Gần 9.400 nhân viên y tế nghỉ việc, bỏ việc vì những lý do "biết rồi nói mãi"

Diệu Linh Thứ ba, ngày 05/07/2022 06:07 AM (GMT+7)
Trong 18 tháng qua, đã có gần 9.400 nhân viên y tế nghỉ việc, bỏ việc vì thu nhập thấp, công việc nhiều, áp lực lớn.
Bình luận 0

Nhân viên y tế nghỉ việc, thôi việc vì lương thấp, áp lực lớn

Thứ trưởng phụ trách, điều hành Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, theo báo cáo của các địa phương (giai đoạn 2021 và 6 tháng đầu năm 2022) có tổng số 9.397 nhân viên y tế nghỉ việc, bỏ việc.

Đây là thông tin được Thứ trưởng Tuyên chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022 về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6; 6 tháng năm 2022 và triển khai các Nghị quyết của kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XV ngày 4/7.

Theo Thứ trưởng Tuyên, trong đó, năm 2021 có 5.284 nhân viên y tế nghỉ việc hoặc bỏ việc.

Gần 9.400 nhân viên y tế nghỉ việc, bỏ việc vì những lý do "biết rồi nói mãi" - Ảnh 1.

Hầu hết nguyên nhân nhân viên y tế nghỉ việc nhiều là do áp lực công việc, thu nhập thấp (Chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bắc Giang. Ảnh BYT)

Còn trong 6 tháng đầu năm 2022, có 4.113 nhân viên y tế xin nghỉ việc, bỏ việc ( trong đó 3.756 viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của các Sở Y tế và 357 viên chức công tác tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế).

Một số tỉnh, thành phố có số lượng nhân viên y tê nghỉ việc, bỏ việc cao như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng…

Về nguyên nhân nhiều nhân viên y tế nghỉ việc, bỏ việc, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ có nhiều nguyên nhân. Trong đó nguyên nhân chủ yếu là do: thu nhập thấp, lương và chế độ phụ cấp chưa bảo đảm nhu cầu cuộc sống, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở;

Bên cạnh đó là áp lực công việc cao, cường độ lao động lớn, đặc biệt từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đến nay.

"Bình thường đã rất nhiều việc, khi chống dịch lại càng nhiều việc, khi hết dịch lại phát sinh nhiều việc khác, cộng với các công việc thường xuyên, các công việc tồn đọng. Đồng thời môi trường làm việc nguy hiểm, có nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng;

Ngoài ra, còn do các nguyên nhân khác như lý do gia đình, sức khỏe, ảnh hưởng tâm lý do tác động của các vụ việc vi phạm quy định của pháp luật trong mua sắm, đấu thầu thời gian qua...", Thứ trưởng chỉ rõ.

Ngoài ra, chính sách thu hút nguồn nhân lực tốt của hệ thống y tế tư nhân, nhất là đối với nhân lực có trình độ cao, chuyên môn sâu đã khiến không ít nhân viên y tế "dịch chuyển" từ khu vực y tế công sang y tế tư nhân.

Kiến nghị nhiều chính sách cải thiện thu nhập, động viên nhân viên y tế

Trước tình trạng này, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP trong đó đề xuất tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng từ 40-70% lên mức 100%; Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế.

Đồng thời, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nội vụ để hướng dẫn việc tổ chức các trạm y tế theo quy mô dân số theo Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị. Chú trọng biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác y tế; huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ, giảm bớt khó khăn, kịp thời động viên cán bộ y tế...

Trước đó, bà Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết, Công đoàn ngành đã tập hợp kiến nghị của cán bộ công nhân viên chức ngành y tế về chế độ, chính sách đối với nhân viên y tế để gửi tới Đảng, Chính phủ.

Trong đó có nhiều kiến nghị để nâng lương cho nhân viên y tế theo đúng cống hiến mà họ được hưởng.

Cụ thể, Công đoàn ngành đã kiến nghị về chính sách lương khởi điểm của bác sĩ ngành y tế. Theo bà Bình, ngành y là một ngành đặc biệt theo Nghị quyết 46/NQ-BCT của Bộ Chính trị, nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức, có cơ chế đào tạo đặc thù.

Riêng đối với bác sĩ, thời gian đào tạo kéo dài 6 năm so với các ngành khác thời gian đào tạo chỉ là 4 năm. Tuy nhiên, phải mất 18 tháng thực hành mới được hưởng lương bậc 1. Các ngành khác, chế độ tiền lương chi trả sau 4 năm đại học mức lương khởi điểm là 2,34.

Gần 9.400 nhân viên y tế nghỉ việc, bỏ việc vì những lý do "biết rồi nói mãi" - Ảnh 2.

Một trong những giải pháp hạn chế nhân viên y tế nghỉ việc, Bộ Y tế đề xuất nâng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng từ 40-70% lên mức 100% (Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Bắc Giang. Ảnh BYT)

Đây là một bất cập, đề nghị chế độ chính sách tiền lương khởi điểm riêng với bác sĩ ngành Y, được áp dụng mức khởi điểm tương được bậc 2 là 2,67.

Ngoài ra, về chính sách thâm niên nghề: So sánh với ngành giáo dục, 2 ngành được xã hội tôn vinh là Thầy, lao động trong ngành y có phần vất vả, độc hại hơn nhiều nhưng lao động ngành y không được hưởng chế độ thâm niên nghề như hiện nay ngành giáo dục được hưởng. Do đó, cũng cần có quy định về chế độ thâm niên cho nghề y.

Về phụ cấp ưu đãi nghề: theo Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính Phủ, cán bộ y tế được hưởng mức độ từ 20 tới 70% chế độ phụ cấp ưu đãi nghề.

Nhưng rất nhiều đối tượng lao động làm việc trong điều kiện môi trường độc hại bệnh viện vẫn phải tiếp xúc với người bệnh, mầm bệnh nhưng lại không được hưởng phụ cấp này.

Đề nghị Đảng, Chính phủ quan tâm nâng phụ cấp ưu đãi nghề lên 100% và mở rộng một số đối tượng người lao động trong ngành y tế cùng được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề.

Về chế độ thu hút đối với các ngành nghề đặc thù: Đối với các lĩnh vực đặc biệt trong ngành y như Phong, Lao, Tâm thần, HIV/AIDS, Hồi sức cấp cứu, Giải phẫu bệnh...là những công việc có yếu tố nguy hiểm, cần tập trung cao độ tâm sức, trí tuệ của cán bộ y tế, nhưng hiện nay chưa có cơ chế phù hợp trong thu hút lao động này.

Một số ngành đặc biệt sắp trở thành ngành không có nhân lực chất lượng cao. Do đó, cần có chính sách đặc biệt hấp dẫn để thu hút nhân lực trong các lĩnh vực này.

Nhân viên y tế nghỉ việc nhiều vì nhiều người đã làm việc kiệt sức

Trước đó, về nguyên nhân nhân viên y tế nghỉ việc nhiều trong thời gian gần đây, chia sẻ với Dân Việt, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội, nguyên Giám đốc Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết, ngành y là ngành chịu nhiều áp lực, lương bổng lại thấp nên nhiều người kiệt sức, stress, cuộc sống khó khăn, đi tìm việc khác thanh thản mà thu nhập đủ sống.

"Tôi được biết, đa số nhân viên y tế không phải làm 8 tiếng mà 10 tiếng, 12 tiếng mỗi ngày. Cá biệt có bác sĩ làm 20 tiếng mỗi ngày, vô cùng mệt mỏi", GS Trí cho biết.

Kiến nghị về các giải pháp giữ chân nhân viên y tế, GS Trí cho rằng, Bộ Y tế cần đứng ra xây dựng chính sách tổng thể để nhân viên y tế yên tâm, đủ sức công tác, đặc biệt là chính sách phù hợp với hoàn cảnh chống dịch như hiện nay.

"Bộ Y tế phải gấp rút đề xuất một cái chính sách phù hợp đặc biệt là khi có dịch. Đây không phải là "đãi ngộ" mà là sự công bằng về tiền lương. Người ta làm việc 8 tiếng khác mà làm 12 tiếng, 20 tiếng phải khác.

Trước trực 1 tuần 1-2 buổi khác, mà nay gần như đêm nào cũng phải trực thì khác. Chính sách bao gồm nhiều thứ: lương, chế độ trực, chế độ phụ cấp, chế độ độc hại rồi chính sách bồi dưỡng, nâng cao...", GS Trí nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem