Yêu cầu "nóng" của Quốc hội liên quan đến chính sách tiền lương năm 2023
Yêu cầu "nóng" của Quốc hội liên quan đến chính sách tiền lương năm 2023
Hoàng Thành
Thứ ba, ngày 15/11/2022 16:22 PM (GMT+7)
Quốc hội yêu cầu, trong năm 2023 trình cấp có thẩm quyền lộ trình thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương; trong đó, đặc biệt quan tâm vấn đề lương, phụ cấp ưu đãi với giáo viên.
Quốc hội yêu cầu có lộ trình cải cách tiền lương trong năm 2023
Chiều 15/11, Quốc hội thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện những giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.
Trong đó, đối với lĩnh vực nội vụ, Quốc hội yêu cầu đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, trọng tâm là rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Quốc hội cũng lưu ý, khẩn trương tham mưu thể chế hóa, thực hiện Kết luận số 14/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Đáng chú ý, trong năm 2023, Chính phủ trình cấp có thẩm quyền lộ trình thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27/2018 của Ban Chấp hành Trung ương, trong đó, đặc biệt quan tâm vấn đề lương, phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học.
Đến năm 2026, giảm ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và giảm ít nhất 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; khắc phục tình trạng giảm biên chế cơ học, cào bằng, bảo đảm bố trí biên chế phù hợp với từng loại hình, mô hình tổ chức bộ máy và từng địa bàn.
Khắc phục tình trạng công chức, viên chức có năng lực thôi việc
Quốc hội cũng yêu cầu có giải pháp khắc phục tình trạng công chức, viên chức có năng lực xin nghỉ việc, thôi việc; tiếp tục rà soát cắt giảm tối đa các chứng chỉ không gắn với tiêu chuẩn, điều kiện và yêu cầu của vị trí việc làm.
Đồng thời, yêu cầu tiếp tục thực hiện đổi mới công tác tuyển dụng công chức. Năm 2023, hoàn thành Đề án chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu, xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Ngoài ra, Quốc hội cũng lưu ý khẩn trương hoàn thiện chính sách, pháp luật về tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập; phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý, trong đó xác định rõ số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp tương ứng với mức độ tự chủ về tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập…
Bên cạnh đó, Chính phủ cần tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức; định mức số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực phù hợp với đặc điểm vùng, miền, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế.
Khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên tại các cấp học; hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án tạo nguồn bổ sung giáo viên các cấp học, nhất là giáo viên mầm non, tiểu học...
Ngăn chặn việc chia tách, "phân lô, bán nền"
Với lĩnh vực xây dựng, Quốc hội yêu cầu sớm có giải pháp khắc phục tình trạng ngập úng, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, chậm bàn giao hạ tầng các dự án nhà ở, khu đô thị, thiếu trường học, bệnh viện...
Cùng đó, Chính phủ khẩn trương hoàn thiện pháp luật quản lý, điều chỉnh lĩnh vực bất động sản, nhà ở, nhất là dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5.
Đồng thời, có chính sách thu hút, tạo nguồn vốn trung, dài hạn cho thị trường bất động sản, nhà ở xã hội; kiểm soát chặt chẽ việc huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán, bảo đảm thị trường bất động sản hoạt động công khai, minh bạch, bền vững và an toàn.
Quốc hội cũng lưu ý việc quản lý chặt chẽ, ngăn chặn việc chia tách, "phân lô, bán nền" tại các khu vực thiếu hệ thống hạ tầng hoặc chưa được phép đầu tư; không để xảy ra tình trạng "bong bóng" bất động sản, ngăn chặn đầu cơ, đẩy giá, gây nhiễu loạn thông tin thị trường, trục lợi bất hợp pháp.
Cùng với đó, sớm ban hành và thực hiện hiệu quả Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 – 2030; nâng mức hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.