Dân Việt

Vì sao TP.HCM không thu hút được người tài?

Bạch Dương 15/11/2022 18:45 GMT+7
Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM cùng Viện Nghiên cứu phát triển TP vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến đề xuất cơ chế huy động các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia cùng TP trong tư vấn xây dựng và phản biện chính sách.
Vì sao TP.HCM không thu hút được người tài? - Ảnh 1.

Các chuyên gia làm việc tại Trung tâm Công nghệ Sinh học TP HCM. Ảnh: HCMBIOTECH

Theo GS.TS Nguyễn Thị Cành, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, 20-30 năm trước, TP đã từng có nhiều ý tưởng để thu hút, mời gọi, cũng xây dựng được đội ngũ chuyên gia trong nước và cả nước ngoài. Thời điểm đó, dù chế độ đãi ngộ, kinh phí không nhiều nhưng các chuyên gia rất tích cực đóng góp. Nhưng hiện tại, các chuyên gia không còn mặn mà đóng góp ý kiến cho thành phố.

TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ đặt vấn đề: Một TP năng động, hội tụ nhiều tiềm năng phát triển như TP.HCM nhưng vẫn thiếu chuyên gia, thiếu người. Phải chăng cơ chế hấp thụ tri thức nghẽn như cơ chế hấp thụ vốn hiện nay?

"Nhiều chuyên gia có ý tưởng phát triển tốt nhưng không ai trả lời là được hay không được dù họ rất tâm huyết với cái họ nghiên cứu… Cái làm chuyên gia nản là ý tưởng tốt nhưng không đưa được vào cuộc sống, không thể nào hấp thụ được", TS Trần Du Lịch thẳng thắn.

GS.TS Phan Xuân Biên cho rằng, đội ngũ trí thức cần nhất là môi trường, điều kiện, phương tiện làm việc và đội ngũ cộng sự làm việc. Trong khi đó, cơ chế của TP hiện nay chưa đáp ứng.

Theo TS Trần Du Lịch, việc đầu tiên cần làm là xây dựng cơ chế mà ở đó guồng máy hành chính có thể hấp thụ tri thức của chuyên gia khoa học. Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM cùng Viện Nghiên cứu phát triển TP nên phối hợp, tập hợp chuyên gia cùng xây dựng đề án thu hút chuyên gia, nhà khoa học.

Đề án này tập trung vào ba nội dung chính gồm đánh giá toàn bộ tiềm năng của chuyên gia tại TP.HCM và cả khả năng của chuyên gia nước ngoài; những vướng mắc, tồn tại trong việc hấp thụ nguồn tri thức đó; cơ chế thu hút và đặc biệt là phải làm rõ TP này cần đột phá về cái gì, về cơ chế chính sách gì.

Dựa trên ba nội dung đó của đề án để xây dựng quy định về cơ chế chính sách, có sự đầu tư chỉnh chu.

PGS.TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM góp ý, TP cần có cơ chế tài chính mở, thông thoáng đối với khoa học bởi lĩnh vực này thường mang yếu tố rủi ro, mạo hiểm. Đồng thời dẫn chứng các nước trên thế giới thuê chuyên gia theo công việc, trả công theo ngày. Công việc đó đáng giá bao nhiêu sẽ trả bấy nhiêu.

TS khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu cũng đồng ý việc cần có cơ chế tài chính tương xứng, rõ ràng, công khai, sòng phẳng với các chuyên gia; đồng thời phải hướng đến việc mời gọi các chuyên gia trẻ tuổi.

TP.HCM bắt đầu thu hút nhân tài từ năm 2014, thí điểm tại 4 cơ quan nghiên cứu và thu hút được 19 chuyên gia trong và ngoài nước về làm việc, sau đó 14 người rời đi. Đến 2019, chương trình chuyển sang giai đoạn chính thức bằng Quyết định 17 với nhiều thay đổi, nhưng được đánh giá không thành công khi chỉ ký hợp đồng với một người và không thu hút được nhân tài mới.

Nhằm hạn chế tình trạng "chảy máu chất xám" ở khu vực công, TP.HCM kiến nghị Chính phủ cần xây dựng chiến lược hoặc nghị quyết về thu hút, trọng dụng người tài chung cho cả nước với tầm nhìn dài hạn đến năm 2030, định hướng tới 2045. Việc tuyển chọn, chế độ đãi ngộ người tài cần có khung tối thiểu và tối đa để địa phương đưa ra phương án.

TP.HCM cũng đề xuất cần đa dạng loại hình hỗ trợ người tài với các nhóm đãi ngộ: mức hỗ trợ ban đầu (áp dụng một lần); tiền lương và sinh hoạt phí hàng tháng; tiền thưởng theo tỷ lệ lợi nhuận từ sản phẩm nghiên cứu hoặc theo đánh giá thành tích; các chính sách khác như hỗ trợ kinh phí thuê, mua nhà, tiền đi lại. Địa phương cần được dùng ngân sách nhà nước để tuyển chọn, đào tạo nhân tài.