Công ty CP FPT (HoSE: FPT) vừa công bố kết quả kinh doanh 10 tháng đầu năm với doanh thu đạt 33.105 tỷ đồng tăng 24,4% và lợi nhuận trước thuế 6.456 tỷ đồng tăng 24% so với cùng kỳ.
Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) 10 tháng tăng 30% lên 4.158 đồng. Tính riêng trong tháng 10, FPT thu về hơn 4.100 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế mang lại 685 tỷ đồng.
Về cơ cấu doanh thu, khối công nghệ (bao gồm dịch vụ công nghệ thông tin trong nước và dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài) tiếp tục giữ vai trò chủ chốt, đóng góp 57% doanh thu và 46% lợi nhuận trước thuế của tập đoàn, tương đương 20.047 tỷ đồng và 2.970 tỷ đồng.
Trong đó, mảng xuất khẩu phần mềm tiếp tục đà tăng trưởng với mức doanh thu 15.249 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 30%, đóng góp bởi sức tăng đến từ thị trường Mỹ (tăng 46%) và APAC (tăng 46,6%).
Thị trường Nhật Bản chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ với mức tăng trưởng doanh thu theo đồng Yên đạt 26,4%, thúc đẩy bởi nhu cầu chi tiêu cho CNTT lớn tại thị trường này sau thời gian dài phong tỏa do dịch bệnh COVID-19. Khối lượng đơn hàng ký mới tại thị trường nước ngoài đạt mức 18.266 tỷ đồng, tăng trưởng 40,5%.
Khối viễn thông đóng góp 34% vào tổng doanh thu 10 tháng đầu năm, tương đương 12.064 tỷ đồng, tăng hơn 16%. Lợi nhuận trước thuế khối này đạt 2.353 tỷ đồng, tăng 18,4%.
Trong khi đó, mảng giáo dục, đầu tư và khác ghi nhận tăng trưởng doanh thu hơn 80% lên 2.994 tỷ đồng và chiếm 9% tổng doanh thu của tập đoàn. 10 tháng, mảng này lãi trước thuế 1.133 tỷ đồng, tăng hơn 32%.
Doanh thu dịch vụ Chuyển đổi số trong 10 tháng đầu năm đạt 5.925 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với cùng kỳ; tập trung vào các công nghệ mới như Cloud, AI/Data Analytics, Blockchain,...
Năm 2022, FPT đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2022 lần lượt là 42.420 tỷ đồng (tăng 19%) và 7.618 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021.
Như vậy, sau 10 tháng, Tập đoàn đã thực hiện được 78% chỉ tiêu doanh thu và 85% mục tiêu lợi nhuận trước thuế.
Trong báo cáo gặp gỡ giữa FPT, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết tiếp tục củng cố quan điểm tích cực về triển vọng kinh doanh của FPT mặc dù rủi ro về khả năng kinh tế toàn cầu chững lại trong năm 2023.
Tại buổi gặp, ban lãnh đạo FPT cho biết vẫn duy trì kế hoạch kinh doanh cho năm 2022 và tự tin sẽ hoàn thành hoặc vượt nhẹ kế hoạch mà Công ty đã đề ra dù lo ngại kinh tế suy thoái.
Tuy nhiên, Ban lãnh đạo cho biết FPT có thể ghi nhận rủi ro đến từ khả năng kinh tế toàn cầu chững lại trong năm 2023, do đó đặt ra triển vọng tăng trưởng thận trọng hơn cho năm 2023.
Đối với mảng công nghệ trong năm 2023, FPT dự kiến số lượng hợp đồng mới tăng trưởng mạnh sẽ hỗ trợ doanh thu xuất khẩu phần mềm toàn cầu trong năm 2022. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo duy trì quan điểm thận trọng cho năm 2023 với mục tiêu giá trị hợp đồng mới đạt 1 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ trong năm tài chính 2022.
FPT cho biết các hợp đồng mới tại Nhật Bản với mức tăng 50% trong 9 tháng đầu năm 2022 (chưa điều chỉnh tác động của tỷ giá), cho thấy nhu cầu mạnh mẽ trên thị trường này bất chấp biến động tiền tệ.
Năm 2023, FPT dự kiến doanh thu từ Nhật Bản sẽ tăng 30% so với cùng kỳ. Công ty cũng có chiến lược hedging linh hoạt cho dòng thu nhập bằng đồng JPY khi xem xét tỷ giá hàng tháng để đánh giá tác động của việc đồng JPY giảm giá.
Đối với thị trường Mỹ, FPT dự kiến doanh thu tăng trưởng 30% vào năm 2023 nhưng thận trọng đối với mức tăng trưởng giá trị hợp đồng mới.
FPT nhận xét mức giá thấp hơn so với các công ty cùng ngành ở Ấn Độ vẫn là một lợi thế cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu phần mềm toàn cầu vào năm 2023.
Đối với mảng kinh doanh công nghệ thông tin, lãnh đạo FPT duy trì quan điểm tích cực về nhu cầu chuyển đổi số đối với mảng kinh doanh công nghệ thông tin (CNTT) trong nước của Công ty.
Theo đó, FPT kỳ vọng việc ra quyết định và giải ngân ngân sách CNTT từ khu vực công sẽ tăng tốc trong giai đoạn 2023-2024. FPT đã và đang thảo luận và/hoặc ký kết các dự án chuyển đổi số với 24 tỉnh thành tại Việt Nam.
Đối với khu vực tư nhân, trong khi khách hàng là các tập đoàn bất động sản đang đối mặt với những hạn chế về ngân sách và triển vọng tăng trưởng trung hạn thấp, nhu cầu từ khách hàng là các ngân hàng và tổ chức dịch vụ tài chính đối với chuyển đổi số vẫn tăng trưởng bền vững.
FPT cho biết chi tiêu cho điện máy dự kiến giảm sẽ ảnh hưởng triển vọng tăng trưởng của FPT Synnex. Thêm vào đó, FPT Semiconductor vẫn là nhà thiết kế chip vào năm 2023.
Dù FPT trải qua giai đoạn bùng nổ chi tiêu cho CNTT của người tiêu dùng vào năm 2022 nhưng nhu cầu về thiết bị CNTT sẽ giảm vào năm 2023 do ngân sách CNTT bị cắt giảm bởi lo ngại suy thoái kinh tế và dẫn đến FPT Synnex có kỳ vọng tăng trưởng thấp hơn.
Ngoài ra, FPT không có kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy bán dẫn tại Việt Nam và sẽ duy trì mô hình kinh doanh thiết kế chip hiện tại vào năm 2023.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/11, cổ phiếu FPT tăng 5,16% lên 69.300 đồng/cp.