", được bày trong triển lãm cá nhân "Tuổi thơ như thế" diễn ra vào tháng 12/2018 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, hiện đã có người sưu tập.
Họa sĩ Bùi Văn Tuất khẳng định, bức tranh anh vẽ bằng chất liệu sơn dầu trên vải là duy nhất, không có phiên bản thứ 2 với bất kỳ chất liệu nào, thậm chí không có cả phác thảo cụ thể. Anh cũng mong muốn đối thoại với chủ sở hữu hiện tại của bức tranh và những người có liên quan.
Chia sẻ thêm với PV Dân Việt về vụ việc, họa sĩ Bùi Văn Tuất cho hay: Hiện tại, anh chưa nắm được thông tin cụ thể về người chủ sở hữu, chỉ biết bức tranh của mình đang đặt tại Trần Hữu Tước, Hà Nội. Trước đó, bức tranh được chào mời với lý do chủ sở hữu cũ bị phá sản, cần bán với giá thấp. Nhiều khả năng tranh có giá lên tới hàng trăm triệu đồng, bởi hiện tại bức tranh gốc do anh sáng tác đã có thể được giao dịch với giá rất cao
"Qua đó tôi có thể đưa ra những chứng cứ khẳng định toàn bộ ý tưởng và quá trình sáng tạo bức tranh là của mình. Những chi tiết tôi đưa vào bức tranh đó là kết quả của các chuyến đi thực tế tại Lào Cai, Mộc Châu, Sơn La, những hình ảnh ngay tại quê hương mình...
Tất cả những điều đó đều được tôi lưu giữ lại một cách kỹ lưỡng và tỉ mỉ. Tôi đã mất hàng chục năm cho những chi tiết trong tranh, và 3 năm để hoàn thiện tác phẩm này".
Họa sĩ Bùi Văn Tuất sinh năm 1982, tại Ba Vì (Hà Nội). Anh tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2007. Tranh sơn dầu của Bùi Văn Tuất được đánh giá cao bởi những nét vẽ chân thực, sống động, không khoa trương, mang đầy hơi thở của cuộc sống.
Lý giải về nguyên nhân việc tranh bị đạo vẫn hoành hành và bán với giá cao, họa sĩ Bùi Văn Tuất cho rằng: "Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng nguyên nhân trực tiếp là sự thiếu hiểu biết của những người yêu nghệ thuật.
Chơi cái gì cũng phải học, chơi tranh lại càng phải học. Có một đặc thù đáng tiếc hiện nay là việc chơi tranh đang diễn ra lặng lẽ, thậm chí nhiều người có tâm lý chui lủi, sợ nếu lộ ra sẽ bị chép. Càng như vậy, những kẻ chép tranh càng dễ thực hiện.
Tôi nghĩ cách tốt nhất là công khai các tác phẩm của mình, đưa mọi thứ ra ánh sáng. Chỉ có vậy, người xem mới biết đến sự tồn tại của tác phẩm. Tranh chép vì vậy cũng mất đi giá trị, khi tác phẩm gốc đã được cộng đồng biết tới.
Trước khi chơi tranh, người sưu tập nên theo dõi quá trình sáng tạo của nghệ sĩ. Họ là người vẽ theo phong cách nào, ảnh hưởng ra sao, phong cách đó có thích hợp với mình? Liệu khi nào họ mở triển lãm? Khi hiểu được những thứ đó, họ sẽ không bao giờ mua phải tranh giả, tranh chép. Đừng mua tranh với tâm lý chộp giật".
Đạo tranh đang là "chuyện thường ngày ở huyện"?
Chia sẻ với Dân Việt, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi cho biết ông khá bất ngờ khi đọc những chia sẻ của họa sĩ Bùi Văn Tuất: "Trước giờ, tôi chỉ thấy người ta hay chép tranh Đông Dương của những tác giả đã tạ thế. Lần này, việc một họa sĩ khá trẻ bị đạo tranh khiến tôi thấy khá "lạ", và cũng hơi khó hiểu tại sao họ lại có lựa chọn liều lĩnh như vậy.
Tuy chưa nhìn trực tiếp bức sơn mài chép lại, nhưng qua những hình ảnh Bùi Văn Tuất đăng tải, có thể thấy nó khá vụng về, chi tiết không rõ ràng, hoàn toàn không có sự tinh tế, tỉ mỉ - nét đặc trưng trong tranh Bùi Văn Tuất. Đáng nói nhất, họ cố gắng làm nó cũ đi bằng cách làm vỡ góc cạnh, chính tỏ việc có mưu đồ từ trước trong sự lừa đảo người sưu tập.
Tôi nghĩ, những gian dối trong nghệ thuật như vậy rất cần lên án bằng tiếng nói chung của mọi người. Chúng ta muốn diệt trừ thì cần quyết tâm để chúng không có cơ hội sinh sôi thêm nữa. Sự đồng lòng sẽ dần dần tạo nên sự thay đổi.
Ông Ngô Kim Khôi cũng cho rằng, việc giáo dục và truyền thông cho lớp trẻ là vô cùng quan trọng: "Tại các nước phát triển, hầu như không họa sĩ nào nghĩ tới việc đạo tranh, bởi họ được dạy từ khi lọt lòng rằng, đó là một vấn đề vi phạm đạo đức. Thế nhưng ở Việt Nam, ý niệm về việc này là không có, nhiều nhà giàu có vẫn treo tranh giả, tranh chép cho "tiết kiệm".
Chúng ta cũng không thể trách họ, điều cần làm là tìm cách xóa bỏ những suy nghĩ cũ kỹ đó từng bước một, thông qua những nỗ lực của cả cộng đồng".
Trong khi đó, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ với Dân Việt những quan ngại về vấn nạn đạo tranh, sau 3, 4 thập kỷ chưa thể giải quyết triệt để. Ông cho rằng: "Chúng ta đều biết rằng đạo tranh hiện vẫn đang là vấn nạn. Về phía Hội Mỹ thuật Việt Nam, chúng tôi luôn cảnh báo và lên tiếng về thị trường tranh giả. Dù hiện tại Luật Mỹ thuật chưa được đưa ra, nhưng Nghị định 113 dưới luật cũng đang được áp dụng, liên tục có sự điều chỉnh cho phù hợp với xu thế phát triển của mỹ thuật đương đại.
Trong một không gian sáng tạo không an toàn, các tác giả trước hết hãy tự bảo vệ tác phẩm của mình, bởi bản thân quản lý nhà nước không thể kiểm soát hết. Đặc biệt, trong môi trường internet, mọi thứ càng dễ dàng bị đánh cắp, đôi khi chỉ cần một ý tưởng đã dễ dàng bị "chôm chỉa". Bên cạnh đó, nếu tác phẩm không đăng ký bản quyền, thì nhà nước cũng không thể bảo hộ quyền tác giả. Hiện nay, còn rất ít họa sĩ đăng ký với Cục Bản quyền về việc sở hữu tác phẩm của mình, đây cũng là một thực trạng cần xem lại".
Khi trao đổi với Dân Việt, một số họa sĩ trong Hội Mỹ thuật Việt Nam với mong muốn giấu tên cũng khẳng định việc bị chép tranh như Bùi Văn Tuất là "chuyện thường ngày ở huyện" và "đây là chuyện không có gì mới, rất khó để giải quyết".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.