Chàng bác sĩ có đôi “bàn tay vàng” đam mê làm việc thiện

Thứ ba, ngày 08/11/2022 06:18 AM (GMT+7)
Chúng tôi gặp Thiếu tá, Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn trong một buổi sáng mùa Thu trong vắt tại phòng làm việc của anh ở Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác - Học viện Quân y. Với gương mặt đôn hậu, giọng nói nhẹ nhàng, Tuấn khiến người đối diện liên tưởng tới một thầy giáo làng chỉn chu hơn là một bác sĩ tài hoa.
Bình luận 0

Càng trò chuyện với Tuấn, chúng tôi càng hiểu thêm, người lính mặc áo blouse trắng ấy không những đã làm "Thay diện mạo - Đổi cuộc đời" cho hàng ngàn số phận mà còn làm đẹp cho đời bằng trái tim nồng nàn chia sẻ yêu thương.

Mở phòng khám riêng để chữa bệnh miễn phí

Thiếu tá, Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn hiện đang là Phó chủ nhiệm khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Tái tạo, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác (Học viện Quân y). Với đặc thù công việc của mình, Tuấn gần như không có lúc ngơi tay. Nhiều hôm hẹn gặp anh, mặc dù chọn vào thời gian giữa trưa, nhưng cuối cùng, Tuấn lại xin "khất" vì có ca phẫu thuật gấp, phức tạp, kéo dài. Để tiết kiệm thời gian cho anh, chúng tôi bắt đầu câu chuyện khi Tuấn vẫn còn nguyên trong bộ quần áo công tác, chưa kịp rót nước mời khách.

Chàng bác sĩ có đôi “bàn tay vàng” đam mê làm việc thiện - Ảnh 1.

Thiếu tá, Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn khi làm trưởng đoàn công tác của Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác (Học viện Quân y) xung phong vào hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chống dịch Covid-19. Ảnh: NVCC

Với nụ cười rạng ngời trên gương mặt phúc hậu, Tuấn bắt đầu kể về hành trình "làm đẹp giúp đời" của mình. Theo lời Tuấn, ngay từ năm 2012, khi còn rất trẻ, anh đã quyết định mở một phòng khám thẩm mỹ rộng 50m2 ở cuối con ngõ trên đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội). Lúc đó, chàng bác sĩ trẻ chưa đầy 30 tuổi phải bán nhiều đồ vật giá trị kèm theo điều kiện trả góp cho việc mua máy móc thiết bị: "Thôi thúc tôi mở phòng khám là vì chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, bị khiếm khuyết về ngoại hình nhưng không có điều kiện kinh tế. Mình muốn giúp đỡ họ thì chỉ tự tay làm mới có thể giúp miễn phí được"- Tuấn chia sẻ về động cơ mở phòng khám của mình.

Những ngày đầu mở phòng khám riêng, do vẫn phải đảm nhiệm đầy đủ công việc ở cơ quan nên Tuấn phải huy động cả gia đình nhà vợ hỗ trợ. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ hằng ngày tại bệnh viện, về nhà, Tuấn gần như dồn toàn bộ tâm sức tại phòng khám, từ thiết kế, viết bài trên web, nội dung trên facebook, quay clip, chụp ảnh, marketing để quảng bá, chăm sóc khách hàng… và tất nhiên cả công việc chính là thực hiện các ca phẫu thuật cho bệnh nhân vào ngày nghỉ, giờ nghỉ. "Không có việc gì tôi không trực tiếp trải qua. Rất vất vả nhưng cách làm đó cũng giúp tôi trưởng thành từ con số 0" - Tuấn chia sẻ.

Từ cơ sở thẩm mỹ khởi phát nhỏ bé nhưng mang trong mình mong ước ý nghĩa "để có thể chữa trị miễn phí cho bệnh nhân nghèo" ấy, chính Hoàng Tuấn cũng không ngờ rằng, chỉ một thập kỷ sau đã làm nên "Hành trình 10 năm kỳ diệu".

Người mải mê với hoạt động thiện nguyện

Nhắc đến Thiếu tá, Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn, nhiều người nghĩ ngay đến hình ảnh của một chàng bác sĩ quân y say sưa với các hoạt động thiện nguyện. Anh là một trong những bác sĩ thuộc lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ rất hăng hái tham gia các hoạt động thiện nguyện, hiện đã giúp đỡ hàng ngàn hoàn cảnh khó khăn, sẻ chia yêu thương tới khắp vùng miền xa xôi bằng phẩm chất bình dị mà cao quý của người lính mặc áo blouse trắng.

Chàng bác sĩ có đôi “bàn tay vàng” đam mê làm việc thiện - Ảnh 2.

Thiếu tá, Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn cùng đại diện chính quyền địa phương trao số tiền 80 triệu đồng hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại tỉnh Phú Thọ xây dựng nhà tình nghĩa. Ảnh: NVCC

Là một người ham học, ngay từ khi còn là chàng sinh viên Học viện Quân y, Hoàng Tuấn đã miệt mài đeo đuổi con chữ, trau dồi chuyên môn. Để có bác sĩ Hoàng Tuấn với đôi bàn tay "thiên thần" cứu giúp những mảnh đời tự ti, mặc cảm vì bệnh tật làm ảnh hưởng đến ngoại hình ngày nay là cả một quá trình khổ luyện. Ý thức rõ giá trị của tri thức nên khi làm thiện nguyện, điều đầu tiên Hoàng Tuấn quan tâm đó là xây dựng các điểm trường cho học sinh vùng cao.

Anh đã dành nguồn kinh phí không nhỏ để làm dự án xây dựng các điểm trường ở những nơi "khỉ ho, cò gáy". Đến nay, với số tiền đóng góp gần 1 tỷ đồng, cơ sở thẩm mỹ của Tuấn đã chung tay cùng các nhà hảo tâm để xây dựng 3 điểm trường vùng cao. Đó là các điểm trường Dân Trí (Nà Kiềng, Cao Bằng); điểm trường Pá Mỳ 3 và Lỳ Mạ Tá (Mường Nhé, Điện Biên). Khu vực này chủ yếu là bà con người dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn, nhận thức hạn chế, nhiều gia đình không cho con đi học. Giáo viên cắm bản và học sinh chen chúc trong dãy phòng học tồi tàn, mục nát bằng ván gỗ, chống nắng mưa và cái lạnh cắt da bằng tấm bạt ni lon mỏng manh.

"Lớp học gió lùa" ấy hôm nay được che chắn bởi tấm lòng của vị bác sĩ quân y, nay mang trên mình diện mạo mới với dãy phòng học khang trang, hệ thống đèn điện được thay thế, quét lại sơn, các phòng trang bị cơ sở vật chất đầy đủ… "Ngắm những nụ cười rạng ngời hạnh phúc của thầy cô giáo cùng các em học sinh vùng cao mà tôi thấy ấm lòng, muốn được đóng góp, cống hiến nhiều hơn nữa", Hoàng Tuấn chia sẻ.

Là bác sĩ quân đội nên chàng thiếu tá quê Phú Thọ có sự đồng cảm đặc biệt với những gia đình có công với cách mạng đang gặp khó khăn. Trong một chuyến đi từ thiện ở huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) quê mình, Tuấn chợt nhìn thấy một căn nhà xiêu vẹo, dột nát, dựng tạm bằng đất… Biết đó là nhà của cụ bà Nguyễn Thị Điểu, 75 tuổi, đang thờ phụng anh trai hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, hiện phải nuôi người con trai mắc bệnh tâm thần, Tuấn đã quyết định kêu gọi mọi người cùng chung tay xây tặng bà Điểu ngôi nhà tình nghĩa. Ngày nhận bàn giao ngôi nhà, bà Điểu nói trong nước mắt: "Hơn 70 năm sống trên đời, đây là lần đầu tiên tôi được ở trong căn nhà mà không phải lo mưa nắng". Những giọt nước mắt hạnh phúc ấy khiến Hoàng Tuấn cùng các cộng sự thêm động lực để tiếp tục hành trình của mình. Và rồi ngôi nhà tình nghĩa thứ 2, thứ 3… thứ 8 được xây dựng. Từ Phú Thọ, Lào Cai, Quảng Ninh cho tới Kon Tum, những mái ấm đúng nghĩa được xây dựng bởi tấm lòng thiện nguyện của bác sĩ Hoàng Tuấn cứ lần lượt được dựng nên.

Chàng bác sĩ có đôi “bàn tay vàng” đam mê làm việc thiện - Ảnh 3.

Vừa tham gia hỗ trợ địa phương phòng, chống dịch Covid-19, Thiếu tá, Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn vừa bỏ tiền mua lương thực tặng các hộ dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Ảnh: NVCC

Ngừng lời một lát, Tuấn lại kể cho chúng tôi nghe câu chuyện cảm động về trường hợp của bệnh nhân Xa Viết Hoàng, ở Đà Bắc (Hòa Bình). Em bị mắc bệnh tim bẩm sinh. Gia đình 6 miệng ăn trông vào việc hái măng, nhặt sắn, thu nhập cả tháng vẻn vẹn 100.000 đồng của người mẹ lam lũ. Vì vậy, chi phí 80 triệu để mổ tim cho bé hoàn toàn nằm ngoài tầm với của gia đình. Biết chuyện, bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn đã quyết định hỗ trợ toàn bộ chi phí phẫu thuật 80 triệu đồng và còn đồng hành cho đến khi em có một trái tim hoàn toàn khỏe mạnh...

"Đơn giản, vì tôi là bác sĩ quân y"

Năm 2020, chứng kiến đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của nhiều người, đặc biệt là những người lao động nghèo, người già, bệnh nhân hiểm nghèo, Hoàng Tuấn đã nảy sinh ý tưởng lập những "cây ATM mỳ tôm - trứng" di động. Với thông điệp: "Nếu bạn khó hãy lấy một phần, nếu bạn thấy ổn hãy nhường cho người khác", chương trình từ thiện "ATM mỳ tôm" đã cấp phát miễn phí hàng chục nghìn suất mỳ gói và trứng, khẩu trang, nước rửa tay, quần áo chống dịch… cho những người có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng.

Chàng bác sĩ có đôi “bàn tay vàng” đam mê làm việc thiện - Ảnh 4.

Thiếu tá, Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn bên cạnh bệnh nhân nhi được anh nhận điều trị miễn phí. Ảnh: NVCC

Từ điểm đặt đầu tiên ở ngõ 487, đường Hoàng Quốc Việt, "cây ATM mỳ tôm" đã nhân rộng ra hơn 20 tỉnh, thành khác, trao đi hàng chục ngàn suất quà. Tiếp đà thành công, chương trình "ATM gạo" do Hoàng Tuấn khởi lập đã chuyên chở hàng chục tấn gạo cho các bệnh nhân chạy thận, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em nghèo vùng cao… rồi những đồng bào miền Trung đang phải gồng mình chống chịu lũ lụt.

Trong những ngày cả nước căng thẳng vì đại dịch Covid-19, nhận được thư ngỏ từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam về việc thiếu thốn vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch, đời sống đội ngũ y bác sĩ vô cùng khó khăn, không chần chừ, bác sĩ Hoàng Tuấn đứng lên kêu gọi mọi người chung tay ủng hộ và bản thân anh "tiên phong" đóng góp 50 triệu đồng. Sau đó, anh tiếp tục chung tay cùng các tổ chức, cá nhân hỗ trợ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, tỉnh Bắc Giang và nhiều tỉnh, thành vật tư phòng, chống dịch. Những vật dụng thiết yếu và vật tư y tế quan trọng phòng dịch còn được anh tìm cách gửi ra tới tận Quần đảo Trường Sa để chung tay cùng quân và dân trên đảo vững vàng vượt qua đại dịch.

Chàng bác sĩ có đôi “bàn tay vàng” đam mê làm việc thiện - Ảnh 5.

Thiếu tá, Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn trao vật tư y tế hỗ trợ tỉnh Phú Thọ phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: NVCC

Những ngày hè 2021, cả nước căng mình chống dịch, từ Hà Nội dõi theo tình hình dịch ở trong Nam, vị bác sĩ quân y không khỏi trăn trở. Vừa lúc đó, cấp trên có quyết định thành lập đoàn công tác của bệnh viện vào hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam chống dịch. Vậy là Hoàng Tuấn xung phong lên đường. Anh đã được Ban Giám đốc Bệnh viện tin tưởng giao nhiệm vụ đảm nhiệm là trưởng đoàn công tác của bệnh viện vào thẳng vùng dịch để hỗ trợ chính quyền, nhân dân địa phương xét nghiệm, cấp thuốc, điều trị Covid-19 tại nhà, chung tay cùng các lực lượng nhanh chóng khống chế đại dịch. Để lại gia đình phía sau lưng, bỏ qua lễ kỷ niệm ngày cưới sắp đến, tạm quên sinh nhật con trai gần kề, anh bước vào cuộc chiến không tiếng súng nhưng vẫn đầy hiểm nguy và tự nhủ "Chắc chắn sẽ chiến thắng trở về".

Vừa có mặt ở TP Hồ Chí Minh, Tổ Quân y cơ động do bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn phụ trách lập lức lao vào vùng dịch, thực hiện các hoạt động phối hợp rà soát, xét nghiệm diện rộng cho các "vùng đỏ", phát thuốc cho người dân, cấp cứu tại nhà cho các trường hợp và cứu trợ các điểm nóng. Những nỗ lực của Thiếu tá, Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Tuấn cùng các đồng đội, các tổ công tác đã góp phần vào thành công chung của "cuộc chiến" chống đại dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Sau hơn 40 ngày, đoàn công tác của anh được cấp trên đánh giá hoàn thành nhiệm vụ, cho phép "rút quân" trở về…

Về Hà Nội, Thiếu tá, Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn đã lại tất bật với công việc của một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ. Ngoài giờ làm việc chính tại bệnh viện, căn phòng nhỏ trong con ngõ Hoàng Quốc Việt lại chào đón anh. Dù nó đã chuyển mình "kỳ diệu" trở thành trung tâm thẩm mỹ Hoàng Tuấn bề thế, song sứ mệnh của anh vẫn không thay đổi, đó là sẻ chia yêu thương, cống hiến, làm đẹp cho cộng đồng.

"Thay diện mạo – Đổi cuộc đời" là dự án thiện nguyện chữa trị miễn phí cho bệnh nhân bị sứt môi hở hàm ếch và u máu bẩm sinh của hệ thống cơ sở thẩm mỹ Hoàng Tuấn do Thiếu tá, Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn làm chủ. Khi đến với cơ sở thẩm mỹ Hoàng Tuấn, các em được chữa trị miễn phí 100%, được trả lại nụ cười trên gương mặt, xóa bỏ tự ti, mặc cảm, tiếp tục theo đuổi ước mơ trong cuộc sống… Đặc biệt, nhiều trường hợp bệnh nhân sau chữa trị cả gia đình đã trở thành nhân viên của Thẩm mỹ Hoàng Tuấn.

* Bài có sự biên tập ở title và chapo


PHONG VIỆT – CHIẾN VĂN (QĐND)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem