Quyền lợi nếu bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn ra đầu thú

Quang Trung Thứ bảy, ngày 12/11/2022 06:52 AM (GMT+7)
Cơ quan điều tra yêu cầu bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - cựu Chủ tịch Công ty AIC và các bị can khác ra đầu thú. Vậy quyền lợi của người phạm tội tự nguyện ra đầu thú là gì?
Bình luận 0

Bộ Công an yêu cầu bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn ra đầu thú

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đang điều tra vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, nhận hối lộ…" xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) và các đơn vị liên quan.

Quyền lợi nếu bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn ra đầu thú - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị khởi tố, điều tra về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" - Ảnh: AIC Group

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - cựu Chủ tịch Công ty AIC được xác định có vai trò lớn trong vụ án, thời điểm C03 tống đạt quyết định khởi tố, bà Nhàn đã bỏ trốn và đang bị truy nã.

Hai bị can từng là lãnh đạo cao nhất của tỉnh Đồng Nai bị bắt gồm: Đinh Quốc Thái - cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai và Trần Đình Thành - cựu Bí thư tỉnh Đồng Nai.

Để phục vụ điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an yêu cầu bà Nhàn và bảy người khác đang bỏ trốn đến Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an hoặc cơ quan công an nơi gần nhất đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng.

Không ra đầu thú là tự bác quyền lợi của mình

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Hà Thị Khuyên  (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định pháp luật tố tụng hình sự, truy nã là việc cơ quan tố tụng ra quyết định truy tìm tung tích của người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hình sự khi người đó bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu.

Căn cứ vào Điều 4, Điều 7 Thông tư liên tịch 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC, trong giai đoạn điều tra nếu xác định có bị can bỏ trốn hoặc không biết bị can đang ở đâu, cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án phải ra quyết định truy nã và phối hợp với lực lượng cảnh sát truy nã tội phạm để tổ chức truy bắt.

Cơ quan có thẩm quyền chỉ được ra quyết định truy nã khi có đủ căn cứ xác định đối tượng đã bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu và đã tiến hành các biện pháp xác minh, truy bắt nhưng không có kết quả.

Ngoài ra, theo luật sư Khuyên, tại điểm i khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, "đầu thú" là việc người phạm tội sau khi bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình.

Người phạm tội "đầu thú" là điều kiện để xem xét được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự khi quyết định hình phạt. Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.

Đối chiếu trường hợp bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn, vị luật sư cho rằng, nếu bị can nhận thức được tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi phạm tội của mình, ăn năn hối cải, tự nguyện ra đầu thú và khai nhận các hành vi vi phạm và những đồng phạm khác sẽ được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.

Đảng và Nhà nước luôn có chính sách khoan hồng cho những người biết sửa sai, lập công chuộc tội và cải tạo tốt để được hưởng chính sách tha tù trước thời hạn.

Còn nếu bị can cố tình trốn tránh, không ra đầu thú gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy bắt, bị can sẽ không được nhận sự khoan hồng của pháp luật, không được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại Điều 51 Bộ luật hình sự 2015.

"Nếu tiếp tục bỏ trốn, cơ quan điều tra có thể coi đó là từ bỏ quyền tự bào chữa. Nếu các bị can không ra đầu thú trong giai đoạn điều tra, cơ quan điều tra sẽ điều tra, kết luận vụ án theo quy định của pháp luật" – vị luật sư cho biết thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem