Ban hành từ năm 2017, đến nay, Nghị quyết 10 của HĐND TP.HCM về chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị vẫn được coi là quyết sách chiến lược giúp nông nghiệp TP.HCM phát triển hướng bền vững.
Ông Mai Ngươn Khánh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Chánh cho biết, đất nông nghiệp xã Bình Lợi vốn nhiễm phèn nặng. Ngày trước đây, nông dân nơi đây chủ yếu trồng mía, dứa nhưng thu nhập thấp và giá cả bấp bênh.
Khi TP.HCM có chủ trương khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, nhiều nông dân mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây mai vàng. Cây mai phát triển tốt. Nhiều người đã giàu lên cũng do từ bỏ cây mía để trồng mai vàng.
"Cũng từ nơi đây, mai giống được phân phối đến khắp các vườn trồng trong thành phố và các tỉnh thành để làm cây phôi sản xuất mai ghép, bonsai", ông Khánh nói.
Anh Lê Hữu Thiện, nông dân sản xuất giỏi ở xã Bình Lợi kể, anh bắt đầu trồng mai vàng từ năm 2014. Nhờ tiếp cận được nguồn vốn theo chính sách hỗ trợ của thành phố, anh Thiện vay gần 1 tỷ đồng để đầu tư mở rộng diên tích vườn lên 3,5ha, gồm cả mai đất và mai chậu.
Sau 3 năm trồng, 1ha mai vàng của anh cho doanh thu khoảng 1 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, anh thu được khoảng 500 triệu đồng tiền lãi.
Từ thành công của bản thân, anh Thiện cùng 1 số nông dân khác thành lập HTX HTX Hoa mai vàng Bình Lợi do anh làm giám đốc để hỗ trợ bà con sản xuất. Không chỉ hỗ trợ từ kinh nghiệm, kỹ thuật, HTX còn tư vấn, giúp đỡ thành viên và các nông dân trồng mai khác tham gia vay vốn từ chương trình khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị của thành phố để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Mới đây, đánh giá về hiệu quả của chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị theo Nghị quyết số 10, Sở NNPTNT cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, các quận, huyện, thành phố Thủ Đức đã phê duyệt 929 quyết định. Tổng cộng có 1.966 lượt vay; tổng vốn vay là 1.599.660 triệu đồng trên tổng vốn đầu tư hơn 2.709.425 triệu đồng.
Theo Sở NNPTNT, quy mô vốn đầu tư, vốn vay/hộ dân, doanh nghiệp qua các năm tăng dần. Đặc biệt năm 2018-2021, bình quân vốn đầu tư là 1.378 tỷ đồng/hộ/phương án. Con số này cao hơn 2,44 lần so với bình quân giai đoạn 2011-2019 (là 564 triệu đồng/hộ/phương án).
Nông nghiệp vốn là ngành dễ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai, dịch bệnh. Vì vậy, việc ban hành và triển khai thực hiện chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, còn gọi là chính sách hỗ trợ lãi vay trong thời gian qua đã giúp người dân, doanh nghiệp giảm bớt khó khăn trong đầu tư.
Các phương án vay được phê duyệt còn góp phần tạo thêm việc làm cho người dân khu vực ngoại thành. Từ chính sách này, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn ngày càng thu hẹp qua các năm.
Tuy nhiên, Sở NNPTNT cũng nhìn nhận việc thực hiện Nghị quyết 10 thời gian qua vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định. Ở các địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, và số hộ sản xuất nông nghiệp giảm mạnh (như huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh, TP.Thủ Đức, Gò Vấp), chính sách đến với người dân, doanh nghiệp vẫn còn chậm.
Sở NNPTNT cho biết, số lượng người dân, doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn có hỗ trợ lãi vay theo chính sách rất nhiều. Tuy nhiên, nhiều cá nhân, tập thể vẫn chưa tiếp cận được. Nguyên nhân chính là do không có tài sản thế chấp hoặc chưa xây dựng phương án khả thi.
Thực tế hiện nay vẫn có nhiều hộ dân có đất sản xuất chăn nuôi xen cài trong khu dân cư; hoặc một số hộ dân có đất sản xuất nông nghiệp đã được quy hoạch là đất đô thị, dự án công nghiệp, cảng...
Tuy nhiên, do các dự án chưa triển khai thực hiện, nhiều phương án vay vốn không được các quận, huyện, thành phố Thủ Đức phê duyệt chấp thuận cho vay.
Mặc dù trước đó, theo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội; các quận, huyện vẫn định hướng sản xuất nông nghiệp tại các khu vực này nhằm đảm bảo an sinh xã hội, tạo sinh kế cho người dân, cải thiện thu nhập hộ dân trong thời gian chưa triển khai thực hiện quy hoạch.
Thêm nữa, trong quá trình triển khai, chính sách chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị cũng cần tiếp thu chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với các quy định mới của Trung ương và Thành phố.
Cụ thể như Nghị quyết số 19-NQ/TW năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó, Nghị quyết số 19 có mục tiêu tổng quát đến năm 2030: Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, quy mô sản xuất hàng hoá nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hoá dân tộc.
Để chính sách hỗ trợ chuyển dịch được thực hiện xuyên suốt, Sở NNPTNT đề xuất cần phải tiến hành sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 10/2017/NQ-HĐND để thực hiện được nhiệm vụ của Bộ Chính trị đã đặt ra.