Dân Việt

Nuôi cá, chăn vịt + trồng lúa, cá chả phải cho ăn, lúa nhẹ công phân thuốc, nông dân ĐBSCL thu lãi khá

Phượng Vỹ 15/11/2022 13:12 GMT+7
Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, hiện người nông dân tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phải đối mặt với tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Suy thoái môi trường đe dọa cuộc sống và sinh kế của hàng triệu người dân nơi đây.

Từ năm 2016, một dự án của Ngân hàng Thế giới (WB) đã hỗ trợ hơn một triệu nông dân chuyển đổi sinh kế thích ứng với khí hậu và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, với việc tập trung tạo ra một mạng lưới cơ sở hạ tầng nền tảng và tăng cường hợp tác vùng trong công tác quản lý tài nguyên đất và nước.

Kết hợp trồng lúa, nuôi cá, chăn vịt, nông dân ĐBSCL thích ứng với mùa nước nổi

Tại vùng thượng đồng bằng, dự án Chống chịu biến đổi khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL (MD- ICRSL) đã tận dụng mạng lưới các nhà khoa học rộng khắp cùng với nông dân phát triển các mô hình sản xuất có thể giúp giải quyết những thách thức về sinh thái nông nghiệp và kinh tế xã hội đặc thù từng vùng, đồng thời nhân rộng các mô hình này.

Biến đổi khí hậu ở ĐBSCL: Triển khai đồng bộ các giải pháp chống chịu  - Ảnh 1.

Nông dân Đồng Tháp triển khai mô hình trồng lúa hữu cơ. Ảnh: Huỳnh Xây

Điển hình như tại Đồng Tháp, từ lâu những người nông dân ở đây đã quen với việc trồng lúa 3 vụ một năm, dựa vào hệ thống đê bao cao để bảo vệ đồng ruộng vào mùa lũ. Hình thức canh tác này không tối ưu về kinh tế cũng như phù hợp về sinh thái. Trên thực tế, thâm canh 3 vụ dẫn đến suy thoái đất và phá vỡ cân bằng nước, giảm năng suất nông nghiệp, thu hẹp các vùng đất ngập nước, đồng thời tăng nguy cơ lũ lụt và ô nhiễm.

Từ đó, dự án đã giúp nông dân chuyển sang các loại cây trồng hoặc giống vật nuôi khác trong mùa lũ, vừa giảm sự phụ thuộc vào trồng lúa, vừa tạo thu nhập cao hơn.

Hiện dự án đang hỗ trợ thành lập Trung tâm ĐBSCL, đóng vai trò là đầu mối về thông tin tích hợp liên quan đến nước, đất, tài nguyên cũng như các chỉ số môi trường và khí hậu khác của ĐBSCL.

Đối với anh Nguyễn Văn Vương (ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp), ban đầu việc chuyển đổi sang mô hình trồng 2 lúa kết hợp với nuôi vịt và cá đồng tự nhiên trên diện tích 10ha không hề dễ dàng vì chi phí đầu tư lớn. Tuy nhiên, anh Vương được phía dự án hỗ trợ 70% số vốn cần thiết, đồng thời được các cán bộ kỹ thuật thường xuyên hướng dẫn ngay tại ao nhà.

"Ban đầu, tôi rất lo vì chuyển đổi thế này "tiền quá tiền" và cũng bỡ ngỡ lắm. Nhưng kế hoạch có vẻ đầy hứa hẹn và tôi được giúp đỡ rất nhiều. Tôi làm và thấy hiệu quả. Con cá mình chẳng cần cho ăn mà vẫn có tiền, còn lúa mình nhẹ phân nhẹ thuốc"- anh Vương chia sẻ. 

Ước tính, nhờ trồng lúa 2 vụ đông-xuân, hè thu lợi nhuận bình quân của anh Vương đạt từ 25 đến 30 triệu đồng/ha.

Mô hình nuôi kết hợp trồng lúa 2 vụ - thủy sản - chăn nuôi vịt tận dụng tối đa tiềm năng đất nước và sức lao động có thể mang lại lợi nhuận lên tới 81 triệu đồng/ha.

Xây dựng hạ tầng kỹ thuật

Biến đổi khí hậu ở ĐBSCL: Triển khai đồng bộ các giải pháp chống chịu  - Ảnh 3.

Nông dân huyện Hồng Dân thu hoạch tôm càng xanh nuôi trong ruộng lúa. Ảnh: Chúc Ly

Để nông dân duy trì những thực hành tốt này ngay cả khi dự án kết thúc, WB cũng đầu tư thiết lập cơ sở hạ tầng tạo nền tảng cho quá trình nhân rộng một cách bền vững, đồng thời tăng cường hợp tác, điều phối vùng để quản lý nguồn tài nguyên nước và đất.

Phần lớn số vốn trong tổng mức đầu tư 387 triệu USD của dự án được sử dụng để xây mới và nâng cấp các công trình thủy lợi và hạ tầng kỹ thuật đã xuống cấp. Ở vùng thượng nguồn, dự án đã cải tạo 61km bờ bao và xây dựng 15 cống qua đê để nâng cao hiệu quả quản lý lũ, đặc biệt là thu lợi từ lũ.

Dọc theo 27km bờ biển của bán đảo, dự án đã xây dựng nhiều công trình đê biển, đê chắn sóng và vành đai rừng ngập mặn. Các cửa cống và công trình thủy lợi khác cũng đã được xây dựng và hệ thống kênh mương được nạo vét để tăng cường điều tiết mặn và kiểm soát triều cường đang diễn ra ngày càng thường xuyên hơn. Tại các khu vực cửa sông, dự án đã xây dựng 4 cống kiểm soát triều lớn ven sông và ven biển để điều tiết độ mặn.

Hệ thống thủy lợi Nam Măng Thít quy mô lớn nằm trên địa bàn 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh là 1 trong những công trình quan trọng của dự án. Hoạt động xây dựng và nâng cấp đã được hoàn thành ngay trước khi đợt hạn hán lịch sử năm 2020 trong vùng. Vào đỉnh điểm của đợt hạn hán tháng 3, toàn bộ hệ thống với đầy đủ các chức năng đi vào hoạt động đã giúp cứu cây trồng trên hàng nghìn ha đất.