Dân Việt

Phó giám đốc Công ty mua bán nợ Hưng Thịnh bị bắt, chủ nợ có liên đới trách nhiệm?

Quang Trung 14/11/2022 19:33 GMT+7
Liên quan đến vụ Phó giám đốc Công ty mua bán nợ Hưng Thịnh đã bị bắt, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, chủ nợ thực sự có liên đới trách nhiệm?

Bắt Phó giám đốc Công ty mua bán nợ Hưng Thịnh

Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội vừa bắt giữ Tống Văn Vịnh (48 tuổi, Phó giám đốc Công ty mua bán nợ Hưng Thịnh) cùng 8 nghi phạm khác để làm rõ các hành vi cưỡng đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc và đánh bạc.

Phó giám đốc Công ty mua bán nợ Hưng Thịnh bị bắt, chủ nợ có liên đới trách nhiệm? - Ảnh 1.

Các đối tượng vừa bị Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội bắt giữ. Ảnh: CACC

Cảnh sát xác định, năm 2010, bà Mai (quê Vĩnh Phúc) góp 2,5 tỷ đồng để kinh doanh với anh Đ.T.A. (giám đốc công ty tin học ở Hà Nội). Sau đó, công ty làm ăn thua lỗ nên bà Mai yêu cầu anh T.A. trả lại tiền nhưng bất thành.

Qua tìm hiểu, bà Mai biết đến Công ty mua bán nợ Hưng Thịnh có dịch vụ đòi nợ. Ngày 10/10, người phụ nữ này bán khoản tiền 2,5 tỷ đồng đã góp với anh T.A để phía Hưng Thịnh đi thu hồi.

Từ giữa tháng 10, Vịnh nhiều lần kéo đàn em đến nhà anh T.A. đe dọa để ép đối phương đưa 2,5 tỷ đồng. Ngày 31/10, nhóm của Vịnh tiếp tục đến nhà anh T.A. đòi nợ thì bị bắt.

Kết quả đấu tranh xác định, bà Mai và công ty của Vịnh chỉ ký hợp đồng giả cách, không thanh toán tiền mua nợ. Các bị can đã sử dụng hợp đồng mua bán nợ để hợp pháp hóa việc đi đòi tiền, bản chất là đòi nợ thuê, khi đòi được tiền thì ăn chia theo tỷ lệ 50/50.

Khi nào chủ nợ bị xác định là đồng phạm?

Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, trong vụ việc này, Phó giám đốc Công ty mua bán nợ Hưng Thịnh đã bị bắt, vậy bà Mai có liên đới trách nhiệm?

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, đây là vụ án hình sự phức tạp, bởi vậy cơ quan điều tra sẽ làm rõ đặc điểm hoạt động của công ty này, làm rõ hoạt động của công ty là mua bán nợ hay là đòi nợ thuê.

Cơ quan điều tra sẽ làm rõ việc đòi nợ của các nhân viên công ty này được thực hiện như thế nào, tài liệu chứng cứ nào cho thấy nhân viên của các công ty này thực hiện hoạt động đòi nợ bằng hành vi đe dọa uy hiếp tinh thần của con nợ.

Đồng thời, làm rõ ngoài người trực tiếp thực hiện hành vi đe dọa uy hiếp tinh thần để của người khác để đòi nợ, những người khác trong công ty có biết, có cùng ý chí để thực hiện hành vi đòi nợ trái pháp luật này không.

Theo ông Cường, trường hợp kết quả điều tra cho thấy hoạt động trong toàn bộ công ty này là đe dọa uy hiếp tinh thần của người nợ tiền để đòi nợ, tất cả đều thống nhất ý chí như nhau nhưng chỉ có một số người thực hiện, khi đó mới xác định đây là nhóm tội phạm và dù người không trực tiếp thực hiện cũng sẽ được xác định là đồng phạm.

Còn đối với chủ nợ thực sự, người bán nợ (giả cách), cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ có sự thỏa thuận thống nhất với nhau về cách thức đòi nợ hay không.

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy giữa chủ nợ và những người đòi nợ thuê của công ty đã có sự bàn bạc thống nhất với nhau về cách thức đòi nợ là thủ đoạn đe dọa uy hiếp tinh thần của nạn nhân để đòi nợ, lúc này chủ nợ cũng có thể bị xử lý hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản với vai trò đồng phạm.

Ngược lại, nếu cơ quan điều tra không chứng minh được chủ nợ biết về thủ đoạn đòi nợ của nhóm Vịnh, không bàn bạc thống nhất với nhau về việc đòi nợ bằng mọi cách sẽ không có căn cứ để xử lý chủ nợ với vai trò đồng phạm về tội cưỡng đoạt tài sản.