Báo cáo tại buổi giám sát, bác sĩ Huỳnh Ngọc Hớn, Phó giám đốc Bệnh viện Trưng Vương cho biết, tháng 6/2021, bệnh viện chuyển đổi hoàn toàn công năng sang điều trị Covid-19. Chỉ trong 3 ngày, toàn bộ nhân viên, cơ sở vật chất của bệnh viện chuyển sang điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Đây là một trong những bệnh viện đầu tiên chuyển công năng sang chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM trong cao điểm dịch.
Tại buổi làm việc, bác sĩ Phạm Ngọc Huy Tuấn, Trưởng Khoa Cấp cứu đã chia sẻ những lời gan ruột sau 30 năm công tác.
Theo bác sĩ Tuấn, dịch Covid-19 không chỉ tàn phá người bệnh mà còn tàn phá cơ sở vật chất của bệnh viện điều trị. Trong thời gian dịch, bệnh viện phải thường xuyên phun xịt khử khuẩn các khoa nên máy vi tính, máy lạnh, máy thở, máy điện tim... hư hao rất nhanh nhưng hiện nay vẫn chưa có kinh phí để mua sắm máy mới.
"Hiện giờ bệnh viện đã hoạt động trở lại bình thường nhưng cơ sở vật chất bị "rỗng ruột". Tiền không có để mua sắm lại và cứ chấp vá máy này sang máy kia. Máy tính hư không chuyển dữ liệu lên được, lạc dữ liệu, không có phim X-quang cho người bệnh nên nhiều bác sĩ hỏi tôi đoán bệnh dùng thuốc kháng sinh được không, nghe rất đau lòng. Theo đó, nhân viên y tế thực sự không chết được nhưng thiệt thòi cuối cùng trút lên hết người bệnh", bác sĩ Tuấn chia sẻ.
Tình trạng này dẫn đến việc mục tiêu chăm sóc người bệnh cao nhưng đáp ứng không nổi, thu nhập nhân viên y tế giảm. "Họ đã trả xong cái ơn của ngành rồi nên không còn vướng bận gì ở đây, theo quy luật của thị trường, nhân viên y tế lần lượt ra đi đến nơi có lợi nhuận cao hơn. Họ không sai. Không thể làm việc với dạ dày rỗng!", bác sĩ Tuấn thẳng thắn.
Thêm vào đó, khoản chi thu nhập tăng thêm từ Nghị quyết 03 của TP.HCM bị chậm suốt nhiều quý, nhân viên bệnh viện không nhận được.
Tính đến tháng 10/2022, bệnh viện có 138 nhân viên nghỉ việc, trong đó có đến 53 điều dưỡng. Các đơn điều dưỡng nghỉ việc nộp lên đa phần ghi là do thu nhập không đủ sống, đặc biệt là những người phải thuê nhà. Khi lực lượng điều dưỡng này nghỉ, gánh nặng lại đè lên vai các điều dưỡng ở lại nên con số nghỉ việc càng về sau càng tăng.
Bệnh viện đã đề xuất Sở Y tế kéo dài thời gian sử dụng điều dưỡng trung cấp nhưng vẫn tìm không ra người. Thậm chí bệnh viện còn đăng tuyển điều dưỡng tại trường Cao đẳng Y tế Đồng Tháp với cam kết trong 1-3 tháng đầu, bệnh viện bố trí chỗ ở trong bệnh viện nếu các bạn chưa tìm được chỗ ở nhưng vẫn không tuyển được ai.
Phó giám đốc bệnh viện cho biết, đối với việc thực hiện đề án y tế thông minh, năm 2014, UBND TP đã cấp kinh phí cho Bệnh viện Trưng Vương để đầu tư nâng cấp hạ tầng, tuy nhiên đến nay hầu hết các máy chủ và thiết bị lưu trữ trang bị cho bệnh viện đã khấu hao, không đồng bộ, làm cho hệ thống phân mảnh, không phát huy được hết tài nguyên của từng thiết bị.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Trường Giang, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, chuyên gia đoàn giám sát, cho rằng, bệnh viện đang phải vật lộn với những công việc hàng ngày để tồn tại, chưa nói đến phát triển và cạnh tranh.
Bệnh viện chưa ổn định, thay đổi liên tục, từ bệnh viện thành bệnh viện cấp cứu, rồi tách cấp cứu thành đa khoa, dẫn đến nhiều xáo trộn, khó khăn. Ông đề nghị TP hỗ trợ bệnh viện nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn, không phải ăn đong từng bữa như hiện nay.