Là người đi xác minh lý lịch để đưa nhà văn Lê Lựu về với Tạp chí Văn nghệ Quân đội, trong ký ức của nhà văn Ngô Thảo, đó là người đàn ông mang tác phong nông dân, dân dã, gần gũi và có phần... luộm thuộm. Ông sắc sảo trong văn chương nhưng đôi khi vụng về, lúng túng ở đời thường. Có điều năng lực hoà đồng của một người lính ở nhà văn Lê Lựu lại rất lớn, nó khiến tác giả của "Thời xa vắng" đi đâu cũng được yêu mến bởi sự chân thành, vui vẻ.
Không được đánh giá cao ngay từ khi xuất hiện, văn chương Lê Lựu từng bị đánh giá là "dầm dề, miên man", càng về sau càng đến đoạn chín. Chia sẻ với PV Dân Việt, nhà văn Ngô Thảo cho rằng: "Không phải nhà văn nào cũng có những thay đổi tích cực trong nghề, còn Lê Lựu là người đi lên từng bước. Từ truyện ngắn tới trang văn, ông đều cho thấy sự chuyển mình không ai lường trước được.
Lê Lựu có tài dựng chân dung con người. Nhà văn là người đẻ ra các tác phẩm, nhưng xét cho cùng vẫn là đẻ ra nhân vật. Lê Lựu đã sinh đẻ ra một loạt nhân vật để người ta còn nhớ, còn lưu luyến, dù có thể đồng tình hay chẳng đồng tình. Sự tranh cãi chứng tỏ nhân vật của Lê Lựu sống động, còn không nằm bẹp trong trang sách. Chữ nghĩa của ông đã giúp các nhân vật đều có hình có thù, có sự đặc sắc và hấp dẫn riêng".
Nhà văn Lê Lựu yêu văn chương và tận tuỵ với từng trang viết của mình. Đi cùng ông trong nhiều cuộc gặp gỡ, nhà văn Ngô Thảo nhớ lại: "Tại những buổi giao lưu, người ta đọc thơ hay kể vài câu chuyện tiếu lâm. Lê Lựu thì khác, ông có thể đọc lại cho bạn bè nghe hàng chục trang sách của mình, đọc thuộc lòng và trọn vẹn. Hiếm người thuộc văn mình một cách khủng khiếp như thế".
Nhà văn Lê Lựu cũng là nhà văn Việt Nam đầu tiên đi Mỹ sau chiến tranh, nói như nhà văn Nguyễn Quang Thiều "Ông chính là sứ giả hoà bình Việt Nam đầu tiên, người phá băng đầu tiên trong quan hệ Việt - Mỹ". Trong khi đó, với nhà văn Ngô Thảo thì: "Có lẽ chính tính xuề xoà, nông dân của Lê Lựu đã tạo nên ấn tượng tốt, để họ thấy hình ảnh một người lính gần gũi, hiền hoà, hoàn cảnh lịch sử đã buộc họ phải đi cầm súng. Bóng dáng của anh Giang Minh Sài trong "Thời xa vắng" có chứa bóng dáng của Lê Lựu. Ở đó, người nông dân đi chiến đấu và chính cuộc chiến đấu biến họ trở thành những con người tài hoa".
Trong mắt những nhà văn thế hệ sau, tác giả của "Thời xa vắng", "Sóng ở đáy sông"... là người trọng hiền tài, hết lòng nâng đỡ họ. Ông không ngại chỉnh cho họ từng câu chữ, động viên họ theo đuổi và chăm chút, cẩn trọng với nghề.
Trò chuyện với PV Dân Việt, nhà văn Sương Nguyệt Minh kể lại: "Dịp tháng 5/1996, Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức một trại sáng tác ở Đồ Sơn (Hải Phòng). Được cử làm trại trưởng (phụ trách phần văn xuôi), nhà văn Lê Lựu rất thương chúng tôi - những văn trẻ.
Trong trại, cứ đến 12h đêm - 1h sáng, chúng tôi mới viết xong. Trước khi đi ngủ, hầu hết mọi người đều ra hành lang, vươn vai tập thể dục. Bác Lê Lựu cũng không ngủ, bác đi từng phòng một, dặn anh em giữ gìn sức khoẻ, chăm chút cho bản thân.
Ông cũng tỉ mỉ với từng tác phẩm. Mỗi lúc chúng tôi viết xong một đoạn, nhà văn Lê Lựu thường gọi lên và đọc cho bác nghe. Bác nằm dài ở giường, mắt lim dim như người đang ngủ. Chúng tôi bên cạnh cứ thế đọc, còn ông cứ lặng im suốt thế.
Thời ấy, tôi rất trẻ, còn nóng ruột và tinh nghịch. Tôi nghĩ trong bụng: "Mình đọc tác phẩm mà bác không nghe thì đọc làm gì đây?". Trong lòng chán nản, cộng thêm tính láu cá, tôi đọc chệch câu văn để nó sai đi một chút. Đang nằm, bác bỗng ngồi phắt dậy: "Cậu viết kiểu gì đấy?". Đến khi tôi đọc lại đúng câu văn mình đã viết, bác mới nằm xuống nghe tiếp. Hoá ra bác lim dim như vậy để tập trung hết tinh lực để lắng nghe. Chỉ cần ai sai một từ, bác phát hiện ra ngay".
Một lần khác, khi ngồi uống nước với nhà văn Lê Lựu tại cổng trại sáng tác, nhà văn Sương Nguyệt Minh nhận được lời khuyên chân thành của ông về văn nghiệp: "Khi ấy, tôi vẫn còn làm ở Bệnh viện Quân y 103, mới bắt đầu cầm bút. Tôi nhớ mình đã hỏi bác Lê Lựu: "Bác đã đọc những tác phẩm của em trong trại sáng tác rồi, em hỏi thật bác: "Em có viết được văn không?". Nếu bác nói em viết được, em sẽ đi đến tận cùng. Còn nếu bác thấy em không viết được thì em sẽ bỏ luôn để làm công việc khác. Dứt khoát bác phải nói thật, đừng để em đi theo thứ mà mình không có khả năng".
Nhà văn Lê Lựu nghĩ một lát, sau đó ông mới trả lời tôi: "Minh ạ, viết văn có hai loại tác giả. Loại thứ nhất là những người vừa xuất hiện đã vụt sáng, giống như Trần Đăng Khoa, Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Thanh Hà… Loại thứ 2, khi xuất hiện ít người để ý lắm, nhưng cứ âm thầm, lặng lẽ viết. Ngày này qua tháng khác, đến một lúc nào đó sẽ như người nông dân gặp đúng mạch nước ngầm, trào căng bọt. Phải lao động, cày cuốc bền bỉ bằng ý chí, bằng nghị lực, rồi cũng sẽ làm lên sự nghiệp. Sương Nguyệt Minh giống như mình, thuộc về dạng thứ hai. Sự thông minh, tố chất thiên tài chỉ có 1% thôi, còn lại 99% phải lao động văn chương thật sự, đổ mồ hôi sôi nước mắt. Minh cứ viết đi Minh ạ, hãy cứ yên tâm theo đuổi. Mình tin Minh sẽ gặt hái được điều gì đó" - nhà văn Sương Nguyệt Minh xúc động nhớ lại.
Sau đó, nhà văn Sương Nguyệt Minh nhận được giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ông được nhận vào công tác tại đây và có dịp làm việc cùng cây viết đàn anh: "Những buổi trưa, hai anh em, hay nói cách khác là hai thầy trò thường rủ nhau ra quán cơm bụi ở ngõ 12 Lý Nam Đế. Qua những buổi như thế, tôi học được từ ông ông rất nhiều ở kinh nghiệm sáng tác, cách lấy tư liệu. Niềm đam mê của ông, sự quan tâm dìu dắt ông dành cho thế hệ nhà văn đàn em - khiến không chỉ tôi mà nhiều nhà văn trẻ khác đã trưởng thành. Chúng tôi đều luôn biết ơn vì điều đó".
Với nhà văn Đỗ Bích Thuý, đó lại là ký ức về đêm giao thừa năm 1999: "Tôi ngồi trước mặt ông trong căn phòng trên tầng 2 của Nhà số 4 ( Trụ sở Tạp chí Văn nghệ Quân đội tại Lý Nam Đế, Hà Nội - PV). Căn phòng bừa bộn, rất nhiều sách vở, bản thảo, đồ dùng cá nhân. Ông gọi tôi đến để góp ý vào truyện ngắn cuối cùng của tôi và cũng là truyện ngắn dự thi cuối cùng gửi đến Ban Biên tập Văn nghệ Quân đội", vào ngày cuối cùng, đúng theo thể lệ.
Ông nói: "Chú rất thích truyện ngắn này. Rất thích. Cơ bản thì nó ổn rồi. Nhưng có một vài chỗ cháu cần làm rõ hơn, sắc nét hơn, ấn tượng hơn". Rồi ông phân tích tại sao cần làm như vậy bằng cách dẫn chứng cách các ông Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu... chú trọng chi tiết như thế nào.
Chừng non một tiếng, tôi gật gật gù gù vâng dạ. Cảm thấy có một cánh cửa vừa mở toang đầu óc mình ra. Ông nói thêm: "Giờ cháu về sửa, sau ngày mai, tức là mùng 1 Tết dương lịch, cháu mang lên đây cho chú. Chú vẫn ghi vào sổ là cháu nộp hôm nay, tức đúng thể lệ".
Tôi đạp xe về trường Báo chí. Lũ bạn trong ký túc xá đi đón giao thừa trên Bờ Hồ vẫn chưa về. Tôi leo lên giường tầng và sửa ngay cái truyện ngắn "Sau những mùa trăng" theo gợi ý của ông. Truyện ngắn cuối cùng ấy đã mang lại cho tôi giải Nhất và cũng đưa tôi về Nhà số 4, sau đó 1 năm, khi tôi tốt nghiệp Đại học" - nhà văn Đỗ Bích Thuý tâm sự.
Những năm cuối đời, nhà văn Lê Lựu phải sống với nhiều căn bệnh. Ông từng chia sẻ: "Tôi bị tai biến mạch máu não, lần này là lần thứ năm, rồi bệnh tiểu đường, bệnh tim, bệnh gout, phổi, tụy, thận, tiền liệt tuyến... tất cả là 14 bệnh".
Sống chân thành với bạn bè, đồng nghiệp nên ông được họ thương quý, trân trọng, dù đã nghỉ hưu. Nhà văn Ngô Thảo, Trung Trung Đỉnh, Như Bình, Nông Hồng Diệu thường tới thăm ông, cùng ông trò chuyện.
"Lê Lựu có tuổi già vất vả, gia đình lận đận. Điều này ít người nói tới, nhưng là một sự thật không thể phủ nhận: Cuộc chiến tranh đã qua khiến người ta gắn bó nhiều, nhưng cũng mất mát nhiều. Sự xa cách trong chiến tranh tạo những xa cách trong đời sống tình cảm mà sau chiến tranh không phải cặp đôi nào cũng hàn gắn lại được. Một người nhà quê đi ra mặt trận, bao nhiêu tiếp xúc và biến đổi, thế giới tinh thần rất khác với một người chỉ sinh sống trong làng, suốt đời gắn bó với cây đa bến nước. Cũng bởi vậy, không ít gia đình tan tác, mà điều đó không thể trách ai được" - nhà văn Ngô Thảo bày tỏ.
Trải qua nhiều biến cố gian truân, nhưng nhìn lại, khi vĩnh biệt trần thế ở tuổi 84, nhà văn Lê Lựu hoàn toàn có thể tự hào bởi những gì ông để lại. Đó là những tác phẩm sống mãi trong lòng người đọc, được coi là tinh hoa thắp sáng một giai đoạn của nền văn học Việt Nam. Đó là niềm yêu mến của bạn bè, đồng đội, là sự trân trọng và lòng biết ơn của hậu thế.
"Khuyết tật của danh nhân là niềm an ủi cho những kẻ ngu đần". Đôi khi những câu chuyện này kia trong cuộc đời của một danh nhân làm họ gần gũi với đời thường hơn, làm cho những kẻ như chúng ta cảm thấy được an ủi. Sau tất cả những nhọc nhằn, Lê Lựu đã sống và để lại cho hậu thế những giá trị không thể biến mất, cũng không thể lãng quên" - nhà văn Ngô Thảo khẳng định.