Dân Việt

Ông Biden thúc giục G-20 cứng rắn với Nga về cuộc chiến Ukraine

Phương Đăng (theo NZHerald) 15/11/2022 18:43 GMT+7
Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là sẽ cố gắng thuyết phục các nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục cô lập Nga về mặt ngoại giao và kinh tế vì cuộc chiến ở Ukraine.
Ông Biden thúc giục G-20 cứng rắn với Nga về cuộc chiến Ukraine - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh IT

Trong các cuộc họp tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ tiếp tục chuyến công du toàn cầu thúc giục các quốc gia  chống lại Nga và bảo vệ chủ quyền của Ukraine theo cả hai cách tượng trưng và thực chất, theo Nzherald.

Nỗ lực này được đưa ra trong bối cảnh lạm phát toàn cầu, giá lương thực và năng lượng tăng vọt và việc tăng trưởng kinh tế đang chậm lại đã gây áp lực mới lên nhiều quốc gia áp đặt các hình phạt đối với Nga vì cuộc chiến kéo dài 9 tháng ở Ukraine.  

Khi khai mạc hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã gây ấn tượng khi tuyên bố: "Nếu chiến tranh không kết thúc, thế giới sẽ khó tiến lên phía trước. Chúng ta không nên chia thế giới thành nhiều phần. Chúng ta không được để thế giới rơi vào một cuộc chiến tranh Lạnh khác”.

Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ, phát biểu với điều kiện giấu tên, cho biết hôm nay 15/11  rằng thông cáo cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh sẽ làm rõ những quốc gia nào lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Không rõ có bao nhiêu quốc gia sẽ chấp nhận ngôn ngữ cứng rắn với Nga hoặc liệu thông cáo có mô tả các hành động quân sự của Nga ở Ukraine là một cuộc chiến hay không bởi Moscow đã tránh sử dụng cụm từ này kể từ khi họ đưa quân vào Ukraine.

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, Charles Michel, cũng kêu gọi các cường quốc toàn cầu khác tăng cường áp lực lên Nga về cuộc chiến chống lại Ukraine, bao gồm cả Trung Quốc, đồng minh lớn mạnh nhất của Moscow. Ông Michel nói rằng hội nghị thượng đỉnh là dịp rất quan trọng để ngăn chặn nỗ lực của Moscow nhằm "biến thực phẩm và năng lượng thành vũ khí".

Từ trước đến nay, các quan chức Trung Quốc phần lớn đã kiềm chế việc chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Bắc Kinh cũng tránh hỗ trợ trực tiếp cho người Nga, chẳng hạn như cung cấp vũ khí.

Tổng thống Vladimir Putin đã không tham dự Hội nghị G20 mà thay vào đó, cử ngoại trưởng Nga -  Serge Lavrov tới dự.