Tái bản “Thời xa vắng” và “Sóng ở đáy sông” của Lê Lựu
“Thời xa vắng” và “Sóng ở đáy sông” của Lê Lựu tái xuất trong diện mạo mới
Khánh Đăng
Thứ sáu, ngày 04/06/2021 16:23 PM (GMT+7)
“Thời xa vắng” và “Sóng ở đáy sông” của nhà văn Lê Lựu được tái bản trong một diện mạo mới, giữa thời điểm dịch bệnh như một cách truyền bản lĩnh sống.
Nhà văn Lê Lựu (1942) là một trong những cây bút tiêu biểu của nền văn học Việt Nam sau 1975. Những tác phẩm của ông đã làm thay đổi cách suy nghĩ, cách nhìn, cách đánh giá của con người về cuộc sống. Lê Lựu là một trong những người đi tiên phong trong phong trào đổi mới văn chương. Nhà văn chính là người đã vẽ ra cho các thế hệ văn sĩ phía sau ông những hướng đi cho sự phát triển của tiểu thuyết nói chung và các thể loại khác nói riêng.
Tiểu thuyết "Sóng ở đáy sông" được nhà văn Lê Lựu sáng tác vào năm 1994. Đây là tác phẩm được ông viết theo đơn đặt hàng của nhà xuất bản Hải Phòng. Tác phẩm là một câu chuyện dài về cuộc đời đau thương và bi kịch của nhân vật Núi. Anh phải chịu nhiều bất hạnh từ lúc nhỏ, cho đến khi trưởng thành mà vẫn không tìm thấy được sự bình yên và hạnh phúc.
"Với lối viết mộc, hiện thực; với những triết lý, ẩn dụ, phúng dụ được nhà văn Lê Lựu sử dụng khá tinh tế và thuần Việt. Chắc chắn lớp bạn đọc hôm nay sẽ được bước vào một thời khắc riêng khác và hình dung về một giai đoạn đầy biến động đã lùi xa...", nhà văn Võ Thị Xuân Hà nhận định.
"Sóng ở đáy sông" đã từng được chuyển thể phim truyện truyền hình (đạo diễn Lê Đức Tiến, Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam). Là bộ phim truyền hình ăn khách vào năm 2000 và đã lấy đi rất nhiều giọt nước mắt của khán giả; đã tạo dựng nên một dàn diễn viên mới nổi tiếng như: Xuân Bắc, Kim Oanh…
Tiểu thuyết "Thời xa vắng" xuất hiện năm 1986, được nhà văn Lê Lựu viết khi công cuộc đổi mới đất nước vừa được bắt đầu. Ông viết như viết về mình nhưng có bóng dáng của nhiều người, của một thời. Giang Minh Sài – nhân vật chính trong tác phẩm là một kiểu người, một kiểu sống, rất riêng, rất khác với những nhân vật văn học quen thuộc trước đây.
"Thời xa vắng" đã được đón nhận nồng nhiệt, ai đọc cũng thấy mình trong đó, làng mình xã mình, thời mình đã sống trong đó. Tác phẩm được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1986, được chuyển thể thành phim và được giới phê bình xem là tác phẩm mở đầu cho một xu hướng của văn học đổi mới – xu hướng nhận thức lại thực tại…
Người đọc dễ bị choáng ngợp bởi độ nén của câu chuyện này, bởi các nhân vật sinh động trong đó, rốt cuộc chỉ còn lại một tiếng thở dài thương cảm khôn nguôi. Họ là nạn nhân của lịch sử, trong vòng xoáy ấy, chẳng biết có bao nhiêu nạn nhân như vậy, có bao mảnh đời tương tự vĩnh viễn sống trong nỗi sợ hãi và bế tắc, cuối cùng chìm khuất với thời gian", Phạm Giai Quỳnh nhìn nhận.
"Công cuộc đổi mới đất nước vừa được mở ra thì ngay lập tức văn học đã ghi được dấu ấn bất ngờ bằng tác phẩm "Thời xa vắng" của Lê Lựu. Cái thời đó tác giả gọi là "thời xa vắng" nhưng thật ra vẫn chưa qua. Đó là cái thời nhân vật Giang Minh Sài sống không phải là mình, nửa đời trước sống cho cái mình không có, nửa đời sau sống chạy theo cái không phải của mình.
Nhân vật văn chương này đã được nhớ tên, được coi như một định ngữ chỉ một kiểu người, một kiểu sống, điều này rất ít có trong văn chương nhiều năm trước đó vốn chỉ có hình tượng nhân vật tập thể mà không thể gọi tên một nhân vật cụ thể nào.
"Thời xa vắng" đã được đón đọc nồng nhiệt, ai đọc cũng thấy mình trong đó, và được giới phê bình coi là tác phẩm mở đầu cho một xu hướng của văn học đổi mới - xu hướng nhận thức lại thực tại", nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đánh giá.
Nhìn nhận về tác phẩm này, Nhà văn Võ Thị Xuân Hà cũng nhận định: "Rốt cuộc, Sài cũng là một người chân thực và quyết đoán cho số phận tình duyên mình khi anh quyết định ly hôn với Châu. Bỏ lại trong chính tâm hồn anh một người đàn ông luống tuổi vẫn còn ngơ ngác.
Trong suốt câu chuyện, dường như Sài luôn phải sống theo ý người khác, cho đến lúc phải ly hôn lần thứ hai trong đời. Và lúc này, con người thật trong anh bừng tỉnh thức, nhận ra con đường mình cần phải đi, phải làm điều gì đó thật là mình, chính mình, và có ích. Đó là trở về lại làng quê để thực hiện ước nguyện xây dựng và thay đổi nếp sống nếp làm ăn mới ở quê. Và đây là một trong những ý tưởng sâu sắc nhất của tác phẩm.
Có lẽ "Thời xa vắng" bền lâu bởi một hình ảnh của nhân vật nông thôn mới bắt đầu thành hình, bởi hồi chuông cảnh tỉnh được gióng lên vào thời kỳ chớm đổi mới, và vẫn còn vọng ngân đến hôm nay và cả mai sau…".
Quyết định tái bản tiểu thuyết "Thời xa vắng", "Sóng ở đáy sông"với một diện mạo mới, trong bối cảnh toàn xã hội đang căng mình chống dịch Covid-19, Sbooks mong muốn đóng góp phần nhỏ bé của mình vào đời sống tinh thần xã hội, mong sao đem lại nguồn năng lượng tích cực thiện lương và bản lĩnh sống trong mỗi tâm hồn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.