Bộ Công Thương vừa có tờ trình về phê duyệt Đề án Quy hoạch điện 8 trình Chính phủ, trong đó có tờ trình về phê duyệt Đề án Quy hoạch điện VIII, trong đó có đề cập đến giá điện bình quân giá điện bình quân (quy về USD năm 2020) sẽ tăng dần từ mức 7,9 cent/kWh vào năm 2020 lên mức 8,1-9 cent/kWh vào năm 2030 và định hướng tới năm 2050, giá điện bình quân là 10,2-10,5 cent/kWh.
Tờ trình 7194/TTr-BCT về Quy hoạch điện VIII sẽ thay thế tờ trình số 5709/TTr-BCT ngày 23/9/2022 và tờ trình số 6328/TTr-BCT ngày 13/10/2022.
Với tỷ giá hiện tại là gần 25.000 đồng/ USD, giá điện bình quân theo đề án của Bộ Công Thương cho năm 2030 sẽ là từ 2.025 đồng đến 2.250 đồng/kWh điện. Đến năm 2050, giá điện bình quân có thể tăng lên từ 2.550 đồng đến 2.625 đồng/ kWh (theo tỷ giá hiện tại).
Đáng chú ý, trong lần thứ 5 trình đề án quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đưa giá điện bình quân tăng dần từ mức 7,9 cent/kWh vào năm 2020 lên 8,4 - 9,4 cent/kWh vào năm 2030.
Như vậy, trong lần trình thứ 6, Bộ Công Thương đã giảm giá điện bình quân mức tối đa vào năm 2030 so với đệ trình trước đó.
Theo Bộ Công Thương, so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, giá điện bình quân của Việt Nam tương đối thấp. Hiện, giá điện bình quân của một số nước theo tham khảo của Bộ Công thương như sau: Tại ASEAN, giá điện của Việt Nam thấp hơn Indonesia (10,07 cent/kWh), Thái Lan (10,74 cent/kWh).
So với thế giới, giá điện Việt Nam thấp hơn nhiều so với Nhật Bản (21,08 cent/kWh), Đức (32,27 cent/kWh), Mỹ (10,91 cent/kWh), Canada (12,44 cent/kWh), Trung Quốc (8,43 cent/kWh).
Theo dự thảo của Bộ Công Thương, nhu cầu tài chính cho triển khai quy hoạch là rất lớn. Tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện chương trình phát triển điện giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 106,3 - 143,8 tỷ USD. Trong đó, đầu tư phát triển cho nguồn điện khoảng 90,6 - 127,8 tỷ USD (trung bình mỗi năm 9,1 - 12,8 tỷ USD), cho lưới điện truyền tải khoảng 15,3 - 15,9 tỷ USD (mỗi năm khoảng 1,5 - 1,6 tỷ USD).
Tại tờ trình lần này, Bộ Công Thương đề xuất loại bỏ 600 MW điện than khỏi quy hoạch do dự án Công Thanh đủ điều kiện chính thức loại bỏ; 4 dự án còn lại (tổng công suất 6.200 MW).
Về nguồn điện khí LNG nhập khẩu, so với phương án tại tờ trình số 6328 ngày 13/10, tờ trình lần này bổ sung thêm 600 MW
Về các dự án điện mặt trời, Bộ Công Thương cho biết, tiếp thu ý kiến của Thanh tra Chính phủ, trên cơ sở rà soát thật kỹ các dự án/phần dự án, để tránh lãng phí đầu tư xã hội, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai và đưa vào vận hành thương mại trước năm 2030 đối với 11 dự án/phần dự án dưới đây: 6 phần dự án/phần dự án đã hoàn thành, đang chờ giá bán điện mới gồm: Phù Mỹ 1, Phù Mỹ 3; Dự án ĐMT tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam; Thiên Tân 1.2, Thiên Tân 1.3 và Thiên Tân 1.4. Tổng công suất 452,62 MW.
5 phần dự án đã có nhà đầu tư, đã đầu tư xây dựng đang thi công; các dự án/phần dự án đã được thẩm định Thiết kế cơ sở, đã có Quyết định thu hồi đất/Hợp đồng cho thuê đất/Quyết định giao đất, Hợp đồng mua bán thiết bị, Hợp đồng mua bán điện, bao gồm: Ngọc Lặc, Krông Pa, Phước Thái 2, Phước Thái 3, Đức Huệ 2. Tổng công suất 273,4 MW. Tổng cộng 11 dự án/phần dự án có tổng công suất 726,02 MW.
Còn lại 12 dự án/phần dự án đã có chủ trương đầu tư và chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng đang trong giai đoạn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, đang làm các thủ tục chuẩn bị đầu tư, chưa có Quyết định thu hồi đất/Hợp đồng thuê đất/Quyết định giao đất (MT1, MT2, Phú Thiện, Trang Đức, KN Ialy Gia Lai, KN Srêpôk, KN Ialy Kon Tum, Đức An, Sơn Quang, Thanh Hoá 1, Chư Ngọc giai đoạn 2, Dầu Tiếng 5 - tổng công suất 1.634,4 MW) đề xuất không đưa vào giai đoạn 2021 - 2030 mà xem xét sau năm 2030 với điều kiện đảm bảo được hệ thống truyền tải, cơ cấu nguồn điện vùng, miền, nhu cầu phát triển của nền kinh tế.
3 dự án/phần dự án/phần dự án mà chủ đầu tư thông báo không tiếp tục thực hiện (Mai Sơn, phần còn lại dự án KCN Châu Đức, phần còn lại dự án Thiên Tân 1.3), tổng công suất 60 MW thì loại bỏ khỏi Quy hoạch.
Trước đó, tại tờ trình 6328 ngày 13/10/2022, Bộ Công Thương vẫn đề xuất về nguyên tắc cho phép tiếp tục triển khai các dự án điện mặt trời đã được chấp thuận nhà đầu tư đến năm 2030 với tổng công suất 2.360,42 MW (có nghĩa là gồm cả 23 dự án nêu trên, đã trừ 3 dự án chủ đầu tư chủ động không tiếp tục thực hiện).
Theo đó, trong tính toán quy hoạch phát triển nguồn điện, Bộ Công Thương đề xuất, đến năm 2030: Tổng công suất các nhà máy điện khoảng 121.757 - 145.989 MW (kịch bản phụ tải cơ sở - kịch bản cao phụ vụ điều hành) (không bao gồm điện mặt trời mái nhà, nguồn cấp phụ tải riêng và đồng phát), trong đó: Thuỷ điện 27.353 - 28.946 MW (tỷ lệ 19,8 - 22,5%); nhiệt điện than 30.127 - 36.327 MW (20,6 - 29,8%); nhiệt điện khí trong nước và LNG 30.330 - 39.430 MW (24,9 - 27%); năng lượng tái tạo ngoài thuỷ điện (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối,.. ) 21.871 - 39.486 MW (18 - 27%), trong đó điện gió trên bờ đạt 11.905 - 21.480 MW (9,8 - 14,7%), điện gió ngoài khơi 7.000 MW (4,8%), điện mặt trời là 8.736 MW (7,2 - 6%); nhập khẩu điện 4.076 - 5.000 MW (3,3 - 3,4%).
Định hướng đến năm 2050: Tổng công suất các nhà máy điện khoảng 368.461 - 501.608 MW (kịch bản phụ tải cơ sở - kịch bản cao phụ vụ điều hành) (không bao gồm điện mặt trời mái nhà, nguồn cấp phụ tải riêng và đồng phát), trong đó: Thuỷ điện chiếm tỷ lệ 7,2 - 9,7%; nhiệt điện than 0 MW; nhiệt điện sử dụng sinh khối/ amoniac chiếm tỷ lệ 5,1 - 7,8%; nhiệt điện khí trong nước từ 1,6 - 2,1%; nhiệt điện LNG chuyển chạy hoàn toàn bằng hydro chiếm tỷ lệ 4,2 - 4,9%; năng lượng tái tạo ngoài thuỷ điện (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối,..) chiếm tỷ lệ từ 54,9 - 58,9%, trong đó điện gió trên bờ tăng lên 13,3 - 13,2%, điện gió ngoài khơi 12,5 - 17,3%, điện mặt trời chiếm 27,3 - 27,2%; nhập khẩu điện (2,2 - 3%).