Dân Việt

Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV: “Hơi thở” cuộc sống tràn ngập nghị trường

Hoàng Thành 16/11/2022 07:57 GMT+7
Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá kết quả của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV diễn ra chất lượng, hiệu quả, đưa "hơi thở" cuộc sống vào trong Nghị trường Quốc hội, cùng đó quyết định được các vấn đề quan trọng của đất nước.

Sau 21 ngày (20/10-15/11) làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề.

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá cao kết quả của kỳ họp lần này diễn ra chất lượng, hiệu quả trên cả 3 chức năng lập pháp, giám sát và quyết định được các vấn đề quan trọng của đất nước. Đặc biệt, đã đưa "hơi thở" cuộc sống vào trong Nghị trường Quốc hội. 

Nỗ lực đổi mới, đưa "hơi thở" cuộc sống vào nghị trường

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên chia sẻ: Có thể nhận thấy, trong những kỳ họp cuối năm của Quốc hội nhiều năm gần đây là tính sôi động và hơi thở cuộc sống "tràn ngập" trên nghị trường.

"Kỳ họp lần này cũng vậy, các phản ánh, kiến nghị của cử tri, thực tiễn đời sống như xăng dầu, đất đai, giải phóng mặt bằng, giá thuốc, vấn đề tự chủ của bệnh viện… gần như phủ kín các phiên thảo luận về kinh tế xã hội, các phiên chất vấn thành viên Chính phủ cũng như các phiên thảo luận về các dự án luật", bà Hải nói và cho rằng, các ĐBQH hết sức trách nhiệm và nhiệt tình, kỹ năng, kiến thức trong quá trình tham gia các phiên họp của Quốc hội, đặc biệt các phiên chất vấn điểm mấu chốt mang tới thành công của kỳ họp là từ ĐBQH.

Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV: “Hơi thở” cuộc sống tràn ngập nghị trường - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên chia sẻ với phóng viên bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Hoàng Thành.

Tại phiên bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá kỳ họp đã thành công tốt đẹp, về việc này, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên cho rằng có nhiều yếu tố làm nên thành công của kỳ họp, một trong đó là công tác chuẩn bị tài liệu của Quốc hội, trong đó không thể phủ nhận vai trò của Chính phủ, cơ quan tham mưu, đã khắc phục được nhiều bất cập của các kỳ họp trước, nhờ đó tài liệu không chỉ được gửi đến đại biểu từ sớm mà được chuẩn bị hết sức chi tiết, nhiều đổi mới từ việc đánh giá, có hệ thống biểu bảng giúp đại biểu phân tích, đánh giá dễ dàng trong quá trình nghiên cứu tài liệu.

Thêm một yếu tố được Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đưa rà là sự điều hành của chủ tọa kỳ họp, đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội, rất linh hoạt và am hiểu trong điều hành những lĩnh vực được đưa ra thảo luận. Cùng góp phần làm nên thành công của kỳ họp là vai trò của đội ngũ phóng viên báo chí và đội ngũ hậu cần phục vụ kỳ họp. Nhờ đó, nội dung của kỳ họp được chuyển tải tới cử tri, với nhân dân và bạn bè quốc tế nhanh chóng, kịp thời, chính xác...

Cùng chia sẻ về kỳ họp, đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình nhìn nhận, tại Kỳ họp thứ 4, các ĐBQH rất tích cực, chủ động trong các phiên họp, đặc biệt là Quốc hội rút ngắn thời gian xuống còn 21 ngày cho thấy sự vào cuộc chủ động, tích cực cũng như mong muốn một kỳ họp ngắn nhất nhưng chất lượng, hiệu quả.

Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV: “Hơi thở” cuộc sống tràn ngập nghị trường - Ảnh 2.

Đại biểu ặng Bích Ngọc - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình. chia sẻ với phóng viên bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Hoàng Thành.

Nữ đại biểu tỉnh Hòa Bình này cũng cho rằng, trong các phiên thảo luận ở tổ cũng như thảo luận tại hội trường, các ĐBQH rất tích cực bấm nút đăng ký phát biểu nhưng do quy định về thời gian nên chưa được phát biểu. 

"Điều này cho thấy sự chủ động, sự chuẩn bị chu đáo của các ĐBQH khi tham gia các phiên họp, cũng như sự nỗ lực của Chính phủ và của Quốc hội trong việc tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nên Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đạt được chất lượng, hiệu quả, niềm tin của cử tri và Nhân dân ngày càng được tăng cường".

Quốc hội ngày càng trách nhiệm, ngày càng chuyên nghiệp

Có thể nhận thấy, tại kỳ họp lần này, Quốc hội có một khối lượng công việc rất lớn, trong đó đã thông qua 6 luật, 14 nghị quyết, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý 1 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 7 dự án luật khác; thậm chí dành nguyên 1 ngày để cho ý kiến đối với dự án quan trọng như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi)....

Đáng chú ý, theo chương trình ban đầu, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được thông qua theo quy trình 2 kỳ họp. Tuy nhiên, trên cơ sở phát biểu của ĐBQH trên hội trường về dự thảo Luật cũng như báo cáo của Chính phủ, của Thường trực Ủy ban Xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và đề nghị Quốc hội cho phép chưa thông qua dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 4 để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV: “Hơi thở” cuộc sống tràn ngập nghị trường - Ảnh 3.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Hoàng Thành.

Về việc này, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội cho phép chưa thông qua dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 4 để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật cho thấy Quốc hội không quá vội vàng, không gấp rút thông qua một dự thảo luật chưa hoàn chỉnh.

"Việc Quốc hội chưa thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là chuẩn xác để lấy thêm ý kiến góp ý của chuyên gia, người dân và các đối tượng chịu tác động để luật sau khi có hiệu lực đi vào sống và tổ chức thực hiện tốt hơn", Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhìn nhận.

Nhấn mạnh thêm, đại biểu Phạm Văn Hòa nhìn nhận, việc thận trọng, khách quan, công tâm, vô tư, cân nhắc rất kỹ lưỡng, không chạy theo tiến độ cho thấy Quốc hội ngày càng trách nhiệm, ngày càng chuyên nghiệp, luôn đặt chất lượng xây dựng luật vì quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân lên hàng đầu, tránh tình trạng luật vừa ban phải sửa đổi.

Đồng quan điểm, đại biểu Đồng Ngọc Ba - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, đây là sự chủ động trong công tác lập pháp của Quốc hội, không vì mục tiêu phải ban hành chính sách thật nhanh mà bỏ qua yêu cầu về nội dung, đảm bảo các yêu cầu và tính khả thi, hiệu quả để luật có thể đi vào cuộc sống.

"Tôi nghĩ rằng, việc Quốc hội chưa thông qua một đạo luật nào đó vì các chính sách, nội dung, giải pháp trong đó chưa đủ chín, đủ rõ, chưa đáp ứng các yêu cầu, nhất là tính khả thi, hiệu quả, thì việc cần có thêm thời gian để xem xét là cần thiết, trong đó Luật Khám chữa bệnh là một ví dụ", ông Đồng Ngọc Ba chia sẻ.

Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV: “Hơi thở” cuộc sống tràn ngập nghị trường - Ảnh 5.

Quang cảnh phiên họp bế mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Ảnh: QH.

Tiếp tục giám sát việc thực hiện các luật, nghị quyết Quốc hội đã thông qua

Còn đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội đánh giá cao hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, nhất là hoạt động chất vấn tại kỳ họp, ông nhìn nhận, trách nhiệm của các đại biểu, trách nhiệm trước tâm tư, nguyện vọng của cử tri đã được đại biểu phản ánh rõ nét, thể hiện ở các nội dung chất vấn hết sức cụ thể và thiết thực. Số lượng đại biểu đăng ký chất vấn nhiều cho thấy ý chí, quyết tâm và trách nhiệm cao của đại biểu Quốc hội.

Tuy nhiên, theo đại biểu Trương Xuân Cừ, nếu chỉ dừng lại ở chất vấn mà không tiến hành giám sát tại kỳ họp tiếp theo để đánh giá lại, thì hoạt động chất vấn sẽ không thực sự hiệu quả. Vì vậy, đại biểu cho rằng, tất cả nội dung được đại biểu chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ dành thời gian thích hợp tại Kỳ họp thứ 5 để xem xét lại các nội dung chất vấn để thấy được vấn đề nào đã được giải quyết, vấn đề bào chưa được xử lý để tìm ra nguyên nhân. Vì vậy, đại biểu Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội nhấn mạnh, sau kỳ chất vấn phải có giám sát và sơ kết, đánh giá ngay tại kỳ họp tiếp theo.