Cựu chiến binh Phạm Quang Dong là nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Đà (xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, Hà Nội). Ông tham gia kháng chiến năm 1960, cấp bậc Thượng sĩ, từng giữ chức vụ Chính trị viên trưởng Đại đội, Trung đội trưởng, tham gia chiến dịch 81 ngày đêm, chốt bảo vệ thành cổ Quảng Trị 1972.
Ngày 16/9/1972, ông Dong bị thương, bị địch bắt và giam giữ tại đông bắc Thành cổ Quảng Trị. Trong thời gian bị cầm tù, ông đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh, thành lập chi bộ, tổ chức nhiều lớp học chính trị, văn hoá cho anh em tù binh. Đồng thời, ông giữ chức vụ Bí thư Chi bộ tại trại giam Đà Nẵng, Bí thư Chi bộ phòng 9, là Đảng ủy viên Đảng ủy D7.
Sau khi được trao trả ngày 14/3/1973, ông Dong tiếp tục phục vụ cho quân đội. Đến năm 1975, ông ra quân làm công tác trong ngành giáo dục tại Mê Linh và được nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Giáo dục.
Tháng 8/1982, ông nghỉ chế độ mất sức lao động, trở về cuộc sống đời thường. Ông luôn chấp hành mọi chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Ông được hội đồng Bộ trưởng Nước CHXHCN Việt Nam tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì.
Năm 1995, ông Dong cùng một số đồng đội thành lập ban liên lạc Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày thời kỳ chống Mỹ. Ông được chỉ định làm trưởng ban và được bầu làm Ủy viên Ban liên lạc tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 2008, huyện Mê Linh sáp nhập vào Hà Nội, ông được bầu làm Phó Trưởng ban liên lạc cho đến nay.
Trong màu áo bộ đội Cụ Hồ, ông Dong cười hiền hậu và tiếp chuyện với chúng tôi bằng giọng nói khàn đặc do ung thư thanh quản - ảnh hưởng từ chất độc màu da cam.
Hiện nay, ông Dong đang được hưởng trợ cấp thương binh, cựu chiến sĩ bị địch bắt tù đày ở Côn Đảo, nạn nhân chất độc hóa học da cam/Dioxin và lương hưu vì đã có 7 năm công tác trong ngành giáo dục với thành tích xuất sắc.
Với tình cảm và trách nhiệm của người chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày ở Côn Đảo năm xưa, ông cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mê Linh cổ vũ, động viên chiến sĩ và nhân dân các vùng biển đảo bằng số tiền 5 triệu đồng mà ông tích góp được từ tiền trợ cấp.
Vị cựu chiến binh với 57 tuổi Đảng chia sẻ: "Tôi là một người lính bước ra từ cuộc chiến, trải qua những khó khăn vào sinh ra tử, tôi còn được sống là nhờ Đảng, nhờ Nhà nước, nhờ anh em đã hi sinh.
Vậy nên việc ủng hộ đối với tôi là thể hiện lòng biết ơn với đất nước của một công dân. Sau là trách nhiệm của một người Đảng viên".
Ông Dong cho biết, ông thấy may mắn và hạnh phúc khi vượt qua chiến tranh, được sống trong thời bình. Một người Đảng viên không được sợ khó, sợ khổ, phải xung phong đi trước thì mọi công dân khác mới noi theo.
Không chỉ ủng hộ quỹ "Vì biển đảo Việt Nam", ông Dong cũng từng tham gia ủng hộ 20 triệu đồng vào quỹ "Xây dựng nông thôn mới", 10 triệu đồng vào Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Mê Linh đúng thời điểm đại dịch Covid-19 diễn ra căng thẳng năm 2020 và nhiều lần tham gia đóng góp xây dựng đền chùa tại địa phương.
Mỗi tháng nhận tiền trợ cấp, ông giúp đỡ con cháu 1 phần. Phần còn lại ông tiết kiệm. Tới khi đủ 5 triệu, ông đem ủng hộ. Ông quan niệm, đóng góp là tự nguyện của ông, nhất quyết không phiền tới con cháu.
Ngồi cạnh bố của mình, anh Phạm Quang Lại (SN 1976) - Con trai của ông Dong nói: "Tôi tự hào về truyền thống "lá lành đùm lá rách" của dân tộc. Tôi tự hào vì tôi có người bố như vậy. Bố là tấm gương sáng để chúng tôi noi theo".
Anh Lại cũng không ít lần tham gia ủng hộ giống như bố của mình. Theo anh Lại, anh ý thức được việc ủng hộ, đóng góp cho đất nước, xã hội như truyền thống, văn hóa, ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người con trong gia đình.
Anh Lại vẫn còn nhớ như in cái cảm giác vừa lo lắng, vừa tự hào khi biết tin bố mình đã một mình đạp xe hơn 20km tới Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Mê Linh để hưởng ứng lời kêu gọi "Vì biển đảo Việt Nam".
Anh Lại tâm sự: "Tôi không biết ông đi lúc nào, mấy ngày sau, vợ tôi nghe trên loa phát thanh nghe tên ông được khen ngợi, về báo tin cho tôi thì tôi mới biết. Tôi vừa thấy có lỗi vì để ông phải đạp xe đạp, nhưng tôi cũng hiểu tính cách của bố mình, ông không muốn làm ảnh hưởng con cái".
Tháng 3/2022, hưởng ứng lời kêu gọi "Vì biển đảo Việt Nam", ông Dong đã đạp xe hơn 20km tới Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Mê Linh để ủng hộ số tiền 5 triệu đồng. Đó là số tiền mà ông đã tích góp, chắt chiu từ những đồng lương hưu của mình.
Mang phẩm chất của một người lính Cụ Hồ, đối với ông Dong, quãng đường 20km cũng chẳng phải thử thách khó khăn dù ông đã ở tuổi 84. Ông Dong bật cười nói: "Tôi vẫn còn khỏe, đi lại vẫn tốt, nhưng thú thực là đi hết đoạn đường tôi cũng phải đổ mồ hôi".
Không còn sức khỏe như thời trai tráng, thế nhưng sức mạnh để ông Dong hoàn thành chặng đường chính từ ý chí kiên định, tình yêu nước của bản thân. Trên đường tới Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Mê Linh, lúc nào mệt, ông Dong dừng lại nghỉ ven đường. Đỡ mệt ông lại đi tiếp. Ông cũng không dừng uống nước, ăn quà ở ven đường.
"Gửi được số tiền cho quỹ, tôi mừng lắm. Cảm giác như năng lượng lại đầy tràn. Thế là tôi lại băng băng đi về nhà với niềm vui trong lòng" - Ông Dong tâm sự.
Anh Lại cho biết, ông Dong vẫn thường xuyên đạp xe đạp khi đi các công việc gần nhà: "Nhiều lần thấy ông đạp xe, tôi khâm phục ông. Tôi hỏi lí do ông không nhờ con cháu đưa lên hoặc gọi chúng tôi xuống đón. Ông nhất quyết trả lời không. Ông nói ông đi được. Chúng tôi cứ làm việc của mình đi".
Ông Hồ Văn Chung - Chủ tịch UBND xã Vạn Yên bày tỏ: "Trong thời chiến, ông Phạm Quang Dong tham gia chiến đấu, sống hết mình với dân tộc. Ông Dong là một Đảng viên, công dân gương mẫu. Bên cạnh đó, ông luôn tích cực kêu gọi, vận động mọi người tham gia công tác xã hội do xã, huyện tổ chức".