Hàng nghìn ca đột quỵ được cứu sống nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo

Bạch Dương Thứ năm, ngày 27/10/2022 15:48 PM (GMT+7)
Ngày 27/10, Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP.HCM đã có buổi giám sát tại Bệnh viện Nhân dân 115 về tình hình triển khai thực hiện đề án y tế thông minh.
Bình luận 0
Hàng nghìn ca đột quỵ được cứu sống nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo - Ảnh 1.

Ban Văn hoá Xã hội HĐND TP.HCM giám sát đề án y tế thông minh tại Bệnh viện Nhân dân 115. Ảnh: P.V

Tại buổi giám sát, bác sĩ Trần Văn Sóng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, trong giai đoạn thực hiện đề án y tế thông minh, bệnh viện đã triển khai nhiều ứng dụng công nghệ trong điều trị ngoại trú và nội trú.

Cụ thể là tăng cường công tác số hóa, chuyển đổi thanh toán điện tử; ứng dụng công nghệ trong đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính; nhiều phần mềm đã được ra đời như: Quản lý giường bệnh, quản lý sự cố sai sót và báo cáo sự cố sai sót…

Đặc biệt, bệnh viện còn ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân bị đột quỵ bằng phần mềm RAPID của Đại học Standford, Hoa Kỳ.

Đây là phần mềm giúp điều trị hiệu quả, chính xác. Trước đây, khi chưa ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, bệnh nhân đột quỵ tắc mạch não nhập viện trong 6 giờ đầu can thiệp điều trị khả quan, sau 6-24 giờ, bác sĩ không thể làm gì để cứu bệnh nhân khỏi nguy cơ tàn phế, tử vong.

Hiện nay, Việt Nam là nước thứ 3 tại Đông Nam Á ứng dụng thành công, cứu nhiều bệnh nhân đột quỵ khi áp dụng ứng dụng này. Trước khi chưa ứng dụng trí tuệ nhân toạ vào điều trị, những bệnh nhân ở dưới tuyến tỉnh hoặc bệnh nhân được can thiệp sau 6 giờ thường nguy cơ tử vong rất cao.

Cũng theo bác sĩ Sóng, trong vòng 3 năm ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đã có 2.215 ca được chẩn đoán và chỉ định can thiệp bằng phần mềm RAPID.

50% trong số những bệnh nhân đột quỵ đến bệnh viện sau giờ vàng (trong khoảng thời gian từ 6-24h) được can thiệp nội mạch. Có 48% người bệnh được can thiệp thành công có thể quay trở lại vận động bình thường.

Tuy nhiên, tương tự nhiều bệnh viện khác, quá trình tiến tới y tế thông minh của Bệnh viện Nhân dân 115 còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, nổi bật là nguồn nhân lực công nghệ thông từ tin y tế còn thiếu, rất khó tuyển dụng và giữ chân lao động do lương thấp.

Ngoài ra, hạ tầng, thiết bị thiếu đồng bộ, khó tích hợp và tương thích theo xu hướng phát triển phần mềm. Chi phí về công nghệ thông tin chưa được cơ cấu vào giá dịch vụ khám chữa bệnh, khiến bệnh viện gặp khó khi phát triển mảng này...

Hàng nghìn ca đột quỵ được cứu sống nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo - Ảnh 3.

Trung tâm điều trị đột quỵ tại Bệnh viện Nhân dân 115. Ảnh: BVCC

Đối với công tác nâng cao nhân lực, đại diện Sở Y tế TP.HCM cho hay, sở đã có công văn dự trù công tác đào tạo về mảng an ninh bảo mật, quản lý vận hành bệnh viện ứng dụng vào năm 2023.

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND TP.HCM đề nghị bệnh viện đầu tư quan tâm quản lý trung tâm dữ liệu, thực hiện theo chuẩn quốc tế, kịp thời điều chỉnh bổ sung nâng cấp theo chuẩn chung. Vấn đề bệnh án điện tử phải được tiếp tục quan tâm, thực hiện theo đúng đề án của Bộ Y tế, tích hợp thẻ thông minh, quan tâm đến quy trình bệnh viện thực hiện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem