Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển Sâm Lai Châu. (Tuấn Hùng)
Khai mạc hội nghị, ông Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu nhấn mạnh: Sâm Lai Châu được phát hiện vào năm 2013, trải qua 10 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát triển, đến nay tỉnh Lai Châu đã tổ chức liên kết được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân đầu tư, bảo tồn, hình thành được vùng Sâm tại các huyện.
Tuy nhiên, thực tiễn việc nhân giống, bảo tồn, phát triển cây sâm trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; nguồn lực nội tại của tỉnh chưa đủ mạnh để huy động đầu tư, mở rộng vùng trồng để đưa sản phẩm sâm Lai Châu trở thành một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu khẳng định: Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển vùng sâm Lai Châu lần này, tỉnh Lai Châu mong muốn đưa hình ảnh sâm Lai Châu vươn ra Việt Nam và quốc tế. Đồng thời, bày tỏ tin tưởng với sự quyết tâm, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận của nhân dân, đặc biệt là sự quan tâm, giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương và sự đồng hành, hợp tác của các nhà đầu tư, cây sâm Lai Châu sẽ trở thành ngành hàng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, là một trong những hướng đi mới trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo báo cáo hiện trạng, tiềm năng, chính sách hỗ trợ và kế hoạch, định hướng phát triển sâm Lai Châu cho thấy, sâm Lai Châu là cây bản địa, đặc hữu chỉ phân bố tự nhiên trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Tỉnh Lai Châu xác định được trên 30.000 ha phù hợp cho phát triển sâm Lai Châu, trong đó có 17.000 ha rất thích hợp để phát triển. Hiện, cây sâm Lai Châu đang được áp dụng các chính sách hỗ trợ của Trung ương và tỉnh như: chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu; cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp vào đầu tư nông nghiệp, nông thôn và hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ 1 lần 50% chi phí mua giống và 50% giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…
Lai Châu phấn đấu đến năm 2030, 100% diện tích sâm Lai Châu ngoài tự nhiên được quản lý, bảo tồn; đầu tư, xây dựng và phát triển 7 cơ sở sản xuất giống sâm Lai Châu; đưa diện tích vùng trồng sâm toàn tỉnh lên 3.000 ha trở lên; khuyến khích đầu tư xây dựng 1 nhà máy chế biến sản phẩm sâm Lai Châu được áp dụng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định; tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh sâm Lai Châu được cấp mã số theo quy định.
Giai đoạn 2031-2045, Lai Châu phấn đấu phát triển thêm 7.000 ha vùng trồng sâm Lai Châu, đưa vùng trồng sâm Lai Châu lên 10.000 ha.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận đưa ra giải pháp, định hướng phát triển sâm Lai Châu trong thời gian tới.
Ông Đoàn Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ - Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) đã đưa ra những định hướng phát triển sâm Lai Châu phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và xu hướng phát triển bền vững của thế giới.
Theo đó, Lai Châu cần điều tra, đánh giá phân tích nguồn gen các loài sâm phân bố trong rừng tự nhiên về vùng phân bố, diện tích, trữ lượng và đề xuất vùng trồng thích hợp; tỉnh xây dựng vùng bảo tồn nguyên vị và vườn sưu tập; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về bảo tồn, phát triển nguồn gen; lựa chọn giống Sâm Lai Châu có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu, bệnh hại…
Phát biểu tại Hội nghị, ông Kim Suk Bum, Giám đốc Công ty BRIDIA tại Hồ Chí Minh cho biết: Sâm Lai Châu của Việt Nam là loại sâm chứa các thành phần rất tốt. Không giống như nhân sâm Hàn Quốc, sâm Lai Châu có chứa các ginsenoside loại ocotillol như majornoside R1 (MR1), R2 (MR2) và vina-ginsenoside R2 (VR2)… chiếm hơn 50% tổng hàm lượng. Vì vậy, trong các tài liệu nghiên cứu có thông tin cho rằng sâm Việt Nam có chứa nhiều ginseroide tốt cho khả năng miễn dịch và chống oxy hóa hơn cả nhân sâm Hàn Quốc.
Tuy nhiên, để bán được sản phẩm chế biến từ nguyên liệu sâm Lai Châu - Việt Nam, Giám đốc Công ty BRIDIA tại Hồ Chí Minh cho rằng điều quan trọng nhất là tạo được sự tin tưởng và tín nhiệm của khách hàng bằng cách nghiên cứu ra những sản phẩm tốt, an toàn được nhiều người biết đến và tin dùng.
Để có thể thâm nhập vào thị trường Việt Nam cũng như vươn ra toàn thế giới, sẽ cần rất nhiều sự ủng hộ và hỗ trợ từ một quốc gia như Hàn Quốc để có thể giúp ích nhiều cho các công ty đang chiến đấu trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay.
"Các công ty chỉ có thể tồn tại trong cuộc cạnh tranh khắc nghiệt nếu họ không nỗ lực để tạo ra thực phẩm tốt hơn và an toàn hơn thông qua nghiên cứu và phát triển sản phẩm"- ông Bum nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị, tỉnh Lai Châu công bố Á hậu Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 Huỳnh Phạm Thủy Tiên là Đại sứ du lịch Lai Châu; Hoa hậu Emily Hồng Nhung là Đại sứ thương hiệu Sâm Lai Châu năm 2022-2023.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Hà Trọng Hải cam kết tỉnh luôn sẵn sàng đồng hành với các nhà đầu tư giải quyết khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp nhà đầu tư tiếp cận các chính sách của tỉnh về đấu tư hỗ trợ phát triển dược liệu nói chung cây sâm Lai Châu nói riêng.
Thực hiện nhất quán chính sách ưu đãi, giảm tối đa thủ tục hành chính về đầu tư, thành lập doanh nghiệp; cung cấp đủ lao động có chất lượng phù hợp với các hoạt động đầu tư; đảm bảo an ninh trật tự khi doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các dự án vào địa bàn.
Dịp này, UBND tỉnh Lai Châu đã ký biên bản ghi nhớ, hợp tác phát triển Sâm Lai Châu với Hiệp hội Sâm Lai Châu và Công ty Cổ phần Dược phẩm Thái Minh; ký biên bản ghi nhớ với Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế và Đầu tư xây dựng Đại Nam Sơn về việc liên kết, bảo tồn, phát triển sâm Lai Châu.
UBND các huyện Tam Đường, Phong Thổ, Tân Uyên, Mường Tè cũng ký biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển Sâm Lai Châu với các công ty, doanh nghiệp đầu tư phát triển sâm Lai Châu trên địa bàn.