Dân Việt

Tình huống pháp lý khi bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị khởi tố dù đang bỏ trốn

Quang Trung 12/11/2022 13:50 GMT+7
Luật sư đã phân tích về việc, dù đang bỏ trốn nhưng căn cứ quy định pháp luật, cơ quan điều tra vẫn kết luận hành vi phạm tội và đề nghị truy tố bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn – cựu Chủ tịch Công ty AIC.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đưa hối lộ hơn 43 tỷ đồng

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ban hành kết luận vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, nhận hối lộ…" xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) và các đơn vị liên quan.

Căn cứ để truy tố, xét xử dù Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang bỏ trốn? - Ảnh 1.

Cựu chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang bỏ trốn vẫn bị C03 đề nghị truy tố - Ảnh: AIC Group

C03 chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố 36 bị can, trong đó có nhiều cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và cựu lãnh đạo AIC.

Nội dung đáng chú ý của kết luận là C03 đề nghị truy tố bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - cựu Chủ tịch Công ty AIC - về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và tội đưa hối lộ. Bà Nhàn bỏ trốn trước khi bị khởi tố và bị truy nã đến nay đã hơn sáu tháng.

Dù đang bỏ trốn nhưng C03 cho rằng đủ căn cứ để kết luận hành vi phạm tội của bà Nhàn.

Hai bị can từng là lãnh đạo cao nhất của tỉnh Đồng Nai bị đề nghị truy tố gồm: Đinh Quốc Thái - cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai và Trần Đình Thành - cựu Bí thư tỉnh Đồng Nai.

Theo kết luận điều tra, bà Nhàn đã trực tiếp và chỉ đạo cấp dưới đưa hối lộ cho ông Thành 14,5 tỉ, ông Thái 14,5 tỉ và cựu giám đốc Sở Y tế 14,8 tỉ.

Đề nghị truy tố khi bị can đang bỏ trốn dựa trên cơ sở nào?

Sau thông tin này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, vì sao bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang bỏ trốn nhưng cơ quan điều tra vẫn kết luận hành vi phạm tội và đề nghị truy tố?

Về việc này, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, đây là một trong những trường hợp rất hy hữu trong lịch sử tố tụng của nước ta. Tuy nhiên, việc này có căn cứ và đúng quy quy định pháp luật.

Theo vị luật sư, trong vụ việc này, mặc dù bà Nhàn đang bỏ trốn, hiện chưa bắt được, cũng chưa lấy được lời khai nhưng sẽ căn cứ kết quả thu thập tài liệu, các sổ ghi chép, phục hồi trích xuất dữ liệu, lời khai của các cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và các bị can khác để làm rõ hành vi.

Nếu đủ cơ sở xác định bà Nhàn là chủ mưu, cầm đầu và chịu trách nhiệm chính trong vụ án, hành vi phạm tội đã rõ ràng, cơ quan tố tụng có quyền ra kết luận điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt.

Hiện tại bị can Nhàn đang bị truy nã toàn quốc do đã xuất cảnh, vì vậy để truy tố và xét xử bị can này cơ quan tố tụng sẽ áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 290 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Cụ thể, khoản 2 Điều 290 nêu trên quy định, tòa án có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp như bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả, bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa.

Như vậy, bà Nhàn thuộc một trong các trường hợp theo quy định trên nên tòa án có thể xét xử vắng mặt.

Luật sư Khuyên nhấn mạnh, việc điều tra, truy tố và xét xử vắng mặt bà Nhàn là đảm bảo đúng trình tự, thủ tục tố tụng luật định. 

Nếu bà này vắng mặt, vẫn tiếp tục bỏ trốn sẽ mất quyền tự bào chữa và nhờ người bào chữa. Đặc biệt, không được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.